Chốt phiên giao dịch ngày 19/1, giá dầu cao nhất gần 7 năm, nickel cao nhất 11 năm, nhôm cao nhất 3 tháng, thiếc cao kỷ lục, cao su cao nhất gần 2 tháng, vàng, sắt thép, cà phê và đường… đồng loạt tăng.
Giá dầu cao nhất gần 7 năm
Giá dầu tăng sau vụ cháy đường ống dẫn dầu từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ, làm gia tăng lo ngại về triển vọng nguồn cung trong ngắn hạn thắt chặt.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/1, dầu thô Brent tăng 93 US cent tương đương 1,1% lên 88,44 USD/thùng, trước đó trong phiên đạt 89,13 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 13/10/2014 và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,53 USD lên 86,96 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 9/10/2014.
Các quan chức OPEC và các nhà phân tích cho biết, giá dầu có thể tiếp tục tăng trong vài tháng tới và có thể đạt 100 USD/thùng, do nhu cầu hồi phục bất chấp biến thể virus corona Omicron lây lan mạnh.
Giá vàng tăng 1%
Giá vàng tăng hơn 1%, do đồng USD giảm và căng thẳng địa chính trị xung quanh Ukraine, khiến vàng trở thành tài sản trú ẩn an toàn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,5% lên 1.840,91 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn New York tăng 1,7% lên 1.843,2 USD/ounce.
Đồng USD giảm khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức cao nhất 2 năm cũng thúc đẩy nhu cầu mua vàng.
Ngoài ra, giá vàng còn được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị xung quanh Ukraine và Trung Đông.
Cà phê hai sàn cùng đảo chiều tăng
Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 30 USD, lên 2.225 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 27 USD, lên 2.191 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng 4,85 cent, lên 244,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 4,95 cent, cũng lên 244,45 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại Đaklak sáng nay tăng lên 40.600 – 40.800 đồng/kg.
Giá cà phê hai sàn kỳ hạn đảo chiều tăng trở lại sau báo cáo xuất khẩu cả năm 2021 đạt mức cao kỷ lục thứ ba trong lịch sử xuất khẩu của Brazil. Điều này đã khiến “bò đầu cơ” tỏ ra lo ngại do dự báo sản lượng năm nay của nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới chưa có gì để lấy làm chắc chắn. Bên cạnh còn do đồng Reais có dấu hiệu mạnh lên sẽ không hỗ trợ người Brazil bán hàng xuất khẩu.
Trái lại, sau chuổi giảm liên tiếp sàn London có xu hướng hồi phục do chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường Robusta đã vào vùng quá bán, trong khi nhà kinh doanh cũng không dễ tìm mua hàng thực trong tay nhà nông với mức giá hiện hành.
Lưu ý, áp lực từ việc Fed – Mỹ sẽ cắt giảm kích thích kinh tế và tăng lãi suất cơ bản USD vẫn đè nặng lên thị trường hàng hóa thế giới khiến các nhà đầu tư cân nhắc thận trọng hơn trước phiên họp chính sách đầu tiên của năm 2022.
Bất ngờ trong giai đoạn thị trường chịu sức ép từ áp lực bán hàng vụ mới của các quốc gia sản xuất chính. Trong đó, tại nhà sản xuất hàng đầu - Cơ quan Cung ứng Lương thực Brazil (CONAB) công bố báo cáo khảo sát đầu tiên cho niên vụ cà phê 2022/23. Sản lượng cà phê được ước tính đạt 55,7 triệu bao, tăng 16,8% so với niên vụ trước, bởi niên vụ năm nay là năm có sản lượng cao trong chu kỳ hai năm của cà phê.
Sản lượng cao với cả hai loại cà phê, Arabica - dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi hạn hán, sương giá và mưa lũ, vẫn được ước tính tăng 23,4% so với vụ thu hoạch trước, lên 38,7 triệu bao. Trong khi, các chuyên gia kỳ vọng, cà phê Conilon trong niên vụ thu hoạch tới có thể đạt được mức sản lượng kỷ lục gần 17 triệu bao, cao hơn 4,1% so với vụ thu hoạch trước.
Nếu như xem 15 ngày đầu năm là một đợt làm lại giá trên sàn và định giá cà phê cho thị trường của 4 đến 6 tháng tới đang xuất hiện dần trên thị trường, thì các mức đỉnh cũ chỉ là kỳ vọng khá xa cho người kinh doanh cà phê.
Những ngày qua, trò chơi “thăng bằng” giữa hai sàn Arabica và Robusta là cách làm giá chủ đạo trong thị trường cà phê, khi bên này tăng thì bên kia giảm, chỉ để tạo sóng vừa đủ để các nhà kinh doanh tài chính thoát dần các hợp đồng dư mua để phù hợp hơn với thực tế cung-cầu.
Thị trường cũng nhận được tin rằng mới đây cả chục ngàn tấn Robusta đã và sẽ cập bến các cảng châu Âu từ Brazil, Indonesia và Việt Nam bằng tàu thuê chuyến do giá rẻ hơn. Đây lại là điều kiện cho các nhà kinh doanh đưa hàng vào giám định chất lượng đạt chuẩn, lại là một rủi ro giá xuống cho cà phê Robusta.
Như vậy, giá sàn phái sinh tăng hôm nay có yếu tố không bền. Đợt tăng giá này có thể này lại không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân vì giá phái sinh vận tải biển tăng nhưng chưa chắc giá cước thực tế giảm.
Trong khi các nhà kinh doanh và nông dân nước ta đang kỳ vọng giá cà phê tăng do vùng cà phê Brazil mất mùa và bị sương giá, thì thiết nghĩ cũng cần nhìn lại thực tế những gì đang xảy ra trên sàn cà phê Robusta để tránh các rủi ro đáng tiếc.
VICOFA tổng hợp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.