Kết thúc phiên 17/5, cổ phiếu công nghệ tiếp tục dẫn đầu mức giảm của các chỉ số lớn trên Phố Wall, sau khi chỉ báo lạm phát được công bố vào tuần trước khiến thị trường kém lạc quan. Giá dầu tăng bởi hy vọng sự phục hồi kinh tế, vàng lên mức cao nhất trong 3,5 tháng, đồng và cao su cũng đi lên, cà phê Robusta giảm nhẹ còn Arabica đảo chiều tăng, trong khi thép giảm ngày thứ 3 liên tiếp.
Chứng khoán Mỹ biến động mạnh
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 54,34 điểm, tương đương 0,2%, xuống 34.327,79 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,3% xuống 4.163,29 điểm, khi lĩnh vực công nghệ giảm 0,7%. Nasdaq Composite giảm 0,4% xuống 13.379,05 điểm.
Cổ phiếu Big Tech chịu áp lực ngay phiên đầu tuần, với Apple và Netflix đều giảm 0,9%. Microsoft giảm 1,2%, trong khi Tesla giảm hơn 2% khi nhà đầu tư nổi tiếng Michael Burry tiết lộ vị thế bán khống lớn đối với nhà sản xuất ô tô điện. Trong những tuần gần đây, nhà đầu tư có xu hướng rời khỏi cổ phiếu công nghệ, tìm đến những cổ phiếu ngành năng lượng, tài chính và vật liệu.
Cổ phiếu dịch vụ truyền thông Discovery tăng mạnh sau khi AT&T thông báo hôm thứ Hai rằng họ sẽ hợp nhất WarnerMedia, bao gồm HBO, với Discovery. Thực thể mới sẽ hoạt động như một công ty đại chúng. Cổ phiếu hạng B của Discovery đã tăng gần 14%, trong khi AT&T kết thúc ngày giảm nhẹ sau khi đạt mức cao kỷ lục trước đó trong phiên.
Phố Wall đã trải qua một trong những tuần biến động mạnh nhất của năm 2021 khi chỉ số S&P 500 giảm 4% cho đến giữa tuần trước, trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng. Chỉ số kết thúc tuần chỉ giảm 1,4%. Nasdaq Composite đã giảm 2,3% trong tuần trước, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lo ngại lạm phát. Chỉ số blue-chip Dow đã giảm 1,1% trong thời gian đó. Cả 3 chỉ số chính đều có tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 26/2.
Dữ liệu tuần trước cho thấy, CPI tăng 4,2% so với một 1 trước đó vào tháng 4, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, điều này làm gia tăng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể buộc phải bắt đầu rút lại các chính sách tiền tệ dễ dàng nếu áp lực giá cao hơn vẫn diễn ra.
Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư, có thể cung cấp một số dấu hiệu về quan điểm của các nhà hoạch định chính sách về lạm phát.
Trong khi đó, mùa báo cáo tài chính quý đầu tiên đang kết thúc với hơn 90% công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh. Cho đến nay, 86% các công ty thuộc S&P 500 đã ghi nhận mức EPS dương bất ngờ, đây sẽ là tỷ lệ lợi nhuận dương cao nhất nhất kể từ năm 2008 khi FactSet bắt đầu theo dõi.
Giá dầu tăng 1%
Giá dầu tăng hơn 1% bởi nền kinh tế Châu Âu mở cửa trở lại và nhu cầu của Mỹ đang tăng, sau khi giá giảm trước đó bởi số ca nhiễm virus corona tăng vọt ở Châu Á và số liệu sản xuất của Trung Quốc không ấn tượng.
Chốt phiên 17/5 dầu Brent tăng 75 US cent hay 1,1% lên 69,46 USD/thùng và dầu WTI tăng 90 US cent hay 1,4% lên 66,27 USD/thùng.
Nền kinh tế Anh mở cửa trở lại sau khi phong tỏa vì Covid-19 trong 4 tháng. Với việc tăng tốc tiêm chủng, Pháp và Tây Ban Nha đã nới lỏng những hạn chế liên quan tới Covid và vào ngày 15/5 Bồ Đào Nha và Hà Lan đã nới lỏng những hạn chế đi lại.
Những hứa hẹn về tăng trưởng kinh tế đã hỗ trợ giá dầu trong những tuần gần đây, mặc dù tốc độ lạm phát khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất có thể tăng điều đó ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng.
