Kết thúc phiên cuối tuần 5/6, giá dầu tăng 5%, kéo theo giá kim loại công nghiệp, đường, cao su, cà phê… đồng loạt tăng theo.
Dầu tăng 5% do thất nghiệp của Mỹ giảm và OPEC+ nhóm họp
Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần sau khi số liệu từ Mỹ cho thấy thất nghiệp trong tháng 5/2020 bất nhờ giảm và OPEC+ tổ chức hội nghị trực tuyến trong ngày 6/6 để bàn bạc về việc có kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng hay không.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 2,31 USD (5,8%) lên 42,30 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,14 USD (5,7%) lên 39,55 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 19,2%, trong khi dầu WTI tăng 10,7%. Cả 2 loại dầu đều tăng tuần thứ 6 liên tiếp do các nước sản xuất chủ chốt cắt giảm sản lượng và có dấu hiệu nhu cầu cải thiện khi ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng chính sách giãn cách xã hội.
Bộ Lao động Mỹ thông báo tỷ lệ thất nghiệp của nước này đột ngột giảm xuống còn 13,3% trong tháng 5/2020, từ mức 14,7% của tháng 4/2020.
Vàng giảm trên 2% khi kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua do kinh tế toàn cầu ngày càng đón thêm tín hiệu hồi phục, mà mới nhất là số liệu về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, khiến nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn sụt giảm.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 1,9% xuống 1.678,81 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 2,6% xuống 1.683 USD/ounce.
Tính chung cả tuần, giá vàng giảm khoảng 2,6%, là tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 13/3/2020.
Đồng USD và chứng khoán phố Wall đảo chiều tăng mạnh cũng góp phần khiến giá vàng giảm trong phiên cuối tuần.
Quặng sắt tăng 5 tuần liên tiếp do triển vọng nhu cầu mạnh
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng tuần thứ 5 liên tiếp do triển vọng nhu cầu mạnh và lo ngại nguồn cung từ Brazil.
Kết thúc phiên giao dịch, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên giảm 0,9% xuống 756 CNY (105,26 USD)/tấn, song tính chung cả tuần vẫn tăng 2,3%. Trong khi đó, cũng phiên cuối tuần, giá quặng sắt trên sàn Singapore tăng 1,5% lên 97,10 USD/tấn.
Tuy nhiên, giá tăng liên tục kéo dài trong thời gian qua gây lo ngại sẽ sớm đảo chiều. Nhà phân tích cấp cao của ANZ, Daniel Hynes, cho rằng "Giá quặng sắt có thể đã tăng quá mạnh, mạnh hơn so với tốc độ tăng của ngành thép, do đó chắc chắn sẽ chịu áp lực giảm trong những tháng tới".
Cà phê trên cả hai sàn cùng nhau tăng giá:
Giá cà phê trên sàn London và New York cùng nhau tăng giá, trong đó giá Robusta trên sàn London tăng mạnh hơn. Cụ thể, đối với kỳ hạn tháng 7, Robusta tăng 37 USD/tấn (tương đương 3,09%) lên 1.233 USD/tấn, trong khi Arabica tăng 0,75 cent/lb (tương đương 0,76%) lên 98,90 cent/lb.
Tính chung cả tuần 23, thị trường London có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng tất cả 64 USD, tức tăng 5,47 %, lên 1.233 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 56 USD, tức tăng 4,71 %, lên 1.245 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York cũng có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng tất cả 2,6 cent, tức tăng 2,7 %, lên 98,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng tất cả 2,5 cent, tức tăng 2,55 %, lên 100,65 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Sáng nay 08/6 giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tăng 700.000 đồng/tấn so với hôm qua, cụ thể tại Đăk Lăk giá cà phê nhân xô trong khoảng 32,5 – 32,7 triệu đồng/tấn, Gia Lai, Đăk Nông 32,2 – 32,3 triệu đồng/tấn. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản: 1 USD = 23.170 VND.
Đồng Reais hồi phục nhẹ sau nổ lực gia tăng thanh khoản của Ngân hàng Trung ương Brazil (BC), trong khi USDX cũng sụt giảm do căng thẳng Trung – Mỹ gia tăng vì vấn đề an ninh Hồng Kông. Tuy nhiên việc mở cửa hoạt động trở lại của một số thị trường lớn đã kích thích nhà đầu tư quay lại các thị trường hàng hóa và giá dầu thô bật tăng từ mức thấp là điều không khó để suy đoán.
