Chốt phiên 30/12, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm. Giá dầu, vàng, nhôm… đồng loạt tăng, khí tự nhiên thấp nhất 6 tháng. Cà phê hai sàn trái chiều.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm
Dow Jones giảm 90,55 điểm, tương đương 0,25%, xuống 36.398,08 điểm.
S&P 500 giảm 14,33 điểm, tương đương 0,3%, xuống 4.778,73 điểm.
Nasdaq giảm 24,65 điểm, tương đương 0,16%, xuống 15.741,56 điểm.
4 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh, dẫn đầu là bất động sản.
Phố Wall chỉ còn một phiên giao dịch nữa và S&P 500 đang trên đà kết thúc năm 2021 với mức tăng hơn 27%, Dow Jones tăng gần 20%, Nasdaq tăng khoảng 23%. Cả ba chỉ số đều sắp có chuỗi 3 năm tăng mạnh nhất kể từ giai đoạn 1997 - 1999.
Nhà đầu tư hoan nghênh thông tin số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 24/12 là 198.000, thấp hơn so với mức 206.000 của tuần trước đó và trái với dự báo tăng lên 208.000 từ Reuters.
Phố Wall gần đây tăng phần nào nhờ khối lượng giao dịch thấp trong giai đoạn nghỉ lễ. Nhà đầu tư được khích lệ bởi ngày càng có bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với Delta.
Ngày 29/12, cố vấn hàng đầu Mỹ về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci nói số ca nhiễm do biến chủng Omicron gây ra có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 1.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Chicago tháng 12 là 63,1 điểm, tăng 1,3 điểm so với tháng trước và tăng 1,1 điểm so với dự báo.
“Số liệu sản xuất tốt của Chicago, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục cho thấy nền kinh tế ổn định, xoa dịu lo ngại liên quan biến chủng Omicron”, theo Ryan Detrick, giám đốc chiến lược thị trường tại LPL Financial, Charlotte, bang North Carolina.
Detrick lưu ý khối lượng giao dịch thấp trong giai đoạn nghỉ lễ có thể khiến giá biến động mạnh.
Phố Wall thường khởi sắc trong 5 ngày giao dịch cuối năm và 2 ngày giao dịch đầu năm kế tiếp, còn được biết đến là đợt tăng Santa Claus.
Thị trường năm 2022 sẽ tập trung vào lộ trình tăng lãi suất của Fed trong bối cảnh lạm phát tăng vì các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng và kinh tế phục hồi và cuộc bầu cử giữa kỳ tại quốc hội Mỹ.
“Những năm bầu cử giữa kỳ thường có biến động mạnh nhất nhiệm kỳ tổng thống 4 năm, với một đợt điều chỉnh có thể sâu đến 17%”, Detrick bổ sung. “Nhà đầu tư khá dễ kiếm tiền năm nay nên hãy thận trọng trước năm mới”.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 30/12 là 8,08 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với trung bình 10,83 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Giá dầu tiếp đà tăng
Giá dầu tăng nhẹ, do kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu tăng bất chấp các trường hợp nhiễm biến thể Omicron gia tăng, trong khi OPEC và các đồng minh sẽ chỉ tiếp tục tăng nhập khẩu theo từng bước.
Chốt phiên giao dịch ngày 30/12, dầu thô Brent tăng 9 US cent tương đương 0,11% lên 79,32 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 43 US cent tương đương 0,56% lên 76,9 USD/thùng, tăng phiên thứ 7 liên tiếp. Như vậy, trong năm 2021 giá dầu toàn cầu đã tăng khoảng 50-60%, do nhu cầu nhiên liệu tăng trở lại gần mức trước đại dịch và OPEC+ cắt giảm sâu sản lượng, đã xóa bỏ tình trạng dư cung.
Giá dầu tăng nhẹ khi nước nhập khẩu hàng đầu thế giới – Trung Quốc – cắt giảm nhập khẩu dầu thô đợt đầu tiên phân bổ cho năm 2022. Nước này đã giảm 11% hạn ngạch nhập khẩu đợt đầu tiên của năm 2022 đối với hầu hết các nhà máy lọc dầu độc lập.
Ngoài ra, giá dầu tăng khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần tính đến ngày 24/12/2021 giảm 3,6 triệu thùng - nhiều hơn so với dự kiến của các nhà phân tích. Đồng thời, tồn trữ xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm, do nhu cầu vẫn mạnh bất chấp các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng kỷ lục.
Giá khí tự nhiên thấp nhất 6 tháng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 7% xuống mức thấp nhất 6 tháng, sau khi giá khí đốt tại châu Âu giảm do sản lượng tiếp tục tăng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn New York giảm 28,9 US cent tương đương 7,5% xuống 3,561 USD/mmBtu – thấp nhất kể từ ngày 25/6/2021.
