Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 29/3 đã đồng thuận thông qua nghị quyết đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan pháp lý quốc tế cao nhất của Liên Hợp Quốc, đưa ra ý kiến về nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong chống biến đổi khí hậu.
Nghị quyết vừa được Đại hội đồng thông qua do Vanuatu và các nước nhóm đảo Thái Bình Dương khởi xướng, được 120 quốc gia bảo trợ. Nghị quyết này đề nghị ICJ "làm rõ nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm bảo vệ hệ thống khí hậu".
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đề nghị ICJ làm rõ "các hệ quả pháp lý" nếu quốc gia thành viên "gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thống khí hậu và các bộ phận khác của môi trường".
Các quốc gia hiện không có nghĩa vụ pháp lý trong giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các nước bảo trợ nghị quyết hy vọng ICJ sẽ chỉ ra những nghĩa vụ pháp lý có thể tồn tại trong các văn kiện quốc tế khác như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) hay Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền.
Ý kiến của ICJ không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng về pháp lý và chính trị, do đó thường được tòa án các quốc gia xem xét.
"Chúng ta đang cùng nhau tạo nên lịch sử", Tổng thư ký Antonio Guterres nói.
Ông Guterres nhấn mạnh dù ý kiến tư vấn của ICJ không mang tính ràng buộc pháp lý, ICJ vẫn sẽ hỗ trợ Đại hội đồng cũng như các nước thành viên đưa ra những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://zingnews.vn/dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-thong-qua-nghi-quyet-lich-su-ve-khi-hau-post1416717.html?utm_campaign=zingwap&utm_medium=zalomsg&utm_source=zalo