Giá dầu tăng trong phiên vừa qua do nguồn cung thấp; vàng tiếp tục giữ vững trên ngưỡng 1.800 USD/ounce khiến vàng trong nước cũng bật tăng theo trong khi nhiều mặt hàng khác (trong đó có cà phê) giảm do tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng có thể khiến cho làn sóng đóng cửa kinh tế tái diễn; giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung nóng lên khi Tổng thống Donald Trump hôm qua ra lệnh chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hồng Kông theo luật pháp Mỹ nhằm trừng phạt Trung Quốc về cách mà Bắc Kinh áp dụng luật đối với đặc khu này khiến triển vọng nhu cầu hàng hóa càng trở nên mờ mịt. Trong khi đó, Phố Wall vẫn khởi sắc dù cổ phiếu công nghệ 'hụt hơi', Dow Jones bứt phá hơn 500 điểm, tăng 3 phiên liên tiếp.
Dầu tăng nhẹ do OPEC+ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên vừa qua sau khi OPEC và các đồng minh (OPEC+) cho biết đã cắt giảm sản lượng nhiều hơn so với cam kết trong tháng 6/2020, mặc dù thị trường tiếp tục lo ngại khi số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tiếp tục tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 18 US cent lên 42,90 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 19 US cent lên 40,29 USD/thùng.
Giá dầu phiên vừa qua cũng được hỗ trợ bởi thông tin từ Viện Dầu khí Mỹ cho biết lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần qua giảm nhiều hơn dự kiến. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ công bố số liệu này trong ngày 15/7. Kết quả thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy các nhà phân tích ước tính sơ bộ rằng tồn trữ xăng ở nước này đã giảm 600.000 thùng, trong khi tồn trữ dầu thô giảm 2,1 triệu thùng trong tuần qua.
Trong khi đó, thông tin từ OPEC cho thấy, OPEC+ trong tháng 6 vừa qua đã tuân thủ 107% thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Báo cáo hàng tháng của OPEC vừa công bố dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 7 triệu thùng/ngày vào năm tới, nhưng vẫn chưa về mức trước Covid-19.
Thị trường đang chờ đợi thông tin về việc OPEC+ sẽ quyết định kéo dài thời gian cắt giảm sâu sản lượng, sau khi Ủy ban Giám sát OPEC kết thúc kỳ họp vào ngày 15/7. Theo thỏa thuận hiện tại, OPEC+ sẽ hạ mức cắt giảm sản lượng từ 9,7 triệu thùng/ngày xuống 7,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 8-12/2020.
Tuy nhiên, thị trường vẫn thận trọng trước những lo ngại rằng các bang ở Mỹ có thể gia tăng những biện pháp giãn cách/cách ly để chống lại sự lây lan của Covid-19 như California, và tiếp đến là Florida và Texas đã quyết định vào ngày 14/7. Nhiều nơi ở Châu Á và Australia cũng đã đưa ra những hạn chế mới đối với việc đi lại.
Các nhà phân tích của Citi cho biết, nguồn cung tăng dù không nhiều cũng có thể ảnh hưởng tới giá dầu, vì không chắc chắn về nhu cầu khi chưa khống chế được Covid-19. Morgan Stanley cũng cho rằng nhu cầu sẽ khó có thể về lại mức trước khi xảy ra đại dịch.
Vàng tiếp tục vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce
Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên vừa qua do lo ngại về tình trạng lây nhiễm virus corona trên toàn cầu khiến nhiều khu vực đang nỗ lực tìm thêm giải pháp để ngăn ngừa sự lây lan của virus này.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.809,83 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 8/2020 vững ở 1.813,40 USD/ounce. Đồng USD giảm trong khi EUR tăng ở phiên vừa qua vì sự lạc quan về khả năng EU sẽ tăng cường kích thích kinh tế.
Jeffrey Sica, người sáng lập quỹ Circle Squared Alternative Investments cho biết: "Dự đoán có thể xảy ra tình trạng đóng cửa kinh tế trên diện rộng, khiến mọi người quay trở lại với vàng để phòng ngừa rủi ro", và "Có nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không chỉ tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế mà còn đẩy nhanh một số chương trình – điều sẽ khiến giá vàng tăng đáng kể".
Giá vàng đã tăng hơn 19% trong năm nay do lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu – khiến vàng được ưa chuộng như một rào cản chống lại lạm phát và tranh chấp tiền tệ.
Xung đột gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, mới đây nhất liên quan đến vấn đề Biển Đông và Bắc Kinh thông báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Lockheed Martin vì liên quan đến vụ bán vũ khí cho Đài Loan cũng góp phần khiến cho nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng.
