Về tình hình giá dầu: Dầu tăng do tồn trữ của Mỹ ít hơn dự kiến
Giá dầu thô tiếp tục tăng nhẹ trong phiên vừa qua sau khi số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô ít hơn dự kiến, nhưng đà tăng giá bị cản trở bởi lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh do virus corona gây ra ở bên ngoài Trung Quốc.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 19 US cent, tương đương 0,32%, lên 59,31 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 49 US cent (0,9%) lên 53,78 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần vừa qua chỉ tăng 414.000 thùng, thấp hơn nhiều mức dự đoán là tăng 2,5 triệu thùng. Tồn trữ xăng của nước này giảm khoảng 2 triệu thùng trong tuần tới 14/2, trái với dự đoán là tăng 435.000 thùng.
Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 tăng ở Hàn Quốc và nước này có trường hợp tử vong đầu tiên do dịch bệnh này gây lo ngại sự lây lan của dịch bệnh ra toàn thế giới.
Giá dầu tuần này cũng được hỗ trợ bởi Mỹ thông báo trừng phạt chi nhánh thương mại của công ty dầu mỏ Nga Rosneft do có quan hệ với công ty dầu PVDSA của Venezuela và cuộc xung đột ở Libya dẫn tới các cảng biển và giếng dầu bị phong tỏa.
Nhà phân tích kỹ thuật của Reuters, ông Wang Tao, dự báo giá dầu Brent có thể tăng tiếp lên 60,22 USD/thùng.
Vàng cao nhất 7 năm
Giá vàng cũng tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm do số ca nhiễm virus corona ở Hàn Quốc gia tăng gây lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh.
Cuối phiên vừa qua, vàng giao ngay tăng 0,44% lên 1.618,38 USD/ounce, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2013 là 1.623,45 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2020 tăng 0,5% lên 1.620.50 USD/ounce.
"Giá vàng đã vượt mốc 1.600 USD/ounce và nhiều nhà đầu tư cũng như các thương gia sẽ chuyển hướng tập trung vào vàng", chuyên gia Michael Matousek thuộc U.S. Global Investors cho biết.
Ngoài Covid-19, các chuyên gia cho rằng một số lý do khác đang hỗ trợ đắc lực cho giá vàng tăng, đó là việc ngân hàng trung ương một số nước giữ lãi suất âm và các vấn đề liên quan đến thuế quan giữa Trung Quốc và Châu Âu.
"Một khi chủ đề virus corona còn nóng thì giá vàng sẽ duy trì ở mức hiện tại, nếu tình hình xấu đi thì giá thậm chí có thể tăng thêm nữa", nhà phân tích Serge Raevskiy của SP Angel cho biết.
Sắt, thép tăng sau khi Trung Quốc hạ lãi suất
Giá thép trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua do dự đoán Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế và điều đó sẽ đẩy tăng nhu cầu nguyên vật liệu sản xuất và xây dựng. Lo ngại nguồn cung quặng sắt từ Australia và Brazil khan hiếm hơn càng đẩy giá tăng lên.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn giao tháng 5 tăng 2,1% lên 3.460 CNY (493,38 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 1,5% lên 3.455 CNY/tấn.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Một số trung tâm sản xuất của nước này bắt đầu nới lỏng những quy định về sự lưu thông của người và các phương tiện, trong khi nhiều doanh nghiệp trở lại sản xuất sau nhiều tuần tạm dừng.
Số ca nhiễm virus corona mới liên tiếp giảm trong mấy ngày gần đây cũng góp phần đẩy giá sắt thép tăng lên.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 4,2% lên 667 CNY/tấn, là phiên tăng giá thứ 8 liên tiếp và lấy lại gần hết những gì đã mất từ đầu năm đến nay. Quặng sắt trên sàn Singapore tăng 2,6% lên 89,3 USD/tấn. Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu hàng giao ngay trong phiên liền trước (18/2) đạt 90,5 USD/tấn, gần sát mức cao nhất 1 tháng là 91,5 USD/tấn đạt được hôm 17/2.
Gạo tăng giá
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này đạt mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm do nhu cầu mạnh từ Philippines và Malaysia; gạo Thái Lan cũng tăng trong khi giá gạo Ấn Độ vững ở mức cao nhất 4 tháng.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam giá tăng lên 380 USD/tấn, so với 355-360 USD/tấn hồi tuần trước. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 12/2018. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam, cho biết dịch virus corona ở Trung Quốc không ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này, đồng thời dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,75 triệu tấn, tăng 6% so với năm ngoái. Theo ông Nam, giá gạo Việt Nam còn có thể tăng hơn nữa vì hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các đối thủ.
Gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tăng từ 425 – 447 USD/tấn lên 430 – 445 USD/tấn do sự biến động của tỷ giá trong bối cảnh nhu cầu vẫn thấp và lo ngại về ảnh hưởng của hạn hán. Trong khi đó, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá vững ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 9 năm ngoái là 371-376 USD/tấn.
Thị trường cà phê: Giá tiếp tục đi xuống
Giá cà phê Arabica giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần do hoạt động bán tháo tiếp tục diễn ra và đồng real Brazil giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD.
Chốt phiên 20/02, giá cà phê trên cả hai sàn đều đi xuống, cụ thể giá cà phê Robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 05/2020 giảm 11 USD (0,85%) chốt 1.279 USD/tấn, kỳ hạn tháng 07/2020 cũng giảm 11 USD (0,84%) chốt 1.296USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn New York giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần do hoạt động bán tháo tiếp tục diễn ra và đồng Real Brazil giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD, cụ thể kỳ hạn tháng 05/2020 giảm 4,05 cent (3,72%) chốt 104,95 cent/lb, kỳ hạn tháng 07/2020 cũng giảm 4,05 cent (3,64%) chốt 107,10 cent/lb.
Sáng nay 21/02 thị trường khu vực Tây Nguyên mua xô với mức giá 31,5– 31,7 triệu đồng/ tấn. Mức giá này vẫn thấp hơn mức 33.000 đồng mà người dân trồng cà phê mong đợi. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản: 1 USD = 23.170 VND.
Tại Châu Á, giao dịch cà phê ở cả Việt Nam và Indonesia tuần này đều trầm lắng vì nông dân Việt Nam không muốn bán ra khi giá thấp, trong khi thị trường Indonesia chờ đợi cà phê vụ mới – sẽ có sau vài tháng tới.
Cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) xuất khẩu chào giá cộng 125 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn London, thấp hơn mức cộng 140 USD/tấn cách đây một tuần.
Trong khi đó, cà phê Robusta Sumatra của Indonesia giá chào cao hơn 340 – 400 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn London, so với mức cộng 350-370 tuần trước.
Tình hình vụ mùa tại quốc gia Châu Phi - Là một trong 4 châu lục chưa có ca nhiễm Virus corona, được cảnh báo nông dân cũng đang phá hủy và thay thế vườn cây cà phê để trồng cây lương thực. Hàng ngàn hecta cà phê đang phải đối mặt với nguy cơ bị phá hủy, chủ yếu do sâu bệnh và thời tiết thất thường.
Những công nhân lái xe tải ở Brazil đã bắt đầu đình công từ hôm thứ 2 tại cảng Santos, cảng lớn nhất Nam Mỹ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tháo dỡ và chất hàng hóa tại cảng này.
VICOFA tổng hợp (Nguồn: ICO, Reuters, Agroinfo, scasa.co.za, tincaphe, giacaphe.com, cafeF)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.