Chốt phiên 9/12, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm. Giá dầu, vàng, đồng, sắt thép… đồng loạt giảm, gạo Ấn Độ thấp nhất 5 năm. Cà phê hai sàn trái chiều.
Chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm
Dow Jones giảm 0,06 điểm xuống 35.754,69 điểm.
S&P 500 giảm 33,76 điểm, tương đương 0,72%, xuống 4.667,4 điểm.
Nasdaq giảm 269,62 điểm, tương đương 1,71%, xuống 15.517,37 điểm.
9 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ với hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm nhiều nhất 1,7%, bất động sản giảm 1,4%, công nghệ thông tin giảm 1%. Lĩnh vực tăng gồm có chăm sóc sức khỏe, tăng 0,2%, và hàng tiêu dùng thiết yếu, tăng 0,06%.
Trong 3 phiên đầu tuần, Nasdaq tăng 4,7%, S&P 500 tăng 3,6% còn Dow Jones tăng 3,4% khi các lo ngại liên quan biến chủng Omicron hạ nhiệt.
Nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ, dự kiến công bố sáng 10/12. CPI vượt dự báo có thể củng cố kịch bản Fed thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp tiếp theo.
“Chúng ta có một đợt tăng mạnh nhưng vẫn còn nhiều người bất an”, Dennis Dick, nhà phân tích tại Bright Trading LLC, Las Vegas, bang Nevada, nói.
Joe Quinlan, giám đốc chiến lược thị trường tại văn phòng CIO của Bank America, nói nhà đầu tư có thể đang chốt lời và dừng mua sau 3 phiên tăng liên tiếp, có tâm lý tránh rủi ro trước số liệu CPI.
Chủ tịch Fed tuần trước ám chỉ cuộc họp sắp tới sẽ thảo luận về tăng tốc siết chương trình mua trái phiếu hàng tháng.
Nếu số liệu lạm phát cho thấy cần tăng lãi suất nhanh hơn, “lĩnh vực công nghệ sẽ chịu áp lực và cổ phiếu chu kỳ phần nào hưởng lợi”, theo Quinlan. “Bạn sẽ muốn mua cổ phiếu của công ty co thể chuyển chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng. Bạn muốn có cổ phiếu mang tính chu kỳ và giá trị hơn là tăng trưởng”.
Kết quả một khảo sát của Reuters với các kinh tế gia cho thấy Fed có thể tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 0,25 – 0,5% trong quý III/2022. Tuy nhiên, hầu hết đều thấy nguy cơ Fed tăng lãi suất sớm hơn nữa.
Số liệu ban đầu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước giảm 43.000 xuống còn 184.000, thấp nhất hơn 52 năm.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 9/12 là 9,75 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với trung bình 11,41 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Giá dầu quay đầu giảm
Giá dầu giảm do lo ngại triển vọng kinh tế tại nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – Trung Quốc và một số chính phủ thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể virus corona Omicron.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/12, dầu thô Brent giảm 1,4 USD tương đương 1,9% xuống 74,42 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt mức cao 76,7 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,42 USD tương đương 2% xuống 70,94 USD/thùng, sau khi đạt mức cao 73,34 USD/thùng. Kể từ ngày 25/11 đến ngày 1/12/2021, giá dầu Brent đã giảm 16%.
Ngoài ra, thông tin về tồn trữ dầu thô của Mỹ cũng gây áp lực đối với giá dầu. Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 240.00 thùng, ít hơn nhiều so với dự kiến của các nhà phân tích, với tồn trữ tại trung tâm giao hàng Cushing ở Oklahoma tăng 2,4 triệu thùng. Đồng thời, tồn trữ nhiên liệu tăng 6,6 triệu thùng, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết.
Giá vàng giảm
Giá vàng giảm do đồng USD tăng và số liệu thất nghiệp tại Mỹ giảm mạnh, trước báo cáo lạm phát có thể ảnh hưởng đến chiến lược tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống 1.776,56 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn New York giảm 0,5% xuống 1.776,7 USD/ounce.
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất hơn 52 năm.
Giá vàng dao động trong phạm vi hẹp 1.760-1.790 USD/ounce kể từ khi giảm xuống dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce vào cuối tháng 11/2021, khi các nhà đầu tư đánh giá tốc độ có thể của Fed trong việc giảm kích thích và tăng lãi suất.
Cà phê hai sàn trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London có xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm 8 USD, xuống 2.401 USD/tấn, trong khi các kỳ hạn giao sau đều tăng. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 11 USD, lên 2.306 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng thêm 11 USD, lên 2.270 USD/tấn, các mức tăng/giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo thu hẹp khoảng cách.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 4 cent, xuống 240,20 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 4 cent, còn 239,65 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo ổn định khoảng cách.
Giá cà phê nhân xô tại Đaklak ở mức 41.600 – 41.900 đồng/kg.
Đồng Reais giảm 0,73%, tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 5,5640 Reais sau khi Copom – Brazil nâng lãi suất cơ bản đồng Reais lên thêm 1,5% đã kích thích người Brazil mạnh tay bán các loại hàng nông sản xuất khẩu. Trong khi đó, thông tin tập đoàn BĐS Evergrande của Trung Quốc chính thức bị tuyên bố vỡ nợ đã khiến hầu hết chứng khoán thế giới nhuốm sắc đỏ và thị trường lo ngại sẽ có đợt bán tháo nhưng điều đó đã không xảy ra.
Giá cà phê trở lại trái chiều, với New York sụt giảm do “bò đầu cơ” thu lời ngắn hạn sau khi đã mua quá mức và các tin tức cơ bản vẫn còn hỗ trợ, trong khi London vẫn duy trì đà tăng và chủ yếu chỉ điều chỉnh khoảng cách của cấu trúc giá đảo. Tuy vậy, các nhà quan sát lưu ý, thị trường cần quan tâm hơn nữa khi đáo hạn hợp đồng quyền chọn tháng 1/2022 sàn London đã cận kề.
Thông tin lô hàng khá lớn từ Việt Nam xuất khẩu đầu tiên vào cuối tháng 11, sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, vẫn chưa được báo cáo chính thức do còn đang trên đường vận chuyển.
Thị trường cũng đang nghe ngóng thêm trước tuyên bố Mỹ sẽ áp dụng biện pháp hạn chế nhập cảnh từ 5 nước ở châu Âu do lo ngại biến thể Omicron, cho dù trước đó WHO tuyên bố biến thể mới này “không thực sự đáng lo ngại”.
Nguồn cung trên toàn cầu thiếu hụt dẫn đến sản lượng thiếu hàng cục bộ làm cho sàn London và New York các hợp đồng giao tháng gần liên tục cao hơn tháng xa. Như vậy diễn biến thị trường cà phê vẫn theo kịch bản tăng giá trong ngắn hạn bởi các lệnh mua bù thiếu và nguồn quỹ lại tiếp tục gia tăng vị thế mua khống lớn.
Báo cáo mới nhất của thị trường chỉ ra rằng, giá chênh lệch Việt Nam lúc này thấp hơn sàn London 450$- 500$/tấn, so với cùng kỳ năm trước thị trường mất hơn 10.000 VNĐ/kg. Giá cà phê Việt Nam đang ở mức thấp vì thế một số nhà đầu cơ tiến hành mua hàng tại Việt Nam để tồn kho và chờ giá lên.
Đặc biệt nếu lượng tồn kho của Arabica và Robusta vẫn tiếp tục giảm như hiện nay chứng tỏ rất nhiều người mua hàng trên sàn London mà không bán ra. Họ lấy hàng tồn kho trên London và New York để bù đắp lượng hàng thiếu hụt, làm giá tại sàn London liên tục tăng lên cao.
Như vậy diễn biến thị trường cà phê đang có lợi cho các nhà giao dịch trên hàng giấy và kỳ hạn bởi họ đầu tư thị trường này kiếm lợi nhuận ở vị thế mua khống khá tốt và giá liên tục tăng cao. Nếu kịch bản này tiếp diễn, khả năng thị trường cà phê thế giới tiếp tục tăng và các nước sản xuất như: Việt Nam, Indonesia và Brazil sẽ có mức chênh lệch trừ lùi giãn ra rộng hơn, gây khó khăn cho các hợp đồng mới mở và các nhà đầu cơ không dám bán thêm.
Các nhà quan sát lưu ý thị trường London sắp đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 1/2022 trong tuần sau. Điều này sẽ khiến giá cà phê Robusta có những biến động bất ngờ do sự thanh lý, điều chỉnh vị thế đầu cơ đang nắm giữ.
Israel và Nhật Bản đã đóng cửa biên giới đối với khách du lịch nước ngoài và một số các quốc gia khác đã áp dụng hạn chế đi lại trong đó có Úc và New Zealand.
Quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới Brazil đang xuất hiện thời tiết lạnh giá, điều này đòi hỏi sự gia tăng dự trữ cà phê của một số nhà rang xay và công nghiệp. Việc chậm trễ giao cà phê khiến lượng cà phê dự trữ cà phê tăng thêm, tác động lên toàn thị trường cà phê và ngành cà phê Brazil hiện nay.
Bệnh nấm Roya xuất hiện trên cây cà phê
Theo bản tin ngày 9/12/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, những lo ngại về nguồn cung cà phê trên toàn cầu đang trầm trọng hơn, khi mà bệnh nấm Roya tiếp tục lan rộng ở các quốc gia trồng cà phê ở khu vực Trung Mỹ. Nấm bệnh đã quay trở lại vì độ ẩm khắc nghiệt do các cơn bão Eta và Iota đổ bộ vào các khu vực này trong cuối năm 2020, phá hủy mùa màng và khiến hàng trăm nghìn người phải di tản. Khu vực Trung Mỹ hiện chiếm khoảng 15% sản lượng Arabica trên toàn cầu, và sản lượng của khu vực này trong niên vụ 2021/22 có thể sẽ giảm 3% do dịch bệnh.
Nhiều dự báo thời tiết khẳng định hiện tượng La Nina sẽ gây mưa nhiều trên vành đai cà phê Thái Bình Dương cho đến hết tháng 2/2022, cản trở thu hoạch vụ mùa của nhiều nước sản xuất chủ chốt và gây khô hạn cho các vùng trồng cà phê ở phía Đông Nam Brazil, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sản lượng cà phê toàn cầu nói chung.
Trên thị trường kỳ hạn vẫn còn nguyên mối lo nguồn cung trong niên vụ cà phê mới 2021/2022. Mới nhất là Fedecafé, Colombia báo cáo xuất khẩu tháng 11 giảm tới 22% so với cùng kỳ năm trước, xuống ở mức 1,131 triệu bao, không ngoài những vấn đề về logistics.
Việc nguồn cung cà phê trên thị trường liên tục đối mặt với những nguy cơ thắt chặt, khiến cho mức dự trữ trên sàn New York trở thành nguồn cà phê sẵn có nhất hiện nay. Trong phiên hôm qua, mức tồn kho Arabica đạt chuẩn không giảm mạnh nhưng vẫn đang ở mức thấp nhất trong 11 tháng là 1,608 triệu bao.
VICOFA tổng hợp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.