Giá khí tự nhiên giảm bất chấp tồn trữ trong tuần trước thấp hơn nhiều so với dự kiến, dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới tăng.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm từ mức cao nhất 1 tháng, làm lu mờ áp lực đồng USD tăng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,5% lên 1.813,16 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn New York tăng 0,5% lên 1.814,1 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng giảm 5% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, do các nền kinh tế hồi phục từ tác động của đại dịch, làm giảm nhu cầu vàng là tài sản trú ẩn an toàn.
Cà phê hai sàn trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 9 USD, lên 2.373 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 8 USD, lên 2.312 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 0,05 cent, xuống 228,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 0,15 cent, còn 228,80 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại Đaklak sáng nay tăng 100 đồng/kg lên mức 41.900 – 42.000 đồng/kg.
Đồng Reais tăng 0,16 %, tỷ giá lên ở mức 1 USD = 5,6480 Reais sau lo ngại biến thể Omicron đã làm số liệu những ca nhập viện và tử vong tăng mạnh trên khắp thế giới.
Giá cà phê Robusta tiếp nối đà tăng với khối lượng thương mại duy trì ở mức rất thấp, trong khi báo cáo tồn kho tại sàn London tiếp tục sụt giảm với nhu cầu của ngành công nghiệp gia tăng trước Giáng Sinh và Tết Năm Mới.
Trái lại, giá cà phê Arabica điều chỉnh giảm có tính kỹ thuật, trong khi thị trường New York vẫn còn tâm lý e ngại nguồn cung khan hiếm và những vấn đề về logistics chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.
Theo Ecom Trading, dự báo trong niên vụ cà phê 2021/2022 toàn cầu có thể thiếu hụt 12,8 triệu bao do tổng sản lượng chỉ ở mức 158 triệu bao, giảm 9,4% so với niên vụ cà phê trước đó.
Chuyên gia tư vấn Gil Barabach của Safras & Mercado ở Brazil khẳng định yếu tố quyết định thị trường năm 2022 là quy mô vụ mùa sắp tới của Brazil với ước tính chung là sẽ giảm khoảng 10 – 12 triệu bao so với vụ mùa kỷ lục 2020/21 thu hoạch được 50 triệu bao Arabica.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo về trung hạn, giá cà phê sẽ được hỗ trợ từ các báo cáo sản lượng giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả cà phê Arabica. Trong ngắn hạn, giá cà phê toàn cầu sẽ ổn định do các nước phương Tây bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Giá cà phê bắt đầu phục hồi trở lại và tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2021. Nguyên nhân do thiếu hụt nguồn cung từ Brazil, Việt Nam, Colombia. Tồn kho trên hai sàn New York và London liên tục giảm mạnh, thiếu container, giá cước vận tải tăng chóng mặt… Tình hình này vẫn đang trực tiếp ảnh hưởng lên thị trường cà phê toàn cầu.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê ở Brazil (Cecafé), năm 2022 được cho là một năm khó khăn đối với người trồng cà phê tại Brazil, nước sản xuất lớn nhất thế giới, khi hạn hán và sau đó là sương giá đã làm hư hại đến 20% số cây cà phê, có nguy cơ làm giảm sản lượng trong tương lai.
Theo báo cáo của Cecafé, tháng 11/2021, xuất khẩu cà phê của nước này đạt 2,6 triệu bao cà phê hạt, giảm 48,7% so với tháng 11/2020; trong đó gồm 2,4 triệu bao cà phê Arabica và 186,1 nghìn bao cà phê Robusta, giảm lần lượt 41,5% và 44,4%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng giá cà phê Robusta đã chậm lại, trong khi giá cà phê Arabica điều chỉnh giảm sau báo cáo sản lượng vụ mùa năm 2021 của Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản (Conab) thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil. Mặc dù Conab báo cáo điều chỉnh tăng không nhiều nhưng điều này chứng tỏ thiệt hại vì khô hạn kéo dài từ đầu năm nay và đợt sương giá đầu tháng 7/2021 không quá nặng nề như đánh giá trước đó.
Trong khi đó sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 có khả năng giảm do nhiều cây trồng già cỗi không được tái canh kịp thời vì mức giá thấp kéo dài, trong khi một số diện tích đáng kể được nhà nông chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
Còn theo báo cáo của Liên đoàn Cà phê Quốc gia Colombia (Fedecafe), sản lượng cà phê Robusta năm nay của nước này có khả năng giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi và người trồng chưa muốn bán ra với kỳ vọng giá sẽ tăng thêm.
Giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua, giá cà phê trong nước có thời điểm lên mức cao nhất là 43.000 đồng/kg. Cả vụ 2020/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,8 tỷ USD. Đặc biệt, cà phê rang xay và hoà tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần. EU là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là Đông Nam Á với 13%. Tại thị trường Trung Quốc, cà phê Việt Nam đã chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc bao gồm cả cà phê nhân, rang xay, hoà tan, uống liền…
Thông tin từ Đại hội tổng kết công tác nhiệm kỳ IX (2017-2020) và bàn phương hướng nhiệm kỳ X (2021-2024) của VICOFA, trong những năm tới, ngành cà phê Việt Nam phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Thứ hai là tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm ''Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng''.
VICOFA tổng hợp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.