Kết thúc phiên 16/3, chứng khoán Mỹ trái chiều trước thời điểm diễn ra buổi họp của Fed, giá dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp khi Đức, Pháp và Italy dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca, quặng sắt tăng mạnh, các mặt hàng nông sản cũng đồng loạt đi lên.
Chứng khoán Mỹ trái chiều
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm khoảng 129 điểm, tương đương 0,4%, xuống 32.825,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% sau khi lập mức cao kỷ lục trong ngày và kết thúc phiên với 3.962,71 điểm. Trong khi Nasdaq Composite vẫn tăng khoảng 0,1% đóng cửa ở mức 13.471,57 điểm.
Chỉ số S&P 500 và Dow vẫn gần chạm mức cao kỷ lục, nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của cổ phiếu. Các chỉ số đã giảm xuống mức thấp nhất trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng lên trên 1,62% trong phiên giao dịch buổi chiều.
Dầu giảm
Giá dầu giảm ngày thứ 3 liên tiếp khi Đức, Pháp và Italy cho biết họ sẽ dừng sử dụng vaccine AstraZeneca sau các báo cáo về khả năng tác dụng phụ nghiêm trọng. Các nhà đầu tư lo ngại tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở Liên minh Châu Âu có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi và nhu cầu dầu mỏ.
Chốt phiên 16/3, dầu thô Brent giảm 49 US cent xuống 68,39 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giảm 59 US cent xuống 64,8 USD/thùng.
Trong đầu tháng này dầu Brent đã đạt mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2020, trong khi dầu WTI cao nhất năm 2018.
Đại dịch đã làm giảm nhu cầu dầu mỏ. Giá dầu đã phục hồi lên những mức được thấy trước khủng hoảng y tế toàn cầu, nhưng đà tăng đã bị hạn chế bởi tiến triển việc triển khai vaccine chậm chạp ở nhiều quốc gia.
Tại Mỹ, tồn kho dầu thô đang tăng khi các nhà máy lọc dầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ đợt đóng băng ở Texas vào giữa tháng 2 khiến hoạt động của họ phải tạm dừng.
Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 14 triệu thùng trong tuần tính tới ngày 5/3, vượt xa dự báo tăng chưa tới 1 triệu thùng.
Các nhà máy lọc dầu Mỹ đang giảm việc thuê tàu trong dài hạn hơn, một dấu hiệu không chắc chắn về khi nào nhu cầu dầu toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch.
Cà phê tăng
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 2,4 US cent tương đương 1,8% lên 134,5 US cent/lb bởi tồn kho thấp, kỳ hạn tháng 7 tăng 2,35 cent lên 136,45 cent/lb. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Cà phê Robusta cùng kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 18 USD tương đương 1,3% lên 1.406 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng 18 USD lên 1.430 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Cà phê Robusta xuất khẩu loại 2 của Việt Nam, 5% đen vỡ đứng ở 1.480 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch cộng ở mức 50 – 60 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Giá cà phê Robusta nhân xô tại Đak Lak tăng lên mức 33.400 – 33.500 đồng/kg.
Đồng Reais tăng 0,40 %, lên ở mức 1 USD = 5,6160 Reais do có sự hỗ trợ từ báo cáo số liệu kinh tế Mỹ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường, đã làm USDX suy yếu khiến các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của NHTW Mỹ (Fed) và cả Brazil (BC) trong phiên họp chính sách tiền tệ sắp tới.
Góp phần hỗ trợ giá tăng là báo cáo tồn kho cuối tháng 2/2021 của Hiệp hội Cà phê nhân (GCA) ở Bắc Mỹ. Tính đến cuối tháng, lượng tồn kho đã giảm 52.600 bao, tức giảm 0,9% so với tháng trước, xuống ở mức 5,79 triệu bao. Đây là mức tồn kho thấp nhất tính từ tháng 6/2015 (với 5,51 triệu bao), trong đó mức thấp lịch sử được GCA ghi nhận vào năm 2011 với khoảng 4 triệu bao. Mức giảm mạnh nhất phải kể đến là tại cảng New York (giảm 71.849 bao còn 1,82 triệu bao) và cảng Tây Bắc Thái Bình Dương (giảm 36.943 bao còn 399 ngàn bao). Các cảng tăng nhiều nhất trong tháng là cảng Savannah (tăng 23.195 bao với 322.480 bao), cảng Baltimore (tăng 20.590 bao với 234.246 bao).
Tại Brazil, cảnh sát đã mở cuộc điều tra các công ty cà phê vì cáo buộc gian lận thuế.
Hãng môi giới Marex Spectron dự báo thị trường cà phê thế giới niên vụ 2021/22 sẽ chuyển hướng từ dư thừa sang thiếu hụt 10,7 triệu bao, do sản lượng của Brazil giảm mạnh. Marex dự báo sản lượng cà phê Arabica Brazil niên vụ 2021/22 sẽ giảm mạnh xuống 32,8 triệu bao, so với 50 triệu bao của niên vụ trước, do bước vào chu kỳ sản lượng thấp. Còn sản lượng cà phê Robusta của Brazil niên vụ tới sẽ tăng lên mức 20,8 triệu bao, so với 19 triệu bao của niên vụ trước.
Nguồn cung cà phê Arabica vụ tới sẽ thấp hơn 12,1 triệu bao so với nhu cầu, nhưng cung Robusta sẽ vượt 1,4 triệu bao so với nhu cầu. Tuy nhiên, dự đoán của Marex có sự khác biệt so với con số dự báo của StoneX - một hãng tư vấn và dự báo khác. StoneX cũng dự báo sản lượng cà phê Brazil năm 2021/22 sẽ giảm mạnh nhưng kết quả là sẽ ở mức 51,4 triệu bao; trong đó có 31,4 triệu bao Arabia (giảm 33% so với vụ trước), nhưng Robusta lại tăng 11% lên 20 triệu bao.
Tại Việt Nam, theo Tổng Cục Hải quan, trong tháng 2 Việt Nam đã xuất khẩu được 122.833 tấn cà phê đạt kim ngạch 215.957.468 USD, giảm 23,5% về khối lượng và giảm 23% về kim ngạch so với tháng 1. Như vậy 2 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu được 283.339 tấn cà phê đạt kim ngạch 496.409.721 USD, giảm 14,7% về khối lượng và giảm 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
VICOFA tổng hợp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.