Diễn biến tích cực của thị trường đã đẩy giá cà phê trên cả hai sàn phái sinh tăng mạnh mẽ. Có thể dễ dàng nhận thấy áp lực bán hàng vụ mới từ các nhà sản xuất lớn tiếp tục đè nặng lên thị trường robusta tại London, tuy nhiên sự kháng giá của người trồng cà phê khắp nơi cũng không hề thua kém chút nào.
Đứng trước những thông tin bất lợi về nguồn cung ứng dồi dào từ Brazil trong nửa cuối năm, sàn New York may mắn có sự hỗ trợ từ tỷ giá đồng Real mạnh lên.
Ngoài ra, sự tiến bộ trong hòa đàm Nga-Ukraina đã cổ vũ thị trường, giúp giá vàng và dầu thô tiếp tục dịu bớt. Dòng vốn đầu cơ dịch chuyển về chứng khoán và các sàn hàng hóa thay cho các tài sản an toàn. Các quỹ đầu cơ đã quay lại sàn New York để tăng mua nhờ tính khoản cao của sàn này, bất chấp dự báo mới nhất của Rabobank cho rằng, sản lượng arabica của Brazil năm nay tăng tới 31,8% do là năm được mùa theo chu kỳ “hai năm một”.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/3, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 27 USD (1,27%), giao dịch tại 2.152 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 25 USD (1,18%) giao dịch tại 2.140 USD/tấn. Khối lượng giao dịch vẫn thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục tăng, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 6,15 Cent (2,85%), giao dịch tại 221,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 6,1 Cent (2,83%), giao dịch tại 221,9 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng trên trung bình.
Tính đến ngày 24/3, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 97.550 tấn (từ 96.860 tấn), arabica New York lên 68.404 tấn (từ 64.338 tấn). Như vậy, tồn kho đạt chuẩn hai sàn phