Kết thúc phiên 21/5, chứng khoán Mỹ trái chiều khi cổ phiếu công nghệ chịu áp lực từ đà giảm của Bitcoin tiếp tục diễn ra. Giá dầu tăng 2% trong khi hầu hết các hàng hóa khác như vàng, đồng, quặng sắt, khí đốt, đường, cà phê đồng loạt sụt giảm.
Chứng khoán Mỹ trái chiều
S&P 500 giảm chưa đến 0,1% xuống 4.155,86 điểm, sau khi tăng 0,7% trước đó trong ngày. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 123,69 điểm, tương đương 0,4%, lên 34.207,84 điểm, nhờ cổ phiếu Boeing tăng vọt. Nasdaq Composite giảm 0,5% xuống 13.470,99 điểm.
Trong tuần này, S&P 500 đã giảm 0,4%. Chỉ số blue-chip Dow giảm 0,5% từ đầu tuần đến nay, trong khi Nasdaq Composite tăng 0,3% trong tuần này, phá vỡ chuỗi giảm 4 tuần.
Bitcoin, vốn đã làm rung chuyển thị trường vào đầu tuần với mức giảm 30%, tiếp tục lao dốc vào thứ Sáu sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He cảnh báo về hoạt động khai thác và giao dịch bitcoin. Ông nói rằng cần có quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ hệ thống tài chính. Theo đó, đồng tiền này giảm 10%, xuống khoảng 36.200 USD.
Các cổ phiếu có liên quan đến tiền số bao gồm Coinbase và MicroStrategy đã giao dịch trong sắc đỏ và kết thúc ngày thấp hơn lần lượt 3,9% và 4,7%. Tesla giảm 1%.
Trong khi đó, cổ phiếu Boeing đã tăng 3,2% sau khi Reuters báo cáo rằng nhà sản xuất máy bay đã thảo luận về việc tăng sản lượng 737 MAX lên 42 máy bay mỗi tháng vào cuối năm 2022.
Yếu tố phần nào thúc đẩy tâm lý thị trường vào thứ Sáu là thước đo cho hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng này. Chỉ số nhà quản lý mua hàng IHS Markit Flash đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 61,5 trong tháng 5 từ mức 60,5 vào tháng 4. Các nhà kinh tế được thăm dò bởi Dow Jones đã kỳ vọng chỉ số này sẽ không có thay đổi.
Cổ phiếu của Nvidia tăng 2,6% sau khi gã khổng lồ chip tuyên bố chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 4:1. Cổ phiếu của hãng tiếp tục tăng lên ngay cả khi việc chia tách không tạo thêm giá trị thực tế cho cổ phiếu.
Ford, cho biết công ty ghi nhận 20.000 đặt trước cho chiếc bán tải điện F-150 mới. Cổ phiếu tăng 6,7%. Cổ phiếu của Home Depot tăng 0,7% sau khi nhà bán lẻ này công bố chương trình mua cổ phiếu quỹ trị giá 20 tỷ USD. Trong một dấu hiệu khác cho thấy niềm tin thị trường tăng lên, trong đợt IPO, cổ phiếu OFast - vốn tăng 18% vào thứ Năm khi ra mắt trên sàn Nasdaq, đã tăng hơn 11% vào thứ Sáu.
Dầu tăng
Giá dầu tăng 2% sau 3 ngày giảm giá bởi một cơn bão hình thành tại Vịnh Mexico, nhưng có tuần giảm do các nhà đầu tư chuẩn bị cho sự trở lại của nguồn cung từ Iran sau khi các quan chức cho biết Iran và các cường quốc thế giới đạt được tiến bộ trong thỏa thuận hạt nhân.
Chốt phiên 21/5 dầu thô Brent tăng 1,33 USD hay 2% lên 66,44 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,64 USD hay 2,65% lên 63,54 USD/thùng. Cà hai hợp đồng này đã giảm khoảng 3% trong tuần này, sau khi Tổng thống Iran cho biết Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng và vận tải biển của họ,
Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết một hệ thống thời tiết hình thành ở phía tây Vịnh Mexico có 40% khả năng trở thành lốc xoáy trong 48 giờ tới.
Đà tăng giá dầu bị hạn chế bởi dự đoán Iran có thể bổ sung 1 triệu thùng dầu mỗi ngày hay hơn nữa vào cuối năm nay.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes các công ty năng lượng của Mỹ đã bổ sung số giàn khoan dầu và khí tự nhiên tuần thứ 4 liên tiếp khi giá dầu tăng thúc đẩy một số nhà khoan trở lại. Số giàn khoan tăng lên 455 giàn trong tuần tính tới ngày 21/5, cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Iran và các cường quốc thế giới đã đàm phán kể từ tháng 4 về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các nhà đầu tư vân lạc quan về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu trong mùa hè này do chương trình tiêm vaccine ở Mỹ và Châu Âu sẽ cho phép mọi người đi du lịch nhiều hơn, mặc dù số ca nhiễm đang tăng ở khắp Châu Á.
Ngân hàng JP Morgan dự báo giá dầu Brent kết thúc năm 2021 ở mức 74 USD/thùng.
Barclay dự kiến giá dầu Brent và WTI đạt trung bình lần lượt 66 USD/thùng và 62 USD/thùng trong năm nay. Họ giảm ước tính nhu cầu đối với các khu vực thị trường mới nổi Châu Á (không tính Trung Quốc) đánh dấu nguy cơ tiếp tục giảm nếu tình trạng ca nhiễm Covid gia tăng gần đây vẫn tiếp diễn.
Vàng giảm
Giá vàng giảm do USD phục hồi sau khi số liệu sản xuất của Mỹ mạnh mẽ, mặc dù vàng vẫn theo xu hướng tăng tuần thứ 3 liên tiếp.
Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.876,42 USD/ounce nhưng tính chung cả tuần giá tăng 1,9% bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.876,7 USD/ounce.
Số liệu cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ tăng tốc vào đầu tháng 5 trong bối cảnh nhu cầu trong nước mạnh.
USD tăng 0,3% so với các đối thủ, khiến vàng đắt hơn cho người giữ các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ở mức 1,62% giảm so với mức cao gần một tuần 1,69% trong ngày 19/5.
Giá cà phê Arabica tăng nhẹ trong khi Robusta giảm
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 20, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 12 USD, xuống 1.478 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm thêm 12 USD, còn 1.503 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch khá thấp dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 0,85 cent, xuống 150,1 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 0,85 cent, còn 152,1 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô nội địa tại Daklak đứng ở mức 33.800 đồng/kg.
Đồng Reais giảm mạnh 1,47%, tỷ giá xuống ở mức 1 USD = 5,3540 Reais do thị trường bên ngoài lạc quan trở lại sau phát biểu khẳng định chính sách tiền tệ của Fed vẫn phù hợp với sự phát triển kinh tế và sự gia tăng của lạm phát đã khiến USDX bật tăng trở lại.
Giá cà phê kỳ hạn sụt giảm trở lại khi đồng Reais giảm mạnh đã hỗ trợ Brazil bán phòng hộ hàng vụ mới và đầu cơ chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên khối lượng thương mại khá thấp trên cả hai sàn cho thấy các giới đầu cơ vẫn còn thận trọng với mức giá hiện hành.
Sản lượng Brazil năm nay sụt giảm do khô hạn từ đầu vụ và cây cà phê Arabica vào năm cho sản lượng thấp theo chu kỳ “hai năm một” là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, thị trường cũng rất quan tâm thời tiết vào giai đoạn cuối vụ. Mưa nhiều không chỉ giúp hạt cà phê chín mẩy, cho năng suất và chất lượng cao hơn mà còn ngăn cản sự hình thành sương giá mùa đông và góp phần hỗ trợ cây cà phê hồi phục sau thu hoạch.
