Ngày 22/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức khởi động Dự án nâng cao tính bền vững, năng suất, giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cây cà phê và cây hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên (dự án V-SCOPE).
Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và Công ty JDE tài trợ; Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp phục vụ Phát triển Pháp (CIRAD) cùng với các đối tác nghiên cứu, đối tác tư nhân thực hiện.
Dự án triển khai tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đến tháng 9/2024, với sự tham gia của gần 300 nông hộ trồng cà phê và hồ tiêu.
Trong năm đầu tiên của dự án, nhóm chuyên gia sẽ thiết kế và thử nghiệm một quy trình tưới tiêu mới nhằm cải thiện chất lượng đất và kiểm soát sâu bệnh gây hại từ đất; cải thiện các phương thức canh tác bền vững. Những kết quả thu được sẽ sử dụng để lập mô hình một cách chính xác phản ứng của cây cà phê và cây hồ tiêu trong các điều kiện khí hậu khác nhau, khi nhiệt độ và độ ẩm thay đổi, để thiết kế hoàn thiện hệ thống tưới thông minh thích ứng với khí hậu cho hai loại cây này ở Tây Nguyên; hướng đến nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ và quản lý chuỗi các tiêu chuẩn và chứng nhận bền vững.
Phát biểu tại chương trình, Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, với đặc điểm khí hậu và đất đai thuận lợi, Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển các cây trồng nông nghiệp giá trị cao như cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Đến nay, Tây Nguyên đã hình thành những ngành sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là cà phê và hồ tiêu, góp phần quan trọng nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả nước, nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam trên thế giới và khu vực. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên đang phải đối diện với nhiều thách thức trong phát triển bền vững bao gồm các vấn đề lớn như thoái hóa tài nguyên đất và nước, biến đổi khí hậu, tổ chức quản lý sắp xếp còn hạn chế, liên kết chuỗi giá trị gặp khó khăn, giá trị gia tăng thấp…
Do đó, mục tiêu của dự án V-SCOPE là nhằm cải thiện sinh kế của nông hộ nhỏ vùng Tây Nguyên, đặc biệt là nhóm dân dễ bị tổn thương, thông qua cải thiện sự bền vững và chuỗi giá trị trong canh tác cây cà phê và cây hồ tiêu.
Dự án gồm bốn hợp phần. Thứ nhất là cải thiện chất lượng đất và kiểm soát sâu bệnh gây hại từ đất trong trang trại cà phê và hồ tiêu, trong vườn ươm. Thứ hai là cải thiện các phương thức canh tác bền vững với việc sử dụng tài nguyên và hiệu quả kinh tế cao hơn. Thứ ba là cải thiện việc cung cấp dịch vụ và quản lý chuỗi các tiêu chuẩn và chứng nhận bền vững… để hỗ trợ những thay đổi trong hoạt động của người dân. Thứ tư là nâng cao năng lực thực hiện các chiến lược mở rộng quy mô và đảm bảo áp dụng lâu dài các hệ thống canh tác bền vững và triển khai chuỗi giá trị ở cấp cảnh quan có tính đến bối cảnh môi trường, chính trị và xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Tân, Trưởng đại diện ICRAF Việt Nam cho biết, một trong những vấn đề hiện nay ở Tây Nguyên là việc suy thoái đất do tác động bởi các tập quán canh tác không bền vững, nhất là sử dụng quá mức hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, dự án V-SCOPE sẽ thử nghiệm, đánh giá và thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững; trong đó có các phương thức cải tiến sức khỏe của đất trong các trang trại cà phê và hồ tiêu./.
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.