Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng kéo thị trường chứng khoán và giá dầu giảm. Chốt phiên giao dịch ngày 22/5, giá dầu, đồng, thép và cao su đồng loạt giảm, vàng bật tăng trở lại, giá quặng sắt có tuần tăng mạnh nhất hơn 8 tháng, cà phê 2 sàn vẫn tiếp tục diễn biến trái chiều với Robusta tăng và Arabica giảm.
Giá dầu giảm
Giá dầu giảm khoảng 2% do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và mối hoài nghi về nhu cầu nhiên liệu sẽ phục hồi từ khủng hoảng virus corona.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/5, dầu thô Brent giảm 93 US cent tương đương 2,6% xuống 35,13 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 67 US cent tương đương 2% xuống 33,25 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá dầu Brent và dầu thô Mỹ tăng 8% và 13% theo thứ tự lần lượt. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu giảm hơn 40%.
Nhu cầu nhiên liệu giảm trong nhiều tháng gần đây do đại dịch khiến các chính phủ áp đặt các hạn chế đối với việc di chuyển và doanh nghiệp đóng cửa. Tuy nhiên, giá dầu đã tăng mạnh trong những ngày gần đây do hoạt động bắt đầu hoạt động trở lại. Giá dầu giảm trở lại sau khi Trung Quốc – lần đầu tiên – không đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm. Bắc Kinh cũng cam kết chi tiêu chính phủ nhiều hơn do đại dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng làm dấy lên mối lo ngại nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại từ đại dịch virus corona.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,6% lên 1.735,08 USD/ounce, sau khi giảm 1,4% trong phiên trước đó và có tuần giảm và vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York tăng 0,8% lên 1.735,5 USD/ounce.
Đồng thời, giá palađi giảm 3,3% xuống 1.947,17 USD/ounce, song có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Giá quặng sắt có tuần tăng mạnh nhất hơn 8 tháng, thép giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 8 liên tiếp và có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 8 tháng, do nhu cầu nội địa tăng mạnh và nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép từ Brazil thắt chặt, đẩy giá quặng sắt giao ngay lên mức cao nhất 9 tháng.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,8% lên 716,5 CNY (100,53 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 9,2% - tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 9/2019.
Trong khi đó, giá quặng sắt trên sàn Singapore giảm 1,1% xuống 94,5 USD/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên 98,7 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 6/8/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Nhu cầu quặng sắt thị trường nội địa tăng và kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, thúc đẩy giá quặng sắt kỳ hạn và giao ngay tăng.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,1%, giá thép cuộn cán nóng giảm 1,2% và thép không gỉ giảm 2,2%.
Cà phê trên cả hai sàn tiếp tục diễn biến trái chiều với Robusta tăng và Arabica giảm:
Giá cà phê trên sàn London và New York tiếp tục diễn biến trái chiều với Robusta tăng và Arabica giảm. Cụ thể, đối với kỳ hạn tháng 7, Robusta tiếp tục tăng thêm18 USD/tấn (tương đương 1,51%) lên 1.207 USD/tấn, còn Arabica tiếp tục giảm thêm 1,15 cent/lb (tương đương 1,1%) xuống 103,60 cent/lb.
Sáng nay 25/5 giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng 300.000 đồng/tấn, cụ thể tại Đăk Lăk giá cà phê nhân xô trong khoảng 31,6 – 31,8 triệu đồng/tấn, Gia Lai, Đăk Nông 31,4 – 31,5 triệu đồng/tấn. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản: 1 USD = 23.220 VND.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa dự báo sản lượng của Colombia sẽ tăng lên 14,1 triệu bao trong niên vụ cà phê mới 2020/21. Theo đó, dự kiến Colombia sẽ xuất khẩu 13,5 triệu bao, tăng 4,5% so với xuất khẩu niên vụ cà phê 2019/20.
Lượng cà phê Arabica chế biến ướt được sàn New York cấp chứng nhận hôm 21/5 đăng ký ở mức 1.790.305 bao, giảm 288 bao so với hôm 20/5, với 90,8% tương đương 1.625.992 bao nằm tại Châu Âu và 9,2% còn lại tương đương 164.961 bao nằm tại Mỹ. Trong khi đó, lượng hàng chờ được cấp chứng nhận đã tăng thêm 1.210 bao còn ở mức 5.985 bao.
Từ 1/6 – 5/6/2020 Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) sẽ tổ chức Phiên họp đặc biệt lần thứ 126 của Hội đồng Cà phê Quốc tế (ICC) theo hình thức trực tuyến sử dụng phần mềm GoToWebinar. Phiên họp chi sử dụng tiếng Anh Thông tin cụ thể được cập nhật trên website internationalcoffeecouncil.com.
VICOFA tổng hợp
(Nguồn: ICO, Reuters, Agroinfo, scasa.co.za, tincaphe, giacaphe, tintaynguyen, cafeF)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.