Hãng United Airlines thông báo họ sẽ bổ sung 400 chuyến bay hàng ngày tới Châu Âu trong tháng 7. Các hãng hàng không cho biết lượng đặt chỗ cho các chuyến du lịch mùa hè tăng 214% so với mức 2020.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo lắng về biến thể virus corona lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ. Doanh số bán xăng và dầu diesel của các nhà máy lọc dầu nhà nước Ấn Độ giảm 1/5 trong nửa đầu tháng 5 so với cùng kỳ tháng trước. Singapore chuẩn bị đóng cửa trường học trong tuần này và Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 3 tỉnh nữa.
Tăng trưởng sản xuất của các nhà máy Trung Quốc chậm lại trong tháng 4 và doanh số bán lẻ thất vọng khi các quan chức cảnh báo về những vấn đề mới ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Sản lượng dầu thô của Trung Quốc tăng 7,5% trong tháng 4 so với cùng tháng năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh được thấy trong quý 4/2020.
Những dấu hiệu nguồn cung đang tăng cũng hạn chế đà tăng giá dầu.
Sản lượng dầu thô của Mỹ từ 7 khu vực đá phiến lớn dự kiến tăng 26.000 thùng/ngày trong tháng 6, đạt 7,73 triệu thùng/ngày, tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Trong khi đó giá xăng bán lẻ của Mỹ đạt mức cao mới trong bảy năm, vì họ sẽ mất một thời gian để chuỗi cung ứng của đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất quốc gia hoạt động bình thường sau khi dừng hoạt động 6 ngày.
Vàng tăng lên mức đỉnh 3,5 tháng
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng do các nhà đầu tư thận trọng khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn giảm thậm chí giá cổ phiếu giảm do lo lắng về lạm phát.
Vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.866,84 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 1/2 tại 1.868,26 USD. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa tăng 1,6% lên 1.867,6 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống làm giảm chi phí việc nắm giữ vàng.
Hiện nay các nhà đầu tư đợi biên bản cuộc họp trong tuần trước của Cục dự trữ Liên bang Mỹ để có thêm các manh mối về chính sách tiền tệ và các bình luận về lạm phát. Vàng được xem như một phòng hộ chống lại lạm phát tăng.
Giá cà phê biến động trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 1 USD, xuống 1.459 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 2 USD, còn 1.484 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 0,75 cent, lên 145,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,8 cent, lên 147,75 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô nội địa tại Daklak tăng nhẹ lên 33.400 – 33.500 đồng/kg.
Đồng Reais tăng 0,18%, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 5,2620 Reais do thị trường bên ngoài vẫn còn lo ngại rủi ro lạm phát tăng nhanh, trong khi chứng khoán Mỹ sụt giảm trở lại trong sự điều chỉnh của hầu hết các thị trường nói chung.
Các đại lý cho biết nguồn cung đang khan hiếm, sản lượng cà phê Arabica của Brazil có thể giảm trong năm nay và tình trạng thiếu hụt container tại quốc gia Nam Mỹ này đã khiến xuất khẩu chậm lại.
Viện Địa Lý và Thống kê Quốc gia Brazil (IBGE), cơ quan chịu trách nhiệm công bố dữ liệu kinh tế, đã điều chỉnh giảm ước tính vụ mùa cà phê năm 2021 bớt 0,6% xuống 46,70 triệu bao, gồm 31,7 triệu bao cà phê Arabica và 15 triệu bao cà phê Conilon Robusta. Thị trường nhận định số liệu của IBGE đưa ra thường thấp hơn thực tế 5 – 10 %, do đó, họ chỉ đưa ra sau khi đã có nhiều cuộc khảo sát độc lập trong nước và quốc tế, với trung bình là 32 triệu bao Arabica và 21 triệu bao Conilon Robusta.
Conab Brazil báo cáo sản lượng cà phê Arabica vụ mùa năm nay sụt giảm khoảng 21 – 30% do chu kỳ “hai năm một” và thời tiết bất lợi ngay từ đầu vụ. Báo cáo thời tiết trong vòng 15 ngày tới sẽ có mưa nhỏ rải rác và không có dấu hiệu thời tiết sương giá tuy không khí lạnh đã bắt đầu tiến sâu hơn vào đất liền.
