Kết thúc phiên 28/6, chứng khoán Mỹ trái chiều khi Facebook không phải tham gia một phiên toà về chống độc quyền và cổ phiếu công nghệ thăng hoa. Dầu giảm 2%, vàng thay đổi nhẹ, các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng cao, trong đó có cà phê.
Chứng khoán Mỹ trái chiều
S&P 500 tăng 0,23% lên 4.290,61 điểm, chạm cao kỷ lục 3 phiên liên tiếp. Nasdaq tăng 0,98% lên mức cao nhất mọi thời đại là 14.500,51 điểm. Tuy nhiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 150,57 điểm xuống 34.283,27 điểm, do các cổ phiếu năng lượng và vận tải chịu áp lực.
Các cổ phiếu công nghệ giao dịch trong sắc xanh, với cổ phiếu của Apple và Salesforce tăng hơn 1%. Facebook đã tăng hơn 4% sau khi một tòa án liên bang Hoa Kỳ bác bỏ vụ kiện chống độc quyền chống lại công ty từ Ủy ban Thương mại Liên bang và đóng cửa với mức vốn hơn 1 nghìn tỷ USD. Cổ phiếu bán dẫn là một điểm sáng ở phiên này, với Nvidia tăng 5% và Broadcom tăng hơn 2%.
Hãng sản xuất máy bay Boeing tạo áp lực cho chỉ số Dow, khi cổ phiếu giảm hơn 3% sau khi các nhà quản lý cho biết công ty không có khả năng nhận được chứng nhận cho máy bay tầm xa cho đến giữa đến cuối năm 2023. Giám đốc điều hành Dave Calhoun đầu tháng này cho biết họ dự kiến có được chứng nhận vào quý 4 năm 2023.
Lợi suất trái phiếu kho bạc hầu hết các loại kỳ hạn đều giảm. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn khoảng 1,48%.
Tuần trước, Phố Wall đã ghi nhận mức tăng tốt nhất trong nhiều tháng khi nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng tình trạng lạm phát hiện tại không phải là mối đe dọa lâu dài với nền kinh tế mà chỉ là tạm thời. S&P 500 kết thúc tuần ở mức cao kỷ lục, trong khi Nasdaq tăng 2,35% trong 5 ngày.
Đà tăng diễn ra ngay cả sau khi Bộ Thương mại báo cáo rằng chỉ số lạm phát của cơ quan này đã tăng 3,4% trong tháng 5, mức tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1990.
Dầu giảm 2%
Giá dầu giảm 2% xuống mức thấp nhất một tuần sau khi đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2018, do số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại Châu Á và Châu Âu đã kìm hãm đà phục hồi trước cuộc họp của OPEC+ trong tuần này.
Dầu thô Brent giảm 1,5 USD hay 2,0% xuống 74,68 USD/thùng, trong khi WTI giảm 1,14 USD hay 1,5% xuống 72,91 USD/thùng.
Sự sụt giảm này đã đẩy cả hai hợp đồng ra khỏi vùng mua quá nhiều và đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/6. Trong phiên giao dịch này cả hai hợp đồng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Các nhà đầu tư lo ngại số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở Châu Á, thành phố Sydney đông dân nhất ở Australia phải đóng cửa sau khi một loạt các ca nhiễm liên quan đến chủng Delta.
Indonesia đang đối mặt với số ca nhiễm kỷ lục trong khi Malaysia tiếp tục phong tỏa toàn quốc. Thái Lan đã công bố những hạn chế mới ở Bangkok và các tỉnh khác.
Manh mối trong tuần này tập trung vào cuộc họp của OPEC+ diễn ra vào thứ năm (ngày 1/7). Trong tháng 5 đến tháng 7 nguồn cung dầu của OPEC+ vào thị trường đã bổ sung thêm 2,1 triệu thùng/ngày sau khi cắt giảm sản lượng trong đại dịch, và có thể quyết định bổ sung thêm trong tháng 8 sau khi giá dầu thô tăng trong tuần trước, tăng tuần thứ 5 liên tiếp do nhu cầu phục hồi.
Dự báo của OPEC chỉ ra nguồn cung dầu thiếu hụt trong tháng 8 và trong những tháng còn lại của năm 2021 do sự phục hồi kinh tế từ đại dịch, cho thấy OPEC+ có dư địa để nâng sản lượng.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ Australia và ngân hàng ING Hà Lan cho biết họ dự kiến OPEC+ nâng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Tại Nga, sản lượng dầu đã sụt giảm từ đầu tháng 6 tới nay so với mức trung bình trong tháng 5 bất chấp giá dầu tăng và OPEC+ nâng sản lượng. Trong khi đó Iran và Mỹ dự kiến nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp để khôi phục hiệp ước năm 2015 về hoạt động hạt nhân của Tehran.
Thỏa thuận có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và có thêm dầu thô Iran trên thị trường. Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng sau các cuộc không kích của Mỹ trong ngày 27/6 nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Cả Iraq và Syria đều lên án các cuộc không kích đơn phương của Mỹ là vi phạm chủ quyền của họ.
Vàng biến động nhẹ
Giá vàng thay đổi nhẹ khi các nhà đầu tư mắc kẹt giữa lo ngại về sự gia tăng đột biến của chủng Delta có khả năng lây lan cao và dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ sớm tăng lãi suất. Vàng được xem như khoản đầu tư an toàn trong thời điểm không chắc chắn, có xu hướng không được các nhà đầu tư ưa chuộng khi lãi suất tăng.
Vàng giao ngay ổn định tại 1.779,7 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 0,2% lên 1.780,7 USD/ounce.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cao kỷ lục đang hạn chế đà tăng của vàng.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ phát hành vào thứ sáu. Nếu báo cáo là tích cực có thể kìm hãm dòng tiền đổ vào mặt hàng này.