Tại Brazil vùng cà phê Arabica bắt đầu chín lác đác nhưng vùng cà phê Robusta thường thu hoạch trước Arabica hiện nay đã thu hoạch được khoảng 20-30% và dường như Robusta của Brazil năm nay được thời tiết thuận lợi cho việc phơi sấy, hàng rất tốt và chất lượng rất cao.
Brazil vụ mùa 2021/2022 được dự báo sản lượng khoảng 56 triệu bao, giảm so với mức 60 - 65 triệu bao của vụ trước. Thêm vào đó năm nay cà phê Brazil rơi vào chu kỳ mất mùa, vì thế sản lượng cà phê Arabica và Robusta tại Brazil giảm, cộng với dịch bệnh Covid-19 làm cho nông dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Brazil hàng năm xuất khẩu 45 - 50 triệu bao tương đương khoảng 70% sản lượng của họ ngay khi tiêu thụ nội địa chỉ 30% và Brazil chủ yếu xuất khẩu cà phê hòa tan chiếm ưu thế trên toàn cầu.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy bộ phận đầu cơ phi thương mại đã nâng vị thế mua ròng thêm 2,34% trong tuần thương mại tính đến thứ Ba ngày 11/05 lên đăng ký mua ròng ở 34.663 lô, tương đương 9.826.807 bao. Vị thế mua ròng này nhiều khả năng đã giảm trở lại sau giai đoạn thương mại chủ yếu là tiêu cực kể từ sau đó.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã tăng vị thế mua ròng thêm 27,16% so với một tuần trước đó, lên đăng ký mua ròng ở 31.251 lô, tương đương với 5.208.500 bao. Vị thế mua ròng này có khả năng không thay đổi mấy sau giai đoạn thương mại chủ yếu là ổn định kể từ sau đó.
Tính đến thứ Hai ngày 17/05, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận đã tăng thêm 2.540 tấn, tức tăng 1,62 % so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 159.130 tấn (tương đương 2.652.167 bao, bao 60 kg).
Bộ Nông Nghiệp Mỹ báo cáo toàn cảnh vụ mùa Brazil:
Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến sản lượng Brazil vụ 2021/22 (từ tháng 07 đến tháng 06) 56,3 triệu bao giảm 19% so với vụ trước. Thời tiết bất thường tại vùng trồng cà phê Arabica và vào chu kỳ hai năm một lần làm dự kiến sản lượng giảm.
Xuất khẩu vụ mùa 2021/22 dự kiến mức 35,2 triệu bao, giảm 10 triệu bao so với vụ 2020/21 do sản lượng thấp hơn và lượng xuất khẩu đưa ra hạn chế hơn. Tiêu thụ tăng tại nhà và giảm tại các chuỗi cửa hàng cà phê, khách sạn, bar …do đại dịch.
Về sản lượng:
Văn phòng Bộ Nông Nghiệp Mỹ tại Sau Paulo dự kiến sản lượng Arabica vụ 2021/22 đạt 35 triệu bao, giảm 1/3 so với vụ mùa trước do một số nông dân đã chặt bỏ các vườn cây tại các nông trường cà phê sau khi thu hái vụ mùa 2020/21 vì thế diện tích giảm sau thu hái. Thêm vào đó thời tiết bất thường ảnh hưởng đến năng suất vụ 2021/22 khi khô hạn và nhiệt độ cao vào thời gian phát triển trái cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Sản lượng Robusta/Conilon dự kiến đạt 21,3 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao so với vụ mùa trước. Mưa thuận lợi hơn tại các vùng trồng Conilon, thêm vào đó việc cải thiện áp dụng tốt giống cây trồng mới đã giúp cho Robusta/Conilon có năng suất ổn định, bắt đầu thu hái từ cuối tháng 04.
Về diện tích trồng cà phê và năng suất:
Diện tích trồng cà phê tại Brazil ổn định từ vụ 2017/18 đến vụ 2021/22. Tổng diện tích vụ 2021/22 dự kiến tăng nhẹ đạt 2,48 triệu ha, tăng 2% so với vụ trước, dự kiến có tổng 7,51 tỷ cây trồng cà phê, tăng 4% so với vụ trước.
Về năng suất:
Năng suất tại Brazil dự kiến 28,01 triệu bao/ha, giảm 16% so với vụ 2020/21 do vào chu kỳ năm mất mùa tại các vùng trồng Arabica.
Về giá cà phê nội địa:
Giá cà phê Arabica tại Brazil ổn định vào những tháng đầu năm 2021 đạt trên 800 Real/bao vào đầu tháng 05 khi các dự kiến về nguồn cung thấp toàn cầu và vụ mùa đưa ra từ Brazil giảm khi nhu cầu tiêu thụ thế giới tăng hơn.
Tổng tiêu thụ cà phê toàn cầu - ICO dự kiến 166,34 triệu bao, tăng 2,14 triệu bao so với vụ trước. Tiêu thụ tại nhà tăng hơn.
Giá chênh giữa cà phê Arabica và Robusta giãn ra hơn từ cuối quý IV năm 2020 khi nhu cầu cà phê Arabica các loại nhiều hơn.
Về tỷ giá:
Tỷ giá Real Brazil biến động lớn từ năm 2015 với 2,66 Real/USD lên mức 5,3 Real/USD vào đầu tháng 05/2021.
Về tiêu thụ:
Tiêu thụ tại Brazil vụ 2021/22 dự kiến đạt mức 23,6 triệu bao trong đó 22,7 triệu bao cà phê rang xay và 950.000 bao cà phê hòa tan, tăng 1% so với vụ mùa trước.
Tiêu thụ bình quân đầu người Brazil (GDB) dự kiến mức 3,21%, giảm so với năm 2020 (4,1%) do đại dịch Covid-19.
Về xuất khẩu:
Xuất khẩu vụ 2020/21 Brazil dự kiến ở mức cao 45,03 triệu bao, tăng 4,77 triệu bao so với vụ trước và tăng 3,6% so với vụ 2018/19 khi Brazil đang cạnh tranh cao trên thương trường quốc tế về tỷ giá và giao thương xuất khẩu mạnh. Trong đó xuất khẩu cà phê nhân xô Arabica và Robusta là 41 triệu bao, còn lại là cà phê hòa tan chủ yếu qua Đức, Mỹ, Ý, Bỉ, và Nhật Bản.
Về tồn kho:
Tồn kho vụ 2021/22 Brazil dự kiến 1,51 triệu bao, giảm 2,5 triệu bao so với vụ trước do dự kiến nguồn cung thắt chặt. Kể từ tháng 04/2021 các công ty thuộc nhà nước Brazil đã không còn tồn kho.
Về chính sách:
Về chính sách cà phê Brazil - Coffee Policy Deliberative Council CDPC có tín hiệu phê duyệt các kế hoạch cho vụ mùa cũng như khảo sát địa lý và dự kiến cũng như sử dụng các quỹ với nhau. Họ đã phê duyệt vào cuối tháng 03 mức 5,95 tỷ Real cho quỹ hỗ trợ vụ mùa 2021/22 (Funcafe).
Ngân sách duyệt tăng 3% so với vụ mùa trước, quỹ này sẽ sử dụng nguồn tài chính này phân bổ cho nông dân, hỗ trợ họ khi thu hái, ổn định giá, không bán ồ ạt sau thu hái và một số vấn đề khác…
Brazil có phân bổ quỹ hỗ trợ giá tối thiểu cho các nông dân từ vụ 2017/18 với mức giá theo bảng dưới đây phòng khi giá cà phê thế giới sụt giảm sâu họ sẽ mua giá tối thiểu cho nông dân.
VICOFA tổng hợp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.