Kết thúc phiên 8/6, chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực, S&P 500 chứng kiến đà tăng mạnh mẽ trong năm nay, chạm mức cao nhất 15 tuần trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng lạc quan về sự hồi phục của nền kinh tế. Phố Wall tiếp tục thăng hoa. Giá dầu giảm hơn 3%, trong khi khí tự nhiên, vàng, quặng sắt và thép đồng loạt tăng, đồng và cao su cao nhất 3 tháng, cà phê trên sàn London và New York biến động lệch pha nhau. Thị trường kỳ vọng chính sách tiền tệ ôn hòa từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Giá dầu giảm hơn 3%
Giá dầu giảm hơn 3% sau khi các quốc gia OPEC+ đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng song Ả-rập Xê-út và 2 nước sản xuất khác thuộc Vịnh sẽ không duy trì mức giảm bổ sung lên tới hơn 1 triệu thùng/ngày.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/6, dầu thô Brent rời khỏi chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp, giảm 1,5 USD tương đương 3,6% xuống 40,8 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,36 USD tương đương 3,4% xuống 38,19 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các nước sản xuất khác đồng ý trong tháng 4/2020 về việc cắt giảm nguồn cung thêm 9,7 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 5/2020 và tháng 6/2020 đến tháng 7/2020 tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, để hỗ trợ giá khi các hạn chế virus corona khiến nhu cầu dầu suy giảm.
Tuy nhiên, giá dầu chịu áp lực giảm khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết, Vương quốc và các đồng minh vùng Vịnh Kuwait và UAE sẽ không tiếp tục cắt giảm thêm 1,18 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đã bắt đầu mở lại các giếng đã đóng cửa khi giá tăng trở lại cũng gây áp lực giá.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó, được thúc đẩy bởi kỳ vọng chính sách tiền tệ ôn hòa từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.696,79 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York tăng 1,3% lên 1.705,1 USD/ounce.
Vàng thỏi giảm 2,4% xuống 1.670,14 USD/ounce (5/6/2020) – thấp nhất hơn 1 tháng, sau khi số liệu việc làm của Mỹ bất ngờ tăng do kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục nhanh chóng và thúc đẩy các nhà đầu tư mua các tài sản rủi ro hơn.
Giá đồng cao nhất 3 tháng
Giá đồng tăng lên mức cao nhất 3 tháng do các biện pháp kích thích kinh tế từ các ngân hàng trung ương và dự kiến nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh, cùng với tồn trữ đồng tại Thượng Hải giảm thúc đẩy hoạt động mua vào mới.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,2% lên 5.700 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 5.708,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 5/3/2020.
Tồn trữ đồng tại Thượng Hải giảm xuống 139.913 tấn so với mức 380.085 tấn hồi giữa tháng 3/2020. Đồng thời, tồn trữ đồng tại London chạm 237.900 tấn, giảm 15% kể từ giữa tháng 5/2020.
Giá quặng sắt và thép đều tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng và có ngày tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2019, do lo ngại nguồn cung sau khi Brazil – nước cung cấp quặng sắt lớn thứ 2 của nước này – đóng cửa khu phức hợp Vale bởi virus corona.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 7,6% lên 798 CNY (112,74 USD)/tấn, tăng mạnh nhất kể từ ngày 9/7/2019, trong phiên có lúc tăng 5,5% lên 783 CNY/tấn.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 tăng 0,4% lên 3.616 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,1% lên 3.542 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 0,6% lên 12.990 CNY/tấn.
Giá cà phê trên sàn London và New York biến động lệch pha nhau:
Giá cà phê trên sàn London và New York biến động lệch pha nhau, trong đó giá Robusta trên sàn London tiếp tục tăng còn Arabica trên sàn New York lại giảm hoặc đi ngang. Cụ thể, đối với kỳ hạn tháng 7, Robusta tiếp tục tăng 17 USD/tấn (tương đương 1,38%) lên 1.250 USD/tấn, trong khi Arabica giữ nguyên ở mức 98,90 cent/lb so với phiên cuối tuần trước. Còn đối với kỳ hạn tháng 9, Robusta tiếp tục tăng 18 USD/tấn (tương đương 1,45%) lên 1.263 USD/tấn, trong khi Arabica tăng 0,05 cent/lb (tương đương 0,05%) lên mức 100,70 cent/lb. Đối với các kỳ hạn xa hơn Robusta tăng 18-19 USD/tấn trong khi Arabica giảm 0,10 – 0,15 cent/lb.
