Chốt phiên 12/12, giá cà phê trên cả hai sàn lại có sức bật tăng, cụ thể giá Robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 01/2020 tăng 22 USD chốt 1.435 USD/tấn, kỳ hạn tháng 03/2020 tăng 20 USD chốt 1.447 USD/tấn. Trong khi đó, giá Arabica trên sàn New York kỳ hạn tháng 03/2020 tăng 2,05 cent chốt 137,25 cent/lb, kỳ hạn tháng 05/2020 cũng tăng 2,05 cent chốt 139,40 cent/lb.
Sáng nay 13/12 thị trường khu vực Tây Nguyên mua xô cũng tăng khá theo sàn kỳ hạn so với hôm trước với mức giá 33,7 – 33,9 triệu đồng/ tấn. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản: 1 USD = 23.110 VND.
Brazil:
Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê ở Brazil (Cecafé) đã báo cáo khối lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 11 của nước này đạt 2,8 triệu bao, thấp hơn 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy 2 tháng đầu tiên của niên vụ 2019/20 (tính từ tháng 10/2019 đến 9/2020) khối lượng xuất khẩu cà phê đã đạt 6,12 triệu bao.
Cecafé đã chỉ ra rằng sản lượng cà phê của Brazil năm 2019 thấp hơn năm kỷ lục 2018 và do đó, nguồn cà phê xuất khẩu chất lượng cao cũng ít hơn. Theo nguồn tin từ Chính phủ Brazil, năm 2019 đạt 49 triệu bao trong khi năm 2018 đạt 61,6 triệu bao.
Theo báo cáo mới nhất của Rabobank, sản lượng cà phê của Brazil trong năm 2020 có thể đạt 66,7 triệu bao, cao hơn kỷ lục 62,6 triệu bao đạt được trong năm 2018. Mặc dù đây là một dự báo sớm song sẽ tác động đến giá cà phê thế giới khi Rabobank là công ty uy tín chuyên về tài chính nông nghiệp.
Trong khi đó, Ban dịch vụ nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2019/20 của Brazil giảm 2% xuống còn 58 triệu bao so với dự báo trước đó.
Việt Nam:
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, khối lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 11 của Việt Nam đạt 112,89 ngàn tấn với kim ngạch 196,52 triệu USD, tăng 29% về khối lượng và tăng 24,6% về kim ngạch so với tháng 10. Như vậy, tổng 11 tháng đầu năm 2019 Việt Nam đã xuất khẩu được 1.465.731 tấn cà phê với kim ngạch 2.527.067.897 USD, giảm 15% về khối lượng và giảm 22,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiệt độ lạnh giá hơn các năm trước tại Tây Nguyên dấy lên dự báo mùa khô hạn năm nay sẽ khắc nghiệt hơn.
Tại tỉnh Lâm Đồng, một số vườn cà phê phải chấp nhận thu hoạch chậm, giảm sản lượng do chủ vườn không dám thuê nhân công do tiền công cao mà giá cà phê lại thấp. Theo các hộ dân, giá cà phê tươi trong thời gian qua chỉ dưới 7.000 đồng/kg, chưa đủ bù chi phí. Với giá cà phê hiện tại, nếu thuê công hái cà phê, mỗi ngày công 250.000 đồng, khiến chi phí sẽ cao hơn sẽ nông dân càng thêm thua lỗ.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã điều chỉnh số liệu sản lượng cà phê của Việt Nam tính tháng 10/2019 đến tháng 9/2020 là 32,22 triệu bao, cao hơn so với ước tính 30,5 triệu bao trước đây, do sự mở rộng diện tích canh tác của Việt Nam, tăng năng suất trên diện tích tái canh và điều kiện thời tiết thuận lợi. USDA duy trì dự báo 28,25 triệu bao xuất khẩu từ Việt Nam tính từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2020.
Colombia:
Theo Liên đoàn người trồng cà phê quốc gia Colombia, xuất khẩu cà phê trong tháng 11 của nước này đạt 1.194 nghìn bao, giảm 4,71% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu trong 2 tháng đầu niên vụ 2019/20 đạt 2.405 nghìn bao, giảm 7,04% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Colombia đã đưa ra lộ trình đảm bảo sản xuất cà phê bền vững trong thập kỷ tới với kế hoạch tăng chất lượng và sản lượng. Một phần trong "Kế hoạch 2030" là cải tạo thêm các đồn điền và thiết lập các lựa chọn phòng ngừa rủi ro bổ sung cho thời điểm giá thấp. Từ năm 2010 đến 2019, Colombia đã cải tạo hơn 851.000 ha rừng trồng, gần như toàn bộ đất được sử dụng để trồng cà phê. Cải tạo này đã giúp nâng sản lượng lên 20,5 bao cà phê mỗi ha.
Colombia sẽ kết thúc vụ thu hoạch năm 2019 với khoảng 14 triệu bao (60 kg), trong thời gian này, Colombia phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lần thứ hai liên tiếp khi giá cà phê thế giới xuống thấp.
Tổng thống Colombia ông Ivan Duque cũng nhấn mạnh việc tạo ra một quỹ trị giá 52 triệu đô la nhằm giúp đỡ những người trồng cà phê khi giá không đủ để trang trải chi phí sản xuất.
Indonesia:
Theo số liệu từ chính phủ Indonesia, xuất khẩu cà phê trong tháng 11 của nước này đạt 263,3 nghìn bao, giảm 28,96% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu trong 2 tháng đầu niên vụ 2019/20 đạt 664,1 nghìn bao, cao hơn 33,91% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Ấn Độ:
Mưa lớn và liên tục từ tháng 8 đến tháng 10 tại các khu vực đồn điền Chikmagalur, Kodagu và Hassan đã gây ra lở đất, lũ lụt và cuốn trôi các đồn điền cà phê, phá hủy cơ sở hạ tầng và khiến hạt cà phê non rụng. Theo ước tính sơ bộ của Chủ tịch Hiệp hội trồng trọt bang Karnataka, sản lượng cà phê dự kiến sẽ giảm ít nhất 30 - 35%.
Tình hình tồn kho:
Sự thiếu hụt cà phê chất lượng cao ở các nhà sản xuất hàng đầu như Trung Mỹ, Colombia và Brazil đã khiến lượng tồn kho có chứng nhận ICE giảm đáng kể, từ 2,5 triệu bao trong tháng 3 xuống còn khoảng 2,1 triệu bao trong tháng 12.
Lượng cà phê Arabica chế biến ướt được sàn New York cấp chứng nhận đã giảm 29.773 bao vào hôm 11/12, đăng ký ở mức 2.032.414 bao, với 88,3% tương đương 1.795.620 bao nằm tại Châu Âu và 11,7% còn lại tương đương 236.794 bao nằm tại Mỹ. Hiện đang có 34.400 bao chờ được cấp chứng nhận.
VICOFA tổng hợp (Nguồn: Agroinfo, scasa.co.za, ico.org, tincaphe, giacaphe.com, Reuters)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.