Quy định này yêu cầu các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải thu thập thông tin về tọa độ địa lí của lô đất nơi hàng hóa được nuôi, trồng.
Truy xuất nguồn gốc đối với lô đất (tức là yêu cầu thu thập tọa độ địa lý của các lô đất nơi hàng hóa được nuôi, trồng) là cần thiết để chứng minh rằng không xảy ra tình trạng phá rừng trên một vị trí địa lí cụ thể. Một bộ phận của ngành công nghiệp và một số tổ chức chứng nhận đã sử dụng thông tin địa lý gắn sản phẩm với lô đất. Thông tin viễn thám (không ảnh, ảnh vệ tinh) hoặc thông tin khác (ví dụ như ảnh chụp tại hiện trường có gắn thẻ địa lý và dấu thời gian) có thể được sử dụng để xác minh xem vị trí địa lý của hàng hóa và sản phẩm được khai báo có liên quan đến phá rừng hay không.
Các tọa độ vị trí địa lý cần được cung cấp trong các tuyên bố trách nhiệm giải trình mà các cá nhân, tổ chức phải nộp cho Hệ thống thông tin trước khi đưa sản phẩm vào thị trường Liên minh hoặc xuất khẩu sản phẩm từ Liên minh. Do đó, đây là phần cốt lõi của Quy định này, nhằm cấm đưa vào thị trường Liên minh hoặc xuất khẩu từ Liên minh bất kỳ sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này mà tọa độ vị trí địa lý chưa được thu thập và chưa được nộp vào Hệ thống thông tin như một phần của tuyên bố trách nhiệm giải trình.
Việc thu thập tọa độ vị trí địa lý của lô đất có thể được thực hiện thông qua điện thoại di động, các thiết bị cầm tay sử dụng Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (Global Navigation Satellite System– GNSS ) và các ứng dụng kỹ thuật số phổ biến và miễn phí (ví dụ: Hệ thống thông tin địa lý GIS). Những thiết bị và ứng dụng này không yêu cầu phải có phủ sóng mạng di động, chỉ cần có tín hiệu GNSS tin cậy, chẳng hạn như tín hiệu từ hệ thống định vị GALILEO của Liên minh Châu Âu.
Đối với các lô đất trên 4 ha được sử dụng để sản xuất hàng hóa không phải gia súc, vị trí địa lý phải được cung cấp bằng các đa giác, nghĩa là phải có đủ các điểm vĩ độ và kinh độ có sáu chữ số thập phân để mô tả chu vi của mỗi lô đất. Đối với các lô đất dưới 4 ha, các cá nhân, tổ chức (và thương nhân không phải DNNVV) có thể sử dụng một đa giác hoặc một điểm duy nhất có vĩ độ và kinh độ gồm sáu chữ số thập phân để cung cấp vị trí địa lý. Các cơ sở chăn nuôi gia súc có thể được mô tả bằng một điểm tọa độ vị trí địa lý duy nhất.
Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc được áp dụng cho từng lô hàng liên quan được nhập khẩu/xuất khẩu/mua bán, trao đổi.
Quy định này yêu cầu rằng các cá nhân, tổ chức (hoặc các đơn vị thương mại không phải DNNVV) phải truy xuất mọi hàng hóa liên quan ngược trở lại tới lô đất nơi hàng hóa được nuôi, trồng trước khi đưa vào thị trường Liên minh hoặc cung cấp trên thị trường Liên minh hoặc xuất khẩu từ Liên minh một sản phẩm liên quan. Do đó, nộp tuyên bố trách nhiệm giải trình bao gồm thông tin vị trí địa lí là một yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm liên quan sẽ được nhập khẩu (thủ tục “thông quan để lưu thông tự do” theo quy định của hải quan) và sẽ được xuất khẩu (thủ tục “xuất khẩu” theo quy định của hải quan) và các giao dịch hàng hóa trên thị trường.
