Chốt phiên 30/10 giá cà phê trên cả hai sàn lại tăng nhẹ, cụ thể giá Robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 11/2019 tăng 11 USD chốt 1.262 USD/tấn, kỳ hạn tháng 01/2020 tăng 15 USD chốt 1.291 USD/tấn. Tương tự, giá Arabica trên sàn New York kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 0,40 cent chốt 99,35 cent/lb, kỳ hạn tháng 03/2020 cũng tăng 0,30 cent chốt 102,80 cent/lb.
Sáng nay 31/10 thị trường khu vực Tây Nguyên mua xô với giá 32,4 – 32,5 triệu đồng/ tấn. Tỷ giá Vietcombank mua vào 1 USD = 23.150 VND
Về sản lượng cà phê:
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), ước tính sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2018/19 tăng 3,7%, lên 168,87 triệu bao. Sản lượng tăng ở tất cả khu vực, trừ Mexico và Trung Mỹ. Sản lượng cà phê tại Nam Mỹ ước tăng 4,8% so với niên vụ trước, lên 80,95 triệu bao trong niên vụ 2018/19. Sản lượng tại khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 4,6%, lên 48,46 triệu bao; sản lượng tại khu vực Châu Phi tăng 1,9%, lên 17,99 triệu bao.
Brazil:
Cooxupé, hợp tác xã cà phê lớn nhất thế giới tại Brazil cho biết đã bán hết toàn bộ lượng hàng thu hoạch trong năm 2019 cung cấp cho các hợp đồng kéo dài đến tháng 05 hoặc 06 trong năm tới.
Indonesia:
Hiệp hội các nhà Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê Indonesia (AIKEI) cho biết sẽ gia tăng sản lượng cà phê thêm 50 – 60% trong vòng 5 năm tới để đón đầu sức tiêu thụ gia tăng của các thị trường mới nổi, nhất là thị trưởng tỷ dân Trung Quốc , bất chấp tuyên bố của Brazil mới đây là kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất Robusta hàng đầu để thay thế Việt Nam.
Uganda:
Theo Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), nhờ những chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mới để tăng thu nhập từ những năm 2013, hiện những vườn cà phê này đã bắt đầu đi vào kinh doanh. Theo đó, xuất khẩu tháng 9 của nước này tăng 23,54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 362.219 bao, nâng tổng lượng cà phê xuất khẩu của niên vụ 2018/19 đạt 4.439.968 bao, tăng 3,12% so với vụ trước. Dự báo niên vụ 2019/20 sẽ đạt 5,1 triệu bao, tăng 16% so với niên vụ 2018/19. Uganda chủ yếu trồng cà phê Robusta, là quốc gia có khối lượng cà phê xuất khẩu hàng đầu châu Phi.
Việt Nam:
Theo nhận định từ các thương lái, giá cà phê trong nước khó có khả năng tăng trong thời gian tới do vụ thu hoạch 2019/20 sẽ diễn ra mạnh từ giữa tháng 11.
Trước thực tế giá cà phê ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, tạo ra nhiều khó khăn, rủi ro cao cho các doanh nghiệp và người sản xuất, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức Hội nghị Câu lạc bộ xuất khẩu cà phê Việt Nam nhằm đưa ra những khuyến nghị và đề xuất ứng phó. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cân nhắc tính toán thận trọng trong kinh doanh, hạn chế bán trừ lùi xa, tăng cường mua bán ngay, chốt giá trước khi giao hàng. Khuyến cáo các cơ quan chức năng và các địa phương, người nông dân trồng cà phê đã hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate vì đây là chất sẽ bị cấm khi xuất khẩu sang các nước châu Âu. Hội nghị cũng đề nghị VICOFA kiến nghị Chính phủ và ngân hàng giãn nợ cho người nông dân ở vụ cũ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn (lãi suất thấp) tối đa trong 6 tháng để tạm trữ cà phê trong thời gian đầu vụ thu hoạch rộ.
Hiện nay, do ngành cà phê trong nước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, Bộ Công thương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu cà phê. Các biện pháp bao gồm thúc đẩy đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài để tiêu thụ cà phê qua các hệ thống phân phối nước ngoài đồng thời đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu, tổng hợp thông tin về thị trường, từ nhu cầu, chủng loại, quy cách, mẫu mã, cung cầu, giá cả, các chính sách quản lý xuất nhập khẩu và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... để cung cấp cho các Bộ, ngành, người dân và doanh nghiệp.
Công bố Danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam:
Ngày 5/11/2019, Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chính thức có hiệu lực.
Ngoài việc công bố 4021 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam thì đáng lưu ý hơn, Thông tư này cũng công bố Danh mục 41 loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm tuyệt đối sử dụng, trong đó có: Các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Chlordimeform; thuốc bảo vệ thực vật có chứa Isobenzen; thuốc bảo vệ thực vật có chứa Isodrin…
Đồng thời, Thông tư này cũng chỉ rõ, các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Fipronil chỉ được sản xuất, nhập khẩu đến ngày 12/2/2020; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12/2/2021.
Tình hình tồn kho:
Dự trữ cà phê ở một số thị trường lớn như Mỹ tiếp tục tăng. Theo Hiệp hội Cà phê Nhân (GCA), tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tồn kho cà phê trên khắp Mỹ tăng 127.925 bao (bao 60 kg) so với cuối tháng 8/2019, lên 7,4 triệu bao.
Lượng cà phê Arabica chế biến ướt được chứng nhận tại sàn New York tăng 928 bao vào ngày hôm qua, đăng ký ở mức 2.240.957 bao, với 87,5% tương đương 1.959.796 bao nằm tại Châu Âu và 12,5% tương đương 281.161 bao nằm trong tại Mỹ. Hiện đang có 15.543 bao chờ được cấp chứng nhận.
Trong khi đó, tính đến ngày 28/10, lượng cà phê Robusta được chứng nhận tại sàn London giảm 15.000 bao so với tuần trước, chỉ còn 2.642.833 bao.
VICOFA tổng hợp (Nguồn: SCASA, Agroinfo, tincaphe, giacaphe, ICO, Reuters)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.