Theo báo cáo mới nhất của ResearchAndMarkets.com, thị trường cà phê hữu cơ toàn cầu sẽ đạt 20,78 tỷ đô la vào năm 2030, tăng 10,6% hàng năm trong giai đoạn 2020-2030, do sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ và lành mạnh, và nhu cầu về cà phê hữu cơ ngày càng tăng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 4/2021 cả nước xuất khẩu 132.111 tấn cà phê, thu về 246,39 triệu USD, giảm 22% về khối lượng và giảm 21% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó; so với cùng kỳ năm ngoái cũng giảm 20% về lượng và giảm 12% về kim ngạch. Tính chung trong cả 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu cà phê vẫn tăng 14,3% về lượng so với cùng kỳ, đạt 584.981 tấn, nhưng giá trị thu về lại giảm 8,2%, đạt 1,06 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu trong tháng 4/2021 tăng 1,4% so với tháng 3/2021 và tăng 10,5% so với cùng tháng năm 2020, đạt trung bình 1.865 USD/tấn. Tinh chung trong cả 4 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu cũng tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.803,6 USD/tấn. Sự gia tăng của giá cà phê thế giới đã kéo theo sự tăng giá của thị trường cà phê nội địa Việt Nam.
Đức luôn thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm nay đạt 84.652 tấn, tương đương 147,97 triệu USD, chiếm trên 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, giảm 27,5% về lượng và kim ngạch giảm 16% so với cùng kỳ, giá tăng 15,8%, đạt 1.7479 USD/tấn.
EU và Mỹ chiếm 41% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cùng với tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam tới châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez thời điểm tháng 3/2021 cũng đã làm chậm quá trình vận chuyển cà phê của Việt Nam sang các thị trường EU và Mỹ. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2021, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 200,4 nghìn tấn), Mỹ giảm 27,4% (đạt 40,9 nghìn tấn). Tổng cộng xuất khẩu sang 2 thị trường này giảm đã hơn 75 nghìn tấn sau 4 tháng đầu năm nay.
Theo báo cáo của Cục bảo vệ thực vật, trong tháng 5 bệnh gỉ sắt và bệnh khô cành là hai bệnh phổ biến trên cây cà phê. Hiện, diện tích nhiễm bệnh gỉ sắt là 7.629 ha (tăng 234 ha so với tháng trước, tăng 453 ha so cùng kỳ năm trước), diện tích phòng trừ 17.488 ha. Phân bố tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Điện Biên. Diện tích nhiễm bệnh khô cành là 10.432 ha (giảm 654 ha so với tháng trước, giảm 1.644 ha so với cùng kỳ năm trước), nhiễm nặng 20 ha, diện tích phòng trừ 17.882 ha. Phân bố tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Điện Biên.
Các công trình nghiên cứu và thử nghiệm Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên cho thấy mô hình trồng lạc dại che phủ đất trong các vườn cà phê, tiêu…có hiệu quả. Đây là loài cây có thời gian sinh trưởng khá dài, từ 1 – 5 năm và có khả năng chống xói mòn, khống chế sự phát triển cỏ dại để lại nguồn hữu cơ cho đất và cây trồng. Trồng lạc dại cũng góp phần giảm sâu bệnh, nấm bệnh, tuyến trùng trên diện tích cà phê tái canh và kinh doanh. Cây lạc dại khi ra hoa sẽ thu hút côn trùng đến hút mật và thụ phấn cho hoa, trong đó đa số là côn trùng có ích… Lạc dại dễ trồng, 1 cây cà phê chỉ cần trồng 4 – 5 khóm xung quanh. Sau thời gian trồng 1 – 2 tháng có thể cắt ra để nhân giống tiếp cho những trụ khác giống như việc nhân giống khoai lang và rau muống. Khi cây phát triển được 4 – 5 tháng, sẽ tạo thành một thảm thực vật che phủ toàn bộ vườn cà phê. Đặc biệt trong mùa khô, chủ vườn có thể cắt thân để ủ vào gốc cà phê, vừa chống bốc thoát hơi nước, vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, lạc dại có khả năng cố định nitơ trong đất cao nên hàm lượng đạm ở trong đất cung ứng cho cây trồng sẽ tăng lên đáng kể. Theo Thạc sỹ Phạm Công Trí , Phó viện trưởng Viện KHKTNLN Tây Nguyên cho biết, cây lạc dại là loài cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp với nhiều vùng sinh thái. Có khả năng giữ ẩm, bổ sung dinh dưỡng cho đất và cây trồng, giảm thoái hoá đất, khống chế sự phát triển cỏ dại, giúp tăng năng suất cây trồng.
VICOFA tổng hợp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.