Giá cà phê hai sàn tăng vọt
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 32 USD, lên 1.711 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 30 USD, lên 1.723 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 4,90 cent, lên 162,70 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 4,80 cent, lên 165,45 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô nội địa tại Đaklak tiếp tục tăng lên 36.500– 36.600 đồng/kg.
Đồng Real tăng nhẹ 0,16 %, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 4,9280 Real do sự thận trọng và điều chỉnh vị thế của nhà đầu tư trước việc Brazil cải cách thuế tuy còn đang thảo luận. Trong khi các công ty trong lĩnh vực năng lượng và vận tải tiếp tục gây sức ép lên thị trường chứng khoán Mỹ.
Giá cà phê tăng vọt khi thị trường nhận được báo cáo thời tiết trong 7 ngày tới của hãng Dự báo Thời tiết Somar. Trong nửa cuối tuần này sẽ có một khối khí lạnh đi vào miền Nam Brazil và sẽ gây ra sương giá với nhiều cấp độ khác nhau trên các vùng cà phê phía bắc và tây bắc của bang Paraná kể từ thứ Tư.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn còn tỏ ra thận trọng trước tin dự báo thời tiết sương giá nên khối lượng thương mại trên cả hai sàn cà phê phái sinh chưa cao.
Cà phê Arabica có dấu hiệu tăng đồng pha cùng Robusta, giá cà phê Robusta đạt mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua khi hợp đồng đẩy tăng mạnh trên cả hai sàn. Giá hợp đồng tháng gần cao hơn hợp đồng tháng xa 20 USD, chứng tỏ trong ngắn hạn hàng tháng gần đang bắt đầu thiếu hụt. Nếu giá cà phê tăng cao, người giao dịch sẽ không mua cộng thưởng cho nước sản xuất nhiều mà chủ yếu đưa hàng về sàn để kiếm lãi.
Hiện tượng vắt giá - giao dịch tháng gần cao hơn tháng xa tiếp tục diễn ra. Trong điều kiện bình thường, giá tháng xa cao hơn để người giữ hàng dài ngày trang trải các chi phí như lãi suất vay ngân hàng, lưu kho, hao hụt tự nhiên cho cà phê giao xa. Một khi “vắt giá”, nguyên nhân do tình trạng thiếu hàng cục bộ cho tháng giao hàng theo kỳ hạn gần nhất. Cụ thể trong đợt này là giá cước tàu tăng cực cao, các khâu trong chuỗi cung ứng tắc nghẽn lâu dài, hàng từ các nước như Việt Nam và Indonesia không đi được mà hệ lụy là cà phê tồn kho đạt chuẩn giảm “bền vững” trên sàn có hiện tượng vắt giá là Robusta London.
Bên cạnh đó, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi là ngày khóa sổ vị thế kinh doanh trên cả 2 sàn. Giá cà phê Arabica được hỗ trợ chủ yếu nhờ vào việc sản lượng thu hoạch ở Brazil thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên phiên tăng giá mạnh vào cuối tuần vừa qua và hiện tại thì lại được dẫn dắt bởi giá cà phê Robusta. Giá cà phê Robusta bất ngờ tăng mạnh vào hai phiên cuối cùng của tuần và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2018. Điều này được lý giải bởi hợp đồng cà phê Robusta tháng 7 bất ngờ vọt tăng lên mức 1.745 USD và đóng cửa ở mức 1.699 USD, kéo theo việc hợp đồng các tháng sau đó được hưởng lợi.
Thông thường, giá hợp đồng kỳ hạn sau phải cao hơn giá hợp đồng đáo hạn trước đó, tuy nhiên, giá hợp đồng tháng 7 của cà phê Robusta lại cao hơn do gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình giao hàng. Tình trạng thiếu hụt container cùng với cước tàu biển tăng chóng mặt khiến cho hàng ở Việt Nam và Indonesia vẫn ở trong tình trạng kẹt cứng chưa thể rời đi.
Dự kiến chí phí vận chuyển sẽ tiếp tục tăng do chịu ảnh hưởng bởi đà năng của thị trường năng lượng trong thời gian gần đây, đặc biệt là dầu thô. Do đó, giá cà phê có thể tiếp tục được hưởng lợi trong thời gian sắp tới.
Từ góc nhìn kỹ thuật, theo các chuyên gia phân tích của Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá cà phê Arabica vẫn chật vật để vượt qua mức 160,00 cent. Trong ngắn hạn, hiệu ứng tích cực từ lực mua mạnh của cà phê Robusta có thể dẫn dắt giá Arabica kiểm tra lại mức này. Thêm vào đó, giá bật tăng trở lại khi giảm về vùng hỗ trợ Fibonacci 61,8, là dấu hiệu của việc phe bán vẫn chưa thể chiếm ưu thế.
Đây có thể là dấu hiệu tích cực cho việc giá cà phê Arabica khôi phục lại xu thế cấp 1 và kiểm tra lại các vùng cản 162,50 cent và 165,00 cent/lb. Đối với giá cà phê Robusta, trong hôm nay, lực mua mạnh do các vấn để về vận chuyển vẫn chưa được giải quyết sẽ đưa giá cà phê Robusta lên kiểm tra mức 1.685 USD, tương ứng với mức Fibonacci mở rộng 1,0, là một vùng cản kỹ thuật do lực chốt lời, nhưng khả năng cao giá sẽ vượt qua vùng này để kiểm tra mức cản tâm lý 1.700 USD.
Nếu giá đóng cửa trên 1.700 USD, đà tăng của cà phê Robusta có khả năng được phục hồi và mục tiêu chốt lời tiếp theo của các nhà đầu tư có thể ở vùng 1.814 USD/tấn.
VICOFA tổng hợp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.