Sự quan tâm của nhà đầu tư tới kim loại quý này thể hiện ở việc, lượng vàng mà quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust GLD, nắm giữ đã tăng 0,3% lên 1.203,97 tấn trong ngày 13/7/2020.
Giá vàng SJC trong nước sáng nay phổ biến khoảng 50,2-50,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 50,5-50,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Cà phê 2 sàn quay đầu giảm
Sau phiên đầu tuần giá cà phê cả hai sàn tăng mạnh thì sang phiên hôm qua cả hai đều quay đầu giảm. Cụ thể, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kỳ hạn tháng 9 giảm 9 USD, xuống 1.215 USD/tấn và kỳ hạn tháng 11 giảm 10 USD, còn 1.230 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kỳ hạn tháng 9 giảm 0,70 cent, xuống 97,95 cent/lb và kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 0,70 cent, còn 100,55 cent/lb.
Sáng nay giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên giảm 300 ngàn đồng/ tấn so với hôm qua, cụ thể tại Đăk Lăk giá cà phê nhân xô trong khoảng 31,7 – 31,9 triệu đồng/tấn, Gia Lai, Đăk Nông 31,5 – 31,6 triệu đồng/tấn. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản vẫn ở mức: 1 USD = 23.090 VND.
Trong khi đó, mối lo sương giá tháng Bảy ở Brazil không còn nhưng áp lực bán hàng vụ mới vẫn tiếp tục đè nặng lên các thị trường kỳ hạn. Đồng thời, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) vừa đưa ra dự báo điều chỉnh tổng sản lượng cà phê vụ mới ở mức 59 triệu bao, tăng 18,2% so với vụ năm trước. So với nhiều dự báo của giới thương nhân quốc tế và các tổ chức uy tín khác cũng như con số thực tế có thể kiểm chứng được, dự báo của IBGE thường thấp hơn 5 – 10 %, nên dự báo điều chỉnh này sẽ không gây tác động tâm lý thị trường.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu vụ 2019/20 (tính từ tháng 10/2019 đến tháng 5/2020) đạt 83,8 triệu bao, giảm 4,7% so với cùng kỳ vụ trước.
Cũng theo ICO, khối lượng nhập khẩu cà phê của các thành viên trong ICO cộng với khối lượng nhập khẩu cà phê của Mỹ (Mỹ mới rút khỏi thành viên của ICO) trong 6 tháng đầu vụ 2019/20 (tính từ 10/2019 đến 3/2020) đạt 64,22 triệu bao, giảm 3,7% so với cùng kỳ vụ trước (chiếm khoảng 75% tổng khối lượng nhập khẩu cà phê toàn cầu); trong đó EU giảm 2,9% đạt 41,6 triệu bao, Mỹ giảm 8,2% đạt 13,75 triệu bao, Nhật Bản giảm 8,3% đạt 3,6 triệu bao trong khi Nga tăng 8% đạt 2,99 triệu bao, Thụy Sỹ tăng 7,8% đạt 1,65 triệu bao.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê nhân (Cecafé) của Brazil hôm thứ 2 cho biết khối lượng xuất khẩu trong tháng 6 đạt 2,47 triệu bao, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó Arabica 1,85 triệu bao, giảm 21,3 còn Robusta 617.739 bao, tăng 60%. Như vậy vụ 2019/20 của Brazil (7/2019 – 6/2020) xuất khẩu 35,89 triệu bao cà phê nhân, thấp hơn vụ trước 4%; trong đó Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với gần 20%, tiếp đó là Đức với 17%, Ý 8,4%, Bỉ 6,8% và Nhật Bản 5%.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tháng 6 vừa qua Việt Nam xuất khẩu được 127,7 ngàn tấn cà phê với kim ngạch 217,69 triệu USD, giảm 2% về khối lượng và giảm 1,3% về kim ngạch so với tháng 5/2020. Như vậy, tổng 6 tháng đầu năm này Việt Nam xuất khẩu được 941,06 ngàn tấn với kim ngạch 1,59 tỷ USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 1,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Chốt đến cuối tháng 6 thì lượng tồn kho cà phê Arabica trên sàn New York là 1,9 triệu bao trong khi lượng tồn kho cà phê Robusta trên sàn London là 2,02 triệu bao. Đây là mức rất thấp trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Tính đến thứ Hai ngày 06/7, lượng tồn kho cà phê Robusta trên sàn London đã tiếp tục giảm thêm 2.160 tấn, tức giảm 1,84 % so với tuần trước đó, xuống đăng ký ở 115.300 tấn (tương đương 1.957.667 bao, bao 60 kg).
VICOFA tổng hợp
(Nguồn:TCHQ, ICO, Reuters, Agroinfo, Agrotrade, tincaphe, giacaphe, tintaynguyen, cafeF)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.