Đối với các sản phẩm được mua bán với số lượng lớn, chẳng hạn như dầu đậu nành hoặc dầu cọ, cá nhân, tổ chức (hoặc thương nhân không phải DNNVV) cần đảm bảo rằng tất cả các lô đất liên quan đến lô hàng phải được xác định và ở bất kỳ bước nào của quá trình sản suất, hàng hóa không bị trộn lẫn với hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc hàng hóa từ các khu vực rừng bị phá hoặc bị suy thoái sau ngày 31/12/2020.
Đối với các sản phẩm hỗn hợp có liên quan, chẳng hạn như đồ gỗ có các thành phần gỗ khác nhau, cá nhân, tổ chức cần xác định vị trí địa lý của tất cả các lô đất nơi các hàng hóa liên quan được nuôi, trồng (ví dụ như gỗ) được sử dụng trong quá trình sản xuất. Các thành phần hàng hóa liên quan phải rõ nguồn gốc và không từ các khu vực rừng bị phá hoặc bị suy thoái sau ngày 31/12/2020.
Quy định này yêu cầu rằng hàng hóa được sử dụng cho tất cả các sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này phải được truy xuất nguồn gốc tới lô đất nơi hàng hóa được nuôi, trồng.
Phương pháp cân bằng khối lượng chuỗi hành trình sản phẩm mà cho phép trộn lẫn, ở bất kỳ giai đoạn nào của chuỗi cung, hàng hóa không gây mất rừng với hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc hàng hóa không phải hàng hóa không gây mất rừng thì theo Quy định này là không được sử dụng, vì không đảm bảo được rằng hàng hóa được đưa vào thị trường Liên minh hoặc được xuất khẩu từ Liên minh là hàng hóa không gây phá rừng. Do đó, các mặt hàng được đưa vào thị trường Liên minh, hoặc được xuất khẩu từ Liên minh, cần phải được tách biệt với hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc hàng hóa không phải là hàng hóa không gây mất rừng ở mỗi giai đoạn của chuỗi cung. Do phương pháp cân bằng khối lượng chuỗi hành trình sản phẩm bị loại trừ cho nên việc bảo tồn nguồn gốc đầy đủ là không cần thiết.
Nếu một phần của sản phẩm liên quan không tuân thủ thì phần không tuân thủ đó cần phải được xác định và phân tách ra khỏi phần còn lại của sản phẩm trước khi sản phẩm được đưa vào thị trường Liên minh hoặc được xuất khẩu từ Liên minh, và phần không tuân thủ đó không được đưa vào thị trường Liên minh và cũng không được xuất khẩu từ Liên minh.
Nếu việc xác định và phân tách không thể thực hiện được, ví dụ như là do các sản phẩm không tuân thủ đã được trộn lẫn với phần còn lại, thì toàn bộ sản phẩm là không tuân thủ bởi vì không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 3 của Quy định này và vì thế sản phẩm đó không được đưa vào thị trường Liên minh và cũng không được xuất khẩu từ Liên minh.
Ví dụ, khi nhiều hàng hóa đã được trộn lẫn và gắn với vài trăm lô đất, nếu một trong những lô đất đó có rừng bị phá thì sẽ khiến toàn bộ sản phẩm liên quan là không tuân thủ.
Trường hợp này không ảnh hưởng đến các trường hợp khác, dù được xác định thế nào, khi mà 100% hàng hóa hoặc sản phẩm liên quan được đưa vào thị trường Liên minh 1) có thể truy xuất nguồn gốc tới lô đất nơi hàng hóa được nuôi, trồng, 2) là hợp pháp và không gây mất rừng hay suy thoái rừng theo định nghĩa của Quy định này, và 3) không bị trộn lẫn với hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc hàng hóa không phải là hàng hóa không gây mất rừng.
"Lô đất" - đối tượng định vị địa lý theo Quy định này - được định nghĩa tại Điều 2 (27) là "đất trong một tài sản bất động sản duy nhất, được pháp luật của quốc gia sản xuất công nhận, mà có đủ các điều kiện đồng nhất để cho phép đánh giá toàn diện mức độ rủi ro về phá rừng và suy thoái rừng liên quan đến các hàng hóa được nuôi, trồng trên lô đất đó”.