Sáng nay 09/6 giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tăng 100.000 – 200.000 đồng/tấn so với hôm qua, cụ thể tại Đăk Lăk giá cà phê nhân xô trong khoảng 32,6 – 32,9 triệu đồng/tấn, Gia Lai, Đăk Nông 32,4 – 32,5 triệu đồng/tấn. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản: 1 USD = 23.140 VND.
Theo báo cáo mới nhất của Cooxupe (Sao Paulo), hợp tác xã cà phê lớn nhất của Brazil cho biết: Tiến độ thu hái vụ này của các thành viên trong hợp tác xã chậm hơn tại một số vùng do việc thực hiện chính sách giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn tình hình lây lan virus Corona. Theo ông Carlos Paulino da Costa, chủ nhiệm hợp tác xã Cooxupe: “Tại các vùng trồng cà phê, các chủ trang trại đang phải đối mặt với tình hình khó khăn về vận chuyển cũng như không đủ nhân công để thu hái cà phê. Ngay khi trái trên vườn cây ở thời điểm hiện tại đang là thời điểm tốt nhất để thu hái và điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng hạt”. Một điều bất thường nữa là tình hình mưa lớn vào tuần trước cũng đã làm vụ mùa thu hái bị đình trệ, một số trái chín đã bị rụng và không thể thu gom khiến việc thu hái gặp nhiều khó khăn. Ông Carlos Paulino cũng dự kiến nhu cầu tiêu thụ sẽ chậm do tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, các nhà tiêu thụ cũng đang tìm mua cà phê chất lượng cho các chuỗi cà phê lớn như Starbucks. Một số chuỗi cà phê khác, họ đang tìm cà phê có chất lượng thấp hơn để dành cho việc tiêu thụ tại nhà do tình hình hiện nay các quán ăn, nhà hàng, khách sạn đang trong tình trạng hạn chế hoạt động. Một lượng lớn hàng chất lượng tốt hiện nay đang bị hạn chế, điều này không chỉ tác động tại Brazil, Châu Âu và các quốc gia Châu Á. Cooxupe cũng có văn phòng đại diện tại Minas Gerais với hơn 15.200 thành viên.
Theo Intracent, nhu cầu nhập khẩu cà phê của Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 379,6 nghìn tấn, tương đương 1,39 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho thị trường Mỹ, sau Brazil và Colombia. Thị phần cà phê của một số nguồn cung cho Mỹ như Colombia, Guatemala, Mexico, Peru, Đức, Uganda… giảm so với cùng kỳ 2019.
Một số nhận định và dự báo (theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT):
(1) Hiện nay nhiều bang của Mỹ tuyên bố kết thúc biện pháp cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này sẽ cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới. Theo World Atlas, tiêu thụ cà phê của người Mỹ đạt 4.2kg/người mỗi năm. Mức tiêu thụ cà phê của Mỹ đã tăng thêm 1 kg trong 5 năm qua. Theo Hiệp hội cà phê quốc gia Mỹ (NCA), năm 2019, 64% người Mỹ từ 18 tuổi trở lên uống cà phê mỗi ngày;
(2) Tại các thị trường Châu Âu, Châu Á, trong khi các mặt hàng xuất khẩu khác ít nhiều chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định, tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là sự lo ngại chuỗi cung ứng gián đoạn trong dịch, nhiều quốc gia có xu hướng tích trữ cà phê, đặc biệt là tại Châu Âu. Nguồn cung cà phê toàn cầu được dự đoán sẽ chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt trong niên vụ mới do sự thay đổi hành vi người tiêu dùng đối với giãn cách xã hội. Tháng 5/2020, nhiều quốc gia tại Châu Âu, Châu Á đang dần tái mở cửa nền kinh tế, theo đó các quán cà phê, nhà hàng được hoạt động trở lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Điều này cùng với thông tin các nước sản xuất cà phê tại Châu Phi đang gặp hán hạn nghiêm trọng được kỳ vọng sẽ khiến giá cà phê trên thị trường thế giới tăng trong thời gian tới.
VICOFA tổng hợp
(Nguồn: ICO, Reuters, Agroinfo, Agrotrade Vietnam, tincaphe, giacaphe, tintaynguyen, cafeF)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.