Chốt phiên 14/01, giá cà phê trên cả hai sàn đều tăng điểm nhẹ, cụ thể giá Robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 03/2020 tăng 8 USD chốt 1.320 USD/tấn, kỳ hạn tháng 05/2020 tăng 9 USD chốt 1.338 USD/tấn. Trong khi đó, giá Arabica trên sàn New York kỳ hạn tháng 03/2020 tăng 0,35 cent chốt 114,90 cent/lb, kỳ hạn tháng 05/2020 cũng tăng 0,35 cent chốt 117,25 cent/lb.
Sáng nay 15/01 thị trường khu vực Tây Nguyên mua xô với mức giá 32– 32,1 triệu đồng/ tấn. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản: 1 USD = 23.125 VND.
Căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, sự dịch chuyển dòng vốn tìm nơi trú ẩn kết hợp việc thanh lý mua ròng quá mức của đầu cơ và các quỹ tiếp tục làm giá cà phê ở mức thấp, trong đó cà phê Arabica tại sàn New York ở mức thấp của 6 tuần qua, trong khi giá cà phê Robusta ở sàn London còn có thêm sức ép nguồn cung do nông dân Việt Nam bán hàng vụ mới để lấy tiền mặt chi tiêu cho kỳ lễ Tết cổ truyền Canh Tý sắp tới.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) báo cáo xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 11/2019 đạt tổng cộng 9,31 triệu bao, giảm 0,91 triệu bao, tức giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm là do Brazil xuất khẩu giảm, vì sản lượng cà phê Arabica vụ mùa 2019 ở chu kỳ giảm. Tuy nhiên, ICO cũng báo cáo xuất khẩu cà phê toàn cầu trong vòng 12 tháng tính từ tháng 12/2018 đến tháng 11/2019 đã tăng 7,19 triệu bao, tức tăng 5,89% so với 12 tháng trước đó.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đã điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2019/20 dư thừa, do sản lượng cà phê Conilon Robusta của Brazil tăng mạnh (khoảng 1,5 triệu bao), đạt mức cao kỷ lục 18,1 triệu bao bù đắp cho sản lượng cà phê Arabica giảm do chu kỳ 2 năm một; trong khi đó, nguồn cung cà phê ở Việt Nam dự kiến đạt khoảng 29,5 triệu bao, tương đương với niên vụ 2018/19. Theo USDA, niên vụ 2019/20, xuất khẩu cà phê toàn cầu dự kiến giảm 4,7 triệu bao, xuống còn 115,4 triệu bao do Brazil và Honduras giảm xuất khẩu; tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2019/20 dự báo tăng 1,5% so với niên vụ 2018/19, lên 167,9 triệu bao. Nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều dự báo giảm trong năm 2019-2020 trong khi đó Trung Quốc sẽ là nước tiêu thụ cà phê chính trong năm 2020.
Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương Việt Nam dự báo năm 2020, giá cà phê Arabica sẽ phục hồi do xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm, trong khi nhu cầu tăng.
Brazil:
Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) điều chỉnh dự báo sản lượng Brazil vụ mùa 2020 lên 56,4 triệu bao, tăng 12,9% so với vụ trước. Trong đó, cà phê Arabica tăng tới 22% do yếu tố của chu kỳ “hai năm một”. Tuy nhiên, dự báo này cũng không tác động đáng kể lên tâm lý thị trường do sản lượng vẫn còn thấp hơn vụ mùa 2018.
Việt Nam:
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, cả năm 2019 Việt Nam đã xuất khẩu được 1.653.265 tấn cà phê với kim ngạch 2.854.608.608 USD, giảm 11,9% về khối lượng và 19,3% về kim ngạch so với năm 2018.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo vụ 2019/20 sản lượng cà phê của Việt Nam đạt mức kỉ lục 32,2 triệu bao, tăng 1,8 triệu so với năm trước do tiếp tục mở rộng diện tích trồng cũng như thời tiết thuận lợi giúp tăng năng suất. Xuất khẩu cà phê dự báo tăng 800.000 bao lên 25,5 triệu bao trong khi lượng dự trữ trong kho sẽ tăng hơn hai lần lên 4,1 triệu bao vì giá thấp khiến người dân găm hàng không muốn bán. Dự báo này cũng đã tác động đáng kể khiến giá cà phê xuống thấp.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, các vùng trồng cà phê chính ở Tây Nguyên trải qua thời tiết khô và nắng. Mùa mưa đến muộn hơn mọi năm nhưng ổn định trong tháng 7 và tháng 8, hỗ trợ cho việc ra hoa và đậu quả. Với giá tiêu đen giảm trong 3 năm qua, nông dân không còn thay thế cây cà phê bằng cây hồ tiêu. Tuy nhiên, một số nông dân đã bắt đầu trồng sầu riêng, xoài, bơ và cây ăn quả.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tính đến tháng 12/2019, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan, 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Dự báo năm 2020 sẽ có sự chuyển dịch về cơ cấu mặt hàng, doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Colombia:
Colombia là quốc gia sản xuất Arabica lớn thứ 2 thế giới sau Brazil, sản lượng vụ 2019/20 dự kiến đạt 14,1 triệu bao, tăng 1,7 % so với vụ 2018/19. Trong 2 tháng đầu vụ Colombia xuất khẩu 2,37 triệu bao, tăng 3,1 % so với cùng kỳ. Chủ yếu bán lượng hàng vụ cũ khi giá Arabica tăng thu hút sức bán từ nông dân.
Tình hình tồn kho:
Lượng cà phê Arabica chế biến ướt được sàn New York cấp chứng nhận tăng thêm 2.984 bao vào hôm 13/01, đăng ký ở mức 2.068.299 bao, với 88,4% tương đương 1.828.834 bao nằm tại Châu Âu và 11,6% còn lại tương đương 239.465 bao nằm tại Mỹ. Trong khi đó số lượng hàng đang chờ để được cấp chứng nhận giảm 11.517 bao, chỉ còn ở mức 160.778 bao.
Lượng tồn kho Robusta được sàn London cấp chứng nhận tính đến ngày 06/01/2020 lại giảm tiếp 15.333 bao so với tuần trước đó, chỉ còn ở mức 2.491.833 bao.
VICOFA tổng hợp (Nguồn: Agroinfo, scasa.co.za, tincaphe, giacaphe.com, Reuters)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.