Đất công cộng hoặc đất cộng đồng mà không thuộc khái niệm "tài sản bất động sản" thì được quy định thế nào?
Quy định này yêu cầu rằng hàng hóa được đưa vào thị trường Liên minh hoặc xuất khẩu từ Liên minh phải được nuôi, trồng hoặc được khai thác trên đất được xác định là lô đất theo định nghĩa trong Quy định này. Việc không có đăng ký đất đai hoặc quyền sở hữu chính thức không ngăn cản việc xác định đất trên thực tế là lô đất theo định nghĩa trong Quy định này (xem bên dưới).
Làm thế nào các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại không phải DNNVV có thể có được dữ liệu vị trí địa lý ở các quốc gia không quy định sổ đăng ký tài sản và ở những nơi mà, ví dụ như, nông dân không có giấy tờ tùy thân hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với đất đai của họ?
Nông dân có thể thu thập thông tin vị trí địa lý về các lô đất của mình dù không có sổ đăng ký tài sản hoặc không có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Nếu nông dân là nhà cung cấp trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức hoặc bản thân họ là cá nhân, tổ chức thì không yêu cầu thông tin cá nhân mà chỉ cần vị trí địa lí của lô đất canh tác của họ, ví dụ thông qua ứng dụng điện thoại di động.
Liên quan đến yêu cầu về tính hợp pháp, Quy định này yêu cầu tuân thủ pháp luật quốc gia. Nếu nông dân được phép canh tác và bán sản phẩm của họ một cách hợp pháp theo quy định pháp luật quốc gia (dù có thể không có sổ đăng ký tài sản và ở một số nơi, nông dân có thể không có giấy tờ tùy thân), thì điều đó cũng có nghĩa là các cá nhân, tổ chức (đơn vị thương mại không phải DNNVV) nhìn chung có thể đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp khi mua hàng từ những nông dân đó. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức (hoặc đơn vị thương mại không phải DNNVV) sẽ cần phải xác minh rằng không có rủi ro bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng của họ.
Hiện nay, các cá nhân, tổ chức (hoặc các đơn vị thương mại không phải DNNVV) đang sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để thu thập thông tin vị trí địa lý và thông tin về tính hợp pháp: một số lập bản đồ trực tiếp các nhà cung cấp, trong khi một số khác dựa vào các trung gian như hợp tác xã, tổ chức chứng nhận, hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia hoặc các công ty khác. Các cá nhân, tổ chức (hoặc các đơn vị thương mại không phải DNNVV) chịu trách nhiệm pháp lý trong việc đảm bảo rằng thông tin vị trí địa lý và thông tin về tính hợp pháp là chính xác, bất kể sử dụng phương pháp hoặc trung gian nào để thu thập các thông tin đó.
Có, nhưng cá nhân, tổ chức chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với tính chính xác của thông tin vị trí địa lí chứ không phải nhà sản xuất cung cấp thông tin đó. Quy định này không áp dụng cho các nhà sản xuất nhỏ (các hộ tiểu điền) không tự đưa sản phẩm vào thị trường Liên minh (và do đó không thuộc định nghĩa về cá nhân, tổ chức và đơn vị thương mại theo Quy định này).
Trong trường hợp như vậy, cá nhân, tổ chức sẽ phải đảm bảo rằng khu vực nơi hàng hóa được nuôi, trồng phải được lập bản đồ một cách chính xác và thông tin vị trí địa lí trùng khớp với lô đất. Trong số các thủ tục và biện pháp đánh giá rủi ro mà cá nhân, tổ chức có thể sử dụng thì có các biện pháp hỗ trợ cho các nhà cung cấp để đáp ứng các yêu cầu của Quy định này, nhất là hỗ trợ cho các hộ tiểu điền, thông qua xây dựng năng lực và các khoản đầu tư khác.
Các cá nhân, tổ chức và đơn vị thương mại không phải DNNVV cần phải xác minh và chứng minh rằng thông tin vị trí địa lý là chính xác.