Việc đóng cửa các hàng quán, thực hiện giãn cách xã hội và việc cung ứng hàng hóa nguyên liệu gần như bị đình trệ trong suốt hai tháng 4 và 5 trên toàn cầu cũng đã khiến nhu cầu bị thắt chặt, đã tạo nên những đợt sốt giá hàng hóa trong ngắn hạn. Giá cà phê cũng chịu những tác động chung không khó để nhận thấy. Kỳ vọng giá cà phê kỳ hạn sẽ sớm hồi phục nhờ có tính thanh khoản cao, trong khi thị trường cũng bắt đầu đón nhận những gói kích thích kinh tế khổng lồ của nhiều NHTW tung ra góp phần vực dậy kinh tế thế giới đang suy thoái hết sức đáng lo ngại do đại dịch Covid-19.
Safras & Mercados cho hay, tính đến ngày 2/6 vừa qua, Brazil đã thu hoạch được 23% tổng diện tích cà phê của niên vụ 2020/21, trong khi cùng kỳ vụ trước đã thu hoạch được 30%. Safras & Mercados dự kiến sản lượng vụ 2020/21 của Brazil đạt 68,1 triệu bao (60kg). Trong khi đó Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra con số dự báo 67,9 triệu bao.
Tại Việt Nam: Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, sự thay đổi nhiệt độ không khí theo chiều hướng tăng dần tại các tỉnh Tây Nguyên làm cho cây cà phê dễ ra hoa sớm. Trung tâm bảo vệ thực vật Miền trung khuyến cáo trong điều kiện khô hạn, rệp sáp và rệp vảy sẽ phát sinh gây hại cây cà phê từ tháng 5 đến tháng 8, giai đoạn nắng nóng xen kẽ mưa giông. Bệnh gỉ sắt gây hại mạnh vào cuối năm ở các tỉnh Tây Nguyên. Mưa và ẩm độ cao là điều kiện cho bọ xít muỗi gây hại cà phê chè ở Lâm Đồng, nhất là giai đoạn ra chồi non, quả non. Bọ cánh cứng gây hại cà phê ở Kon Tum từ tháng 5 đến tháng 9, nhất là thời kỳ có mưa giông vào chiều tối, giai đoạn cây ra chồi non và quả non. Ngoài ra, bệnh khô cành, nấm hồng sẽ hại mạnh các vườn cà phê đã già và không được đầu tư chăm sóc tốt. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện đã có hơn 3.215 ha cà phê bị rệp sáp gây hại với tỷ lệ 2,5-50%, phân bố rải rác tại các vùng cà phê của tỉnh và có khả năng lây lan trên diện rộng nếu không ngăn chặn kịp thời.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Aarabica tại New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 26/5, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế mua ròng bớt 98,98% xuống đăng ký mua ròng ở 47 lô, tương đương 13.324 bao và hầu như đã giảm thêm sau giai đoạn thương mại có phần tiêu cực hơn kể từ sau đó.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta ở London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã giảm vị thế bán ròng bớt 0,53 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký bán ròng ngắn hạn ở 34.852 lô, tương đương 5.809.667 bao và có khả năng thay đổi không đáng kể sau giai đoạn thương mại chủ yếu đi ngang kể từ sau đó.
Tính đến thứ Hai ngày 01/6, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 3.340 tấn, tức giảm 2,6 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 124.890 tấn (tương đương 2.081.500 bao, bao 60 kg), kéo dài chuỗi sụt giảm chưa từng thấy.
Theo số liệu công bố mới nhất vào ngày 15/5/2020 của Hiệp hội cà phê xanh Hoa kỳ (GCA), lượng cà phê dự trữ tại các kho cảng của Mỹ đến cuối tháng 4/2020 là 6,51 triệu bao ( tương đương 391 nghìn tấn), tăng 494 nghìn bao so với cuối tháng 3/2020, đồng thời tăng 173 nghìn bao so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tiêu thụ ước khoảng 570 nghìn bao/ mỗi tuần, lượng tồn kho này đủ cung cấp cho hơn 11,43 tuần cho hoạt động rang xay tại khu vực Bắc Mỹ.
VICOFA tổng hợp
(Nguồn: ICO, Reuters, Agroinfo, tincaphe, giacaphe, tintaynguyen, cafeF)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.