Cà phê, với tư cách là một hàng hóa thương phẩm (commodity), ngoài yếu tố cung-cầu, thường cũng bị chi phối bởi những yếu tố khác. Có những yếu tố mà các nhà kinh doanh và nông dân cà phê thường nghĩ không dính dáng gì với mặt hàng, sản phẩm chúng ta làm ra, thì thực sự có những lúc chịu tác động trực tiếp, có khi là lâu dài đến diễn biến giá thế giới và cả trong nước.
Điểm lại ngắn gọn tình hình vừa qua, ai cũng không thể không thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến khủng hoảng logistics, đã đưa giá cà phê lên xuống dồn dập và thất thường, nhưng cái đáng lo nhất trong thời gian căng thẳng nhất giữa đại dịch Covid-19, chính là chính sách và biện pháp phong tỏa của các nước làm ngưng trệ và đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, mà cà phê là thấy rõ nhất: thiếu người mua, thiếu tín dụng, giao dịch “giật cục” ghìm dòng chảy của hàng hóa.
Mặt khác, do mặt hàng cà phê được giao dịch trên các sàn hàng hóa phái sinh dùng đồng USD làm phương tiện thanh toán, hoạt động giá trên hai sàn cà phê không thể ra khỏi các chính sách tiền tệ của các nước tiêu thụ nhất là Hoa Kỳ. Nhất cử nhất động của các thay đổi về chính sách tiền tệ như tăng/hạ lãi suất, cung ứng vốn cho các chương trình kích cầu chống khủng hoảng Covid-19, giá cà phê như có bàn tay nào đó “nắn theo” cho vừa với các chính sách đó.
Thị trường đã từng chứng kiến giá cà phê tăng mạnh trong năm 2021, lập đỉnh cao nhất cả chục năm, nhưng rồi giá nhanh chóng sụp đổ khi có tin các chương trình kích cầu-nguồn gốc của lạm phát phi mã hiện nay tại nhiều nước tiêu thụ-, đến nỗi chính quyền các nước này phải hạ nhanh lãi suất để khống chế lạm phát. Thị trường cà phê đang đi theo từng nhịp chân của tình hình chung ấy.
Nhìn vào hiệu suất đầu tư trên hai sàn cà phê từ chục năm nay theo diễn biến giá của các tháng giao dịch chính, ta thấy rất rõ giá cà phê London đạt đỉnh cao tại 2.499 USD/tấn vào ngày 01/12/2021 và New York 260.45 cts/lb lập ngày 01/02/2022, thì chỉ cần khi nghe Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói phải thu hồi chương trình cung ứng vốn mỗi tháng 120 tỷ USD và hạ lãi suất sẽ được quyết định vào phiên họp của Fed vào cuối tháng 03/2022 này, người kinh doanh hàng giấy và hàng thực đều tất tả thanh lý “tồn kho” tức các hợp đồng hay hàng hóa đã mua và…tuần qua (tính đến 05/03) tạo nên cảnh bán tháo mạnh trên cả hai sàn cà phê.
Cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra cách nay chừng mươi ngày. Không thể nói rằng thị trường cà phê gãy đổ là do chiến sự vì hiệu suất tính trong vòng một tháng, tức tính trước đó 20 ngày, giá London mất 175 USD/tấn hay giảm 7,91% (2.213-2.038) và New York mất 18,15 cts/lb tương đương với 400 USD/tấn (224.25/242.40) hay âm 7,49%.
Nói vậy để thấy rằng cuộc chiến Nga-Ukraine có tác động chăng chính là làm tan chảy nhanh hơn và nhiều hơn giá trên các sàn tài chính. Sàn nào nhạy cảm hơn với chính sách tiền tệ, sàn ấy chịu ảnh hưởng nặng hơn.
Kết hợp tình hình mới, từ rày về sau, thị trường cà phê sẽ như thế nào? Trong bài “Kịch bản nào cho giá cà phê năm 2022?” đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ra ngày 06/01/2022, có dự đoán rằng: “Khi vào sâu năm 2022, giá sàn robusta London có thể ổn định quanh mức 2.000 USD/tấn ới dung sai +/-100 USD/tấn” và “giá cà phê nội địa quanh mức 39 triệu đồng/tấn với dung sai +/-1 triệu đồng/tấn” dù giá các sàn kỳ hạn có xuống đến đâu. Đến nay xem ra nhận định này hình như đi nhanh hơn vì thị trường có phần bị thúc đẩy bới cuộc chiến Nga-Ukraine.
Những khó khăn mới ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cà phê có xuất phát từ cuộc chiến cần thấy trước:
-Giá dầu thô và phân bón tăng mạnh, Nga có thể khóa “van” các đường ống dẫn khí thiên nhiên và xăng dầu qua các nươc EU sẽ khiến chi phí đầu vào sản xuất cà phê tăng cao.
-Nga cũng vừa khuyến nghị ngưng xuất khẩu phân bón và nguyên liệu làm phân bón cho đến khi hoạt động vận tải trở lại hoạt động bình thường. Brazil nhập khẩu chừng 80% lượng phân bón từ Nga và Ukraine, tuyệt đại bộ phận diện tích cà phê Việt Nam với chừng 600 nghìn héc-ta cà phê đang phụ thuộc vào các nguồn phân bón nhập khẩu và sản xuất trong nước.
-Rất nhiều hãng tàu chuyên chở hàng hóa trong đó có cà phê sang Nga và tuyến đường qua Nga đã ra thông báo ngưng bán cước, bảo hiểm hàng hóa qua vùng chiến sự kể cả những nước phụ cận không lâm chiến cũng chịu chung một hoàn cảnh.
Ngoài ra, quyết tâm của chính quyền tại nhiều nước tiêu thụ cà phê là tìm cách kìm được lạm phát, đưa giá cả và dịch vụ tại đó xuống để vừa lòng cử tri nếu như có các cuộc bầu cử.
Nhưng bức tranh thị trường không chỉ có màu xám. Trước hết là “thuyền lên nước lên”. Giá dầu thô tăng, giá cước tàu tăng, giá nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là ngũ cốc tăng, sẽ kéo giá cà phê lên theo mặt bằng mới nếu như cuộc chiến Nga-Ukraine bị kéo dai dẵng hơn.
Chắc chắn sẽ có những đợt chỉnh giá tăng trên hai sàn cà phê dù các quỹ đầu tư tài chính đang mua mạnh đồng USD như là một nơi trú ẩn an toàn. Nhưng hoạt động giá trên hai sàn cà phê sẽ không bền vững và dao động giá trên cả hai sàn sẽ rất mạnh bạo và thất thường. /.
Nguyễn Quang Bình
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.