Đảm bảo tính trung thực và chính xác của thông tin vị trí địa lý là một khía cạnh quan trọng trong việc thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại. Cung cấp thông tin vị trí địa lý không chính xác là vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức (và đơn vị thương mại không phải DNNVV) theo Quy định này.
Nghĩa vụ cung cấp thông tin vị trí địa lý trong các tuyên bố trách nhiệm giải trình, thông qua Hệ thống thông tin, được gắn với các hàng hóa và sản phẩm cụ thể. Do đó, các cá nhân, tổ chức (hoặc các đơn vị thương mại không phải DNNVV) sẽ cần phải cung cấp thông tin này mỗi khi họ có ý định đưa vào thị trường Liên minh, cung cấp trên thị trường Liên minh, hoặc xuất khẩu sản phẩm từ Liên minh một sản phẩm liên quan. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình phải được lặp lại (tức là cập nhật) cho mỗi sản phẩm liên quan, bao gồm cung cấp tọa độ địa lí gắn với sản phẩm tương ứng.
Các đa giác sẽ được sử dụng để mô tả chu vi của các lô đất nơi hàng hóa được nuôi, trồng. Mỗi đa giác nên mô tả một lô đất duy nhất, cho dù liền kề hay không. Nếu một sản phẩm liên quan được sản xuất từ các hàng hóa từ một vài lô đất thì các đa giác mô tả các lô đất phải được cung cấp trong tuyên bố trách nhiệm giải trình. Không thể sử dụng một đa giác để xác định chu vi của một khu đất ngẫu nhiên mà các lô đất chỉ chiếm một phần của đa giác đó.
Không có nghĩa vụ vụ cũng không có khả năng cung cấp thông tin về lô đất bằng đường tròn. Đối với các lô đất có diện tích trên 4 hecta (đối với nuôi, trồng các hàng hóa liên quan không phải gia súc), thì thông tin địa lí phải được cung cấp dưới dạng các đa giác (không phải dưới dạng hình tròn với tâm điểm ở trung tâm lô đất) gồm đầy đủ các điểm kinh độ và vĩ độ để mô tả chu vi của mỗi lô đất.
Các cá nhân, tổ chức cần phải khai báo xuất xứ của tất cả hàng hóa được vận chuyển hợp pháp vào Liên minh.
Ví dụ, nếu hàng hóa tuân thủ có nguồn gốc từ nhiều nguồn được trộn lẫn với nhau trong cùng một bồn chứa (silo), sau đó một phần hàng hóa đó được vận chuyển vào Liên minh thì:
Mục đích chính của Quy định này là yêu cầu có sự tương ứng giữa các sản phẩm/hàng hóa được đưa vào thị trường Liên minh và các lô đất nơi các sản phẩm/hàng hóa này được nuôi, trồng. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, cá nhân, tổ chức có thể cung cấp tọa độ vị trí địa lí của các lô đất nhiều hơn số lô đất nơi hàng hóa được nuôi, trồng.
Nếu cá nhân, tổ chức khai báo số lô đất ‘nhiều hơn’ trong tuyên bố trách nhiệm giải trình thì cá nhân, tổ chức phải chịu toàn bộ trách nhiệm về sự tuân thủ của TẤT CẢ các lô đất đã được khai báo vị trí địa lí, bất kể những lô đất đó có liên quan đến sản xuất hàng hóa/sản phẩm mà sẽ được đưa vào thị trường Liên minh hay không. Nếu một lô đất đã được khai báo vị trí địa lí trong tuyên bố trách nhiệm giải trình mà không tuân thủ thì toàn bộ các lô đất đã được khai báo vị trí địa lí được coi là không tuân thủ. Trong những trường hợp như vậy, cá nhân, tổ chức khai báo số lô đất nhiều hơn số lô đất liên quan đến sản xuất hàng hóa sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình một cách đầy đủ theo quy định tại Điều 9, 10 và 11, đối với TẤT CẢ các lô đất đã khai báo (kể cả những lô đất được khai báo nhiều hơn) và phải cung cấp bằng chứng rằng 1) rủi ro của việc không tuân thủ đã được đánh giá với TẤT CẢ các lô đất, theo quy định tại Điều 10.2 và 2) trong đánh giá đó, cá nhân, tổ chức đã áp dụng các tiêu chí (i) và (j) theo quy định tại Điều 10 và 3) rủi ro đó là không đáng kể đối với TẤT CẢ các lô đất.
Thông tin vị trí địa lý sẽ được sử dụng để kiểm tra các tuyên bố không phá rừng như thế nào? Thông tin vị trí địa lí có khớp với bản đồ định vị vệ tinh và bản đồ mất rừng không? Sẽ có các bản đồ cơ sở về diện tích rừng hoặc diện tích mất rừng và suy thoái rừng không? Nếu vị trí địa lý của các trang trại, đồn điền hoặc khu vực được phép khai thác không có sẵn thì quy định như thế nào?
Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức (hoặc các đơn vị thương mại không phải DNNVV) là thu thập tọa độ vị trí địa lý của các lô đất nơi hàng hóa được nuôi, trồng. Nếu cá nhân, tổ chức không thể thu thập vị trí địa lý của tất cả các lô đất liên quan đến sản xuất một sản phẩm thì theo quy định tại Điều 3 của Quy định này, cá nhân, tổ chức đó sẽ không đưa sản phẩm đó vào thị trường Liên minh hoặc xuất khẩu từ Liên minh.
Các cá nhân, tổ chức (và các đơn vị thương mại không phải DNNVV) và các cơ quan thực thi có thể kiểm tra chéo các tọa độ vị trí địa lý với hình ảnh vệ tinh hoặc bản đồ che phủ rừng để đánh giá xem các sản phẩm có đáp ứng yêu cầu không phá rừng của Quy định này hay không. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức (và các đơn vị thương mại không phải DNNVV) vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên Liên minh sẽ kiểm tra để xác minh rằng các hàng hóa và sản phẩm liên quan đã được đưa vào, hoặc dự kiến được đưa vào thị trường Liên minh, hoặc được cung cấp trên thị trường Liên minh, hoặc được xuất khẩu từ Liên minh đến từ các lô đất không gây phá rừng; và các hàng hóa và sản phẩm được sản xuất hợp pháp (theo quy định tại Điều 16). Việc kiểm tra này bao gồm kiểm tra tính hợp lệ của các tuyên bố trách nhiệm giải trình và kiểm tra tính tuân thủ nói chung của các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại theo các quy định của Quy định này.
Xem Điều 18 và 19 của Quy định này để biết thêm thông tin về phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên Liên minh.
Khi thực thi Quy định này, các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên Liên minh sẽ sử dụng các định nghĩa được quy định tại Điều 2 của Quy định này. Đây là một quy định có tính ràng buộc pháp lý trong Liên minh. Do đó, Quy định này phải được áp dụng một cách hài hòa trong toàn bộ 27 nước thành viên của Liên minh.
Quy định chi tiết về chức năng và hoạt động của Hệ thống thông tin sẽ được xây dựng thông qua một hướng dẫn thực thi. Các bên liên quan sẽ được thông báo và tham vấn về quá trình xây dựng thông qua Diễn đàn đa bên về bảo vệ và phục hồi rừng thế giới. Hệ thống thông tin, nếu có, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức bằng cách cho phép tải trực tiếp lên hệ thống một số định dạng lưu trữ vị trí địa lý được sử dụng rộng rãi khi khai báo các đa giác trong tuyên bố trách nhiệm giải trình. Hệ thống thông tin sẽ được xây dựng và hoàn thiện hơn theo thời gian, dựa trên phản hồi từ người dùng.
Các thông tin, tài liệu và dữ liệu mà các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại không phải DNNVV cần thu thập và lưu giữ trong thời hạn 5 năm để chứng minh việc tuân thủ Quy định này được quy định tại Điều 9 và Phụ lục II cũng như tại Điều 2 (28) về dữ liệu liên quan đến vị trí địa lý.
