Căng thẳng thương mại dường như đã lây lan rộng khắp khi Mỹ nâng mức thuế quan lên một số hàng hóa nhập khẩu từ EU, trong khi căng thẳng với Trung Quốc vẫn chưa có gì mới do nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang nghỉ Lễ Quốc Khánh kéo dài. Bên cạnh còn là báo cáo của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức thấp gần một thập kỷ khiến đầu cơ và quỹ rút vốn ra khỏi các thị trường hàng hóa và chứng khoán. Tuy nhiên, số liệu báo cáo kinh tế Mỹ không khả quan như kỳ vọng nhưng đã gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm thêm lãi suất USD trong tháng 10 và giúp chứng khoán Mỹ hồi phục sau một tuần suy yếu.
Thông tin tại thị trường tại Châu Âu về BREXIT đang gây sức ép lên thị trường cà phê và hàng hóa Châu Âu nhiều hơn trong tháng 10 này. Ngày 10/10 được xem là thời điểm cuối, đang tác động nhiều lên thị trường hàng hóa và chỉ số chứng khoán khác. Giá đường thô, bông vải và ca cao, đặc biệt là cà phê đã bị đẩy xuống mức thấp hơn từ phiên đầu tuần. Các thương gia dự kiến sức mua rất yếu và họ đã tham gia bán khi giá tăng. Trên thị trường hiện nay xuất hiện cả hai vị thế mua và vị thế bán.
Chốt phiên 08/10 giá cà phê trên cả hai sàn diễn biến trái chiều, cụ thể giá Robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 11/2019 tăng nhẹ 6 USD chốt 1.259 USD/tấn, kỳ hạn tháng 01/2020 cũng tăng 6 USD chốt 1.282 USD/tấn. Ngược lại, giá Arabica trên sàn New York tiếp tục giảm điểm với kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 1,30 cent chốt 95,70 cent/lb, kỳ hạn tháng 03/2020 cũng giảm 1,30 cent chốt 99,35 cent/lb.
Sáng nay 09/10 thị trường khu vực Tây Nguyên mua xô với giá 32,4 – 32,6 triệu đồng/ tấn. Tỷ giá Vietcombank mua vào 1 USD = 23.140 VND
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8/2019 đạt 10,45 triệu bao, giảm 3,95% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ 2018/2019 đã đạt tổng cộng 120,28 triệu bao, tăng 9,19% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó.
Ở mức giá hiện nay cùng với các giao dịch khó khăn tại các thị trường sản xuất, các tập đoàn kinh doanh cung ứng nguyên liệu đa quốc gia Nestlé, Olam đang đưa ra các chính sách cũng như thực hiện hỗ trợ đến các quốc gia sản xuất.
Tập đoàn Nestlé đã đang thực hiện phê duyệt hỗ trợ các nông dân tại Indonesia ổn định cung cấp nguồn cung, đặc biệt tại các vùng phía Bắc. Mục đích hỗ trợ các nông dân thực hiện áp dụng công nghệ trong chuỗi cung ứng bền vững năm 2020 và giữa năm 2020.
Bên cạnh đó đại diện diện đứng đầu bộ phận kinh doanh nông sản Olam International đang kêu gọi quỹ bình ổn giá cà phê hỗ trợ giá cà phê toàn cầu có một nguồn quỹ ổn định do giá cà phê đã duy trì ở mức thấp lịch sử ảnh hưởng tới hàng triệu đời sống của các nông dân cũng như đe dọa đến ngành cà phê toàn cầu.
Yếu tố thời tiết thay đổi đang gây nên các lo ngại về ảnh hưởng đến hầu hết các vùng trồng cà phê tại các quốc gia sản xuất. Thời tiết nắng nóng tăng thêm sâu bệnh và những người nông dân không thể chống chọi với điều này và họ sẽ rất dễ dàng chặt bỏ để thay thế cây trồng khác.
Brazil:
Đồng Reais tiếp tục dao động ở mức thấp trong khi khô hạn không còn là mối lo do các vùng trồng cà phê chính ở miền nam đã bắt đầu có mưa xuân hỗ trợ ra hoa vụ mới.
Các thị trường cà phê nhận một thông tin khá “sốc” trong bối cảnh giá thấp khi Cooxupé, hợp tác xã cà phê lớn nhất Brazil và cả thế giới, vừa giao xuống cảng một lô hàng được cho là lịch sử, lên tới 80.000 bao cà phê, tương ứng với 215 container chỉ trong 1 ngày.
Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 9 chỉ đạt 2,69 triệu bao, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước, đưa xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm 2019 lên đạt tổng cộng 26,49 triệu bao, tăng mạnh tới 348,49% so với xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2018
Việt Nam:
Giao dịch nội địa diễn ra rất hạn chế do nguồn cung đã cạn kệt vào thời điểm cuối vụ. Theo ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết xuất khẩu cà phê có khả năng giảm trong tháng tới do các thương nhân đang gặp khó khăn trong việc thu mua để đảm bảo đủ lượng hàng giao cho các hợp đồng tháng 10. Giá cà phê thế giới vẫn duy trì ở mức thấp kéo dài đã làm nông dân Việt Nam bước vào niên vụ cà phê mới 2019/2020 với tâm lý không lạc quan vì sản xuất không có lợi nhuận, nhiều nơi việc tái canh diện tích cây già cỗi tiếp tục bị trì hoãn.
Trong bối cảnh giá cà phê thấp, ngành cà phê Việt Nam đang dần chuyển mình sang chế biến cà phê, tăng giá trị cho sản phẩm. Theo số liệu của ICO, lượng cà phê rang xay xuất khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu niên vụ 2018/19 giảm gần 20% xuống 116.407 bao. Tuy nhiên, lượng cà phê hòa tan xuất khẩu tăng mạnh tới 48% lên hơn 1 triệu bao. Thông tin từ công ty Intimex, năm nay, Intimex giảm dần xuất khẩu cà phê nhân và đẩy mạnh mặt hàng cà phê hòa tan thông qua xây dựng nhà máy chế biến với công suất 20.000 tấn/năm, vốn đầu tư 100 triệu USD, chia làm hai giai đoạn và hoàn thành trong 5 năm 2019 - 2024. Trong năm 2018, sản lượng xuất khẩu của tập đoàn tăng 35% so với năm 2017, chiếm 28,3% sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.
Colombia:
Liên đoàn những người trồng cà phê quốc gia (FNC) Colombia đã báo cáo sản lượng cà phê trong tháng 9 đạt 1.088.000 bao (bao 60 kg), tăng 38.000 bao, tức tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế sản lượng cà phê của Colombia trong 12 tháng của niên vụ cà phê 2018/2019 đạt tổng cộng 13.866.000 bao, tăng 55.000 bao, tức tăng 0,4% so với niên vụ cà phê trước đó.
Xuất khẩu cà phê trong tháng 9 đã giảm 87.000 bao, tức giảm 7,88% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ đạt tổng cộng 1.017.000 bao. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê của Colombia trong 12 tháng của niên vụ cà phê 2018/2019 đạt tổng cộng 13.784.000 bao, tăng 828.000 bao, tức tăng 6,4% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước.
Colombia là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao hàng đầu thế giới. Cà phê Arabica của Colombia được bán với giá chênh lệch cộng rất cao so với các nước cùng sản xuất cà phê ở vùng Nam Mỹ.
Ấn Độ:
Thời tiết bất lợi cùng những cơn mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề đối tới các vùng trồng cà phê. Những người trồng cà phê ở bang Karnataka đang gặp khó khăn do bệnh thối đen, rụng quả, khu vực các quận Kodagu, Chikkamagaluru và Hassan có sản lượng cà phê và nông sản rất thấp sau những trận mưa lớn. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp, những người trồng cà phê, đặc biệt là những người sản xuất qui mô nhỏ, lo lắng về sự gia tăng của bệnh nấm và rụng quả ảnh hưởng đến cây trồng.
Tình hình tồn kho:
Tính đến thứ Hai ngày 30/9, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 1.050 tấn so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 154.260 tấn (tương đương 2.571.000 bao, bao 60 kg).
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) tính đến thứ Ba ngày 24/9:
Thị trường cà phê Arabica ở New York: bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 1,88% so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ở 42.848 lô, tương đương 12.147.218 bao và có khả năng đã tăng thêm nữa sau giai đoạn thương mại có phần tiêu cực hơn kể từ sau đó.
Thị trường cà phê Robusta tại London: bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế bán ròng ngắn hạn bớt 1,71% so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký bán ròng ở 46.545 lô, tương đương 7.757.500 bao và có khả năng tăng nhẹ trở lại sau giai đoạn thương mại có phần tiêu cực hơn kể từ sau đó.
VICOFA tổng hợp (Nguồn: tincaphe, giacaphe, ICO, Reuters, Agroinfo)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.