Kết thúc phiên 10/5, cổ phiếu công nghệ đồng loạt lao dốc khi nhà đầu tư ồ ạt chốt lời, trong khi Dow Jones và S&P 500 đảo chiều, trượt khỏi đỉnh lịch sử. Giá dầu, cao su và đường tăng, vàng cao nhất gần 3 tháng, bạc và bạch kim cao nhất hơn 2 tháng, nhôm và kẽm cao nhất 3 năm, trong khi khí tự nhiên, đồng, cà phê, ngô, đậu tương và lúa mì đồng loạt giảm.
Chứng khoán Mỹ đảo chiều
Nasdaq Composite giảm 2,5% xuống 13.401,86, kết thúc ngày ở mức thấp nhất trong phiên khi Microsoft và Apple đều mất hơn 2%. Cổ phiếu Tesla giảm hơn 6%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đảo chiều ở những phút cuối cùng của phiên, sau khi tăng hơn 300 điểm và lần đầu tiên vượt mức 35.000 điểm. Chỉ số blue-chip Dow kết thúc ngày giảm 34,94 điểm, tương đương 0,1%, xuống 34.742,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1% xuống 4.188,43 điểm, trượt khỏi mức cao kỷ lục khi đóng cửa.
Các nhà đầu tư bán ra các cổ phiếu tăng trưởng, tiếp tục xu hướng đã chứng kiến hồi đầu năm nay trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và lãi suất cao hơn. Facebook giảm hơn 4%, trong khi Amazon và Netflix đều giảm hơn 3%. Alphabet giảm hơn 2% sau khi bị Citigroup hạ cấp. Quỹ ETF Ark Innovation của Cathie Wood giảm 5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11.
Ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và tiện ích là nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất ở phiên này. Ở đầu phiên, các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự hồi phục của nền kinh tế, bao gồm năng lượng, tài chính và công nghiệp, ghi nhận diễn biến tích cực. Tuy nhiên, cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh đã gây áp lực cho tâm lý chung và khiến thị trường đảo chiều.
Tuần trước, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và chỉ số trung bình vận tải Dow Jones đều chạm mức cao mới. Cổ phiếu ngành vận tải vốn được coi là phong vũ biểu cho hoạt động kinh tế toàn cầu. Sự khởi sắc của nhóm này báo hiệu cho đà hồi phục hậu đại dịch của nền kinh tế.
Giá dầu tăng
Giá dầu tăng sau khi một đường ống dẫn nhiên liệu chủ yếu của Mỹ có thể khởi động lại trong tuần.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/5, dầu thô Brent tăng 4 US cent tương đương 0,1% lên 68,32 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 2 US cent tương đương 0,03% lên 64,92 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều tăng hơn 1% trong tuần trước – tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent tăng hơn 30%, được hỗ trợ bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+ cắt giảm nguồn cung và việc nới lỏng các hạn chế virus corona tại Mỹ và châu Âu.
Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi Colonial Pipeline COLPI.UL – đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất tại Mỹ dự kiến sẽ khôi phục "đáng kể" hoạt động dịch vụ vào cuối tuần này.
Ngoài ra, tăng trưởng nhu cầu dầu tiềm năng của Mỹ cũng thúc đẩy giá dầu thô tăng, làm lu mờ mối lo ngại đại dịch virus corona tại Ấn Độ tăng sẽ cắt giảm nhu cầu tại châu Á.
Giá vàng cao nhất gần 3 tháng, bạc và bạch kim cao nhất hơn 2 tháng
Giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 3 tháng sau con số tăng trưởng việc làm của Mỹ gây áp lực lên đồng USD và củng cố kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,4% lên 1.836,89 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.845,06 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 11/2/2021 và vàng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 0,3% lên 1.837,6 USD/ounce.
Số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm trong tháng 4/2021 bất ngờ chậm lại, kéo đồng USD chạm mức thấp nhất hơn 2 tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Số liệu việc làm thấp hơn so với dự kiến làm giảm bớt kỳ vọng về sự phục hồi nền kinh tế lớn nhất thế giới và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể thắt chặt chính sách sớm hơn so với dự kiến.
Ngoài ra, giá bạc giảm 0,2% xuống 27,39 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,8% lên 1.258,87 USD/ounce. Trong đầu phiên giao dịch, cả hai đều đạt mức cao nhất hơn 2 tháng.
Giá cà phê tiếp tục sụt giảm
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 21 USD, xuống 1.518 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 19 USD, còn 1.542 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 4,85 cent, xuống 148,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 4,8 cent, còn 150 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô nội địa tại Daklak sáng nay ở mức 34.000 – 34.200 đồng/kg.
Đồng Reais giảm nhẹ 0,07%, tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 5,2320 Reais do dòng vốn chu chuyển giữa các sàn hàng hóa khi giá xăng dầu và sắt thép tăng mạnh, dấu hiệu của kinh tế hồi phục, trong khi chứng khoán Mỹ và USDX tiếp tục sụt giảm so với các tiền tệ mới nổi.
Giá cà phê tiếp tục sụt giảm sau đợt tăng nóng không ngoài suy đoán của thị trường do các giới đầu cơ thận trọng điều chỉnh vị thế khi đã “mua quá”. Xu hướng giảm giá của cà phê nằm trong bối cảnh giảm chung của thị trường nông sản và nhóm kim loại cơ bản, khi các mặt hàng này cũng bị rút vốn sau thời gian tăng nóng.
Diễn biến ở Colombia hiện tại vẫn đang là ẩn số, khi mà Chính phủ dù đã hủy bỏ chính sách thuế mới và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã từ chức cũng không làm giảm sự giận dữ của người dân nước này. Nếu tình trạng bạo động vẫn còn tiếp tục diễn ra và chưa có một giải pháp nào xoa dịu, nhiều khả năng giá cà phê sẽ khó mạnh được ở thời điểm này.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3 cao hơn 2,40% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 11,94 triệu bao, nâng tổng khối lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu 6 tháng đầu vụ 2020/21 cao hơn 3,5% so với cùng kỳ vụ trước với tổng cộng 65,40 triệu bao. So với cùng kỳ xuất khẩu khu vực Châu phi giảm 8,9% xuống còn 5,96 triệu bao, do sụt giảm từ phía Ethiopia và Kenya. Trong khi Uganda tăng 11,5% Tại Châu Á: Việt Nam xuất khẩu giảm 13,2% trong khi Indonesia tăng 20,2%.
Xuất khẩu lũy kế từ Mexico và khối Trung Mỹ Costa Rica, Guatemala, Honduras, Nicaragua và El Salvado trong 6 tháng đầu niên vụ giảm 12,2% xuống 6,06 triệu bao. Xuất khẩu từ Honduras giảm 20,9% xuống còn 2,19 triệu bao, trong khi Nicaragua giảm 12,7% xuống còn 1,05 triệu bao, Guatemala cũng giảm 15,9% xuống còn 1,05 triệu bao.
ICO cũng điều chỉnh nguồn cung cà phê toàn cầu ước tính là 169,63 triệu bao, giảm 1,33% so với ước tính trước đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu ước đạt khoảng 166,34 triệu bao. Điều này cho thấy thị trường cà phê toàn cầu sẽ dư cung 3,29 triệu bao cho niên vụ cà phê 2020/2021.
Trong khi đó, Fitch Solutions dự kiến vụ 2021/22 tới toàn cầu sẽ thiếu hụt 6,8 triệu bao cà phê, mức thiếu hụt trầm trọng nhất kể từ vụ 2009/10.
Liên đoàn những người trồng cà phê quốc gia ở Colombia đã báo cáo sản lượng cà phê của nước này trong tháng 4 cao hơn 8,87% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng số là 810.000 bao, nâng sản lượng cà phê lũy kế của nước này 7 tháng đầu niên vụ 2020/21 cao hơn 2,91% so với cùng kỳ vụ trước, đạt tổng cộng 8.393.000 bao.
Chính phủ Indonesia thông báo: Khối lượng xuất khẩu cà phê Robusta của đảo Sumatra trong tháng 4 thấp hơn 29,61% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 193.460 bao, như vậy khối lượng xuất khẩu cà phê Robusta của đảo Sumatra trong 7 tháng đầu niên vụ 2020/2021 thấp hơn 25,83% so với cùng kỳ vụ trước, ở mức tổng cộng 1.439.010 bao.
Viện Cà phê Quốc gia Honduras (IHCAFE) đã báo xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 4 cao hơn 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 765.084 bao. Xuất khẩu cà phê lũy kế trong 7 tháng đầu niên vụ cà phê 2020/2021 thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 3.116.682 bao. IHCAFE đã điều chỉnh ước tính ban đầu của họ cho niên vụ cà phê 2020/2021 thấp hơn 11%, đạt mức 5,61 triệu bao, do sản lượng giảm sau bão Eta và Iota.
Tính đến thứ Hai ngày 03/05, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận đã tăng thêm 3.173 tấn, tức tăng 2,10 % so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 154.090 tấn (tương đương 2.568.167 bao, bao 60 kg).
Tính đến thứ năm ngày 06/05, tồn kho cà phê arabica được sàn New York chứng nhận là 1.984.253 bao 60 kg, trong đó 95,32% tương đương 1.891.370 bao được lưu trữ tại Châu Âu, còn lại 4,68% đang được lưu trữ tại Mỹ với 92.883 bao.
Theo World Coffee Portal, thị trường cà phê thương hiệu tại ASEAN đã mở rộng thêm 3.630 cửa hàng trong năm qua, đạt 74.535 cửa hàng, tăng trưởng 5,1%. Tốc độ tăng trưởng cửa hàng cà phê có thương hiệu tại Campuchia là 27,8% nhanh nhất trong khu vực. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Lào cũng có mức tăng trưởng cửa hàng cà phê thương hiệu lần lượt là 5,5%, 5,3%, 4,7% và 2,7% trong giai đoạn này.
Dự kiến thị trường cà phê thương hiệu sẽ tiếp tục tăng trưởng tại khu vực ASEAN. Mức tiêu thụ dịch vụ ăn uống dự kiến sẽ được cải thiện vào năm 2021. Việc giao đồ ăn vốn đã tăng tốc trong năm 2020 cũng sẽ tiếp tục phát triển tạo điều kiện tốt cho việc bán cà phê qua kênh bán hàng thực phẩm trong năm nay. Trong khi đó, doanh số bán lẻ cà phê có khả năng tăng trưởng ổn định, với thương mại điện tử dự kiến sẽ là một trong những kênh phân phối phát triển nhanh nhất đến năm 2025, khi nhiều người tham gia và cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn và người tiêu dùng quen với sự tiện lợi mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến.
Trong khi đó, việc xuất khẩu cà phê sang Mỹ của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do dước vận chuyển từ Châu Á sang Mỹ vẫn không ngừng tăng lên, chỉ số cước vận chuyển quốc tế hàng ngày của Freightos Baltic đã cho thấy cước vận chuyển giao ngay tuyến từ châu Á đến Bờ Tây nước Mỹ ở mức 4,797 USD/FEU (đơn vị tương đương container 40 feet) và giá cước vận chuyển từ châu Á đến Bờ Đông nước Mỹ ở mức 6,306 USD/FEU. Như vậy, giá vận chuyển của cả hai tuyến này đều gần mức cao nhất từ trước tới nay. Các nhà nhập khẩu ở Mỹ phải đối mặt với sự chậm trễ nghiêm trọng hơn trước khi công suất của các hãng vận tải container đã ở mức tối đa. Tháng 5 được dự báo sẽ là tháng tồi tệ nhất. Vì một số chủ hàng sẽ phải xếp hàng chờ đợi để đặt được chỗ do tình trạng tồn đọng hàng hóa ngày càng tăng ở châu Á, sắp tới một số nhà nhập khẩu thậm chí sẽ không thể có chỗ để vận chuyển hàng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố đã ghi nhận các ca mắc ngoài cộng đồng. Một số tỉnh, thành phố đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch bênh như đóng cửa hàng quán vỉa hè, quy định về khoảng cách chỗ ngồi, biện pháp phòng bệnh đối với các nhà hàng, ăn uống, hạn chế tập trung đông người… như: Hà Nội, Quảng Ngãi, thành phố Vĩnh Yên, Hà Nam, Yên Bái, Đà Nẵng, Hòa Bình…điều này dự báo sẽ có tác động nhiều tới tiêu dùng cà phê trong nước.
Đầu tháng 5/2021, thương hiệu Đất Sài Gòn đã gọi vốn thành công từ 5 nhà đầu tư với số vốn là 1,2 triệu USD cho 30% cổ phần của công ty. Hoạt động từ năm 2007, Đất Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế thi công chuỗi cà phê nhượng quyền. Theo tính toán của nhà sáng lập, năm 2030 công ty sẽ đạt doanh thu 500 triệu USD. Kế hoạch của công ty là quy tụ 20.000 thương hiệu cà phê Việt Nam và hơn 1.000 nhà máy nhỏ lẻ, gom thành 5 đại công xưởng chế biến cà phê xuất khẩu, qua đó đưa ngành nông nghiệp Việt Nam thành công nghiệp F&B. Hiện công ty đang cung cấp cà phê rang xay cho các quán trên ba miền cũng như một số thị trường ngoại như Nga, Campuchia.
VICOFA tổng hợp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.