Các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại không phải DNNVV sẽ thực hiện trách nhiệm giải trình đối với tất cả các sản phẩm có liên quan được cung cấp bởi mỗi nhà cung ứng cụ thể. Do đó, họ phải có hệ thống trách nhiệm giải trình, bao gồm thu thập thông tin, dữ liệu và tài liệu cần thiết để đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 9; các biện pháp đánh giá rủi ro được quy định tại Điều 10; các biện pháp giảm thiểu rủi ro được quy định tại Điều 11. Các yêu cầu đối với việc thiết lập và duy trì hệ thống trách nhiệm giải trình, báo cáo và lưu trữ hồ sơ được quy định tại Điều 12. Các cá nhân, tổ chức sẽ phải liên hệ với các cá nhân, tổ chức và đơn vị thương mại trong giai đoạn sau của chuỗi cung để thu thập tất cả thông tin cần thiết để chứng minh rằng trách nhiệm giải trình đã được thực hiện và không phát hiện rủi ro, hoặc chỉ phát hiện rủi ro không đáng kể.
Các cá nhân, tổ chức và đơn vị thương mại trong giai đoạn sau của chuỗi cung có thể căn cứ vào thông tin đã nhận được để thực hiện trách nhiệm giải trình. Nếu một cá nhân, tổ chức hoặc đơn vị thương mại khác trong giai đoạn trước của chuỗi cung đã thực hiện trách nhiệm giải trình thì không có nghĩa là các cá nhân, tổ chức và đơn vị thương mại trong giai đoạn sau của chuỗi cung được miễn thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
Các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại không phải DNNVV phải đảm bảo rằng thông tin về truy xuất nguồn gốc mà họ cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật ở các nước thành viên Liên minh trong các tuyên bố trách nhiệm giải trình đã được nộp vào Hệ thống thông tin là chính xác. Sự phát triển và hoạt động của Hệ thống thông tin sẽ phù hợp với các quy định về bảo vệ dữ liệu có liên quan. Ngoài ra, Hệ thống thông tin sẽ được trang bị các biện pháp bảo mật nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật của thông tin được chia sẻ.
Các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại không phải DNNVV phải đảm bảo rằng thông tin cần thiết về truy xuất nguồn gốc mà họ cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền ở các nước thành viên Liên minh là chính xác, bất kể độ dài hay độ phức tạp của chuỗi cung của họ.
Thông tin truy xuất nguồn gốc có thể được bổ sung trong suôits chuỗi cung. Ví dụ, một lô hàng đậu nành có số lượng lớn, có nguồn gốc từ hàng trăm lô đất và từ một số quốc gia sẽ cần phải có một tuyên bố trách nhiệm giải trình bao gồm thông tin tất cả các quốc gia sản xuất có liên quan và thông tin vị trí địa lý của từng lô đất từ tất cả các quốc gia liên quan đến sản xuất ra hàng hóa có trong lô hàng này.
Các cá nhân, tổ chức (và các đơn vị thương mại không phải DNNVV) phải thu thập thông tin về ngày hoặc khoảng thời gian sản xuất theo các nghĩa vụ được quy định tại Điều 9 của Quy định này. Thông tin này là cần thiết để xác định xem sản phẩm liên quan có gây phá rừng hay không. Đó là lý do tại sao điều khoản này áp dụng cho các hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này, bao gồm hàng hóa được đưa vào thị trường Liên minh, hoặc hàng hóa được sử dụng để sản xuất các sản phẩm liên quan thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
Đối với các hàng hóa không phải gia súc, ngày sản xuất đề cập đến ngày khai thác, và khoảng thời gian sản xuất đề cập đến khoảng thời gian của quá trình sản xuất (ví dụ, trong trường hợp là gỗ, thì “khoảng thời gian sản xuất” là khoảng thời gian thực hiện khai thác).
Đối với các sản phẩm không phải là động vật sống trong danh mục hàng hóa gia súc, khoảng thời gian sản xuất đề cập đến tuổi đời của gia súc bao gồm ngày giết mổ.
Chú ý: thông tin về ngày hoặc khoảng thời gian sản xuất của một sản phẩm mà các cá nhân, tổ chức dự định đưa vào thị trường Liên minh hoặc xuất khẩu từ Liên minh không cần phải được đưa vào tuyên bố trách nhiệm giải trình, tuy nhiên các cá nhân, tổ chức phải thu thập, sắp xếp và lưu giữ thông tin đó trong khoảng thời gian là 5 năm (Điều 9).
Cung cấp vị trí địa lýnơi con non được sinh ra thì đã đủ thông tin chưa? Một số gia súc có thể được chuyển đến một hoặc nhiều địa điểm trước khi bị giết mổ.
Các cá nhân, tổ chức (hoặc các đơn vị thương mại không phải DNNVV) đưa vào thị trường Liên minh các sản phẩm gia súc phải định vị vị trí địa lý tất cả các cơ sở liên quan đến chăn nuôi gia súc, bao gồm nơi sinh, trang trại nuôi nhốt, vùng đất chăn thả, và lò mổ.
Nếu một cá nhân, tổ chức (hoặc đơn vị thương mại không phải DNNVV) đưa hàng hóa vào thị trường Liên minh không thể có được thông tin theo yêu cầu của Quy định này từ các nhà cung cấp đầu chuỗi cung ứng thì cá nhân, tổ chức hoặc đơn vị thương mại đó không được đưa các sản phẩm liên quan vào thị trường Liên minh hoặc hoặc xuất khẩu từ Liên minh vì nếu không sẽ dẫn đến vi phạm Quy định này, và có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt.
Không có ngoại lệ đối với yêu cầu truy xuất nguồn gốc thông qua vị trí địa lý. Các cá nhân, tổ chức cũng phải đánh giá sự phức tạp của chuỗi cung ứng có liên quan và nguy cơ vi phạm. Quy định này; cũng như nguy cơ trộn lẫn với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc với sản phẩm có xuất xứ ở quốc gia hoặc các vùng của quốc gia có rủi ro cao, hoặc rủi ro tiêu chuẩn (Điều 13). Nếu cá nhân, tổ chức thu thập được, hoặc biết được bất kỳ thông tin liên quan nào có thể chỉ ra nguy cơ rằng các sản phẩm liên quan không tuân thủ Quy định này, hoặc vi phạm Quy định này thì cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 và phải thông báo ngay mọi thông tin liên quan cho cơ quan có thẩm quyền.
Các hàng hóa và sản phẩm liên quan không được đưa vào thị trường Liên minh hoặc xuất khẩu từ Liên minh nếu không được sản xuất tuân theo quy định pháp luật liên quan của quốc gia sản xuất như được quy định tại Điều 3 (b) của Quy định này.
Các điều kiện được quy định tại Điều 3 phải được đáp ứng đồng thời: yêu cầu về tính hợp pháp (Điều 3(b)) phải được đáp ứng bên cạnh yêu cầu về “không phá rừng” (Điều 3(a)) và yêu cầu về việc các hàng hóa hoặc sản phẩm phải được khai báo trong tuyên bố trách nhiệm giải trình (Điều 3(c)).
Không có nghĩa vụ pháp lý áp dụng với các nước không phải là thành viên của Liên minh. Quy định này đặt ra nghĩa vụ cho các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại (xem Chương 2 của Quy định này) cũng như các nước thành viên Liên minh và các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên Liên minh (xem Chương 3 của Quy định này).
Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã có hành động nhằm tăng cường các chuỗi cung ứng không gây phá rừng, tăng cường các hệ thống truy xuất công đối với các hàng hóa liên quan, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty/doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm theo Quy định này. Điều này rất đáng hoan nghênh, bởi lẽ những hành động như vậy có thể hỗ trợ rất nhiều cho các cá nhân, tổ chức và các đơn vị thương mại trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình.
Còn nữa.....
Tải toàn bộ Câu hỏi thường gặp (bản pdf): eudr_-_faqs_vn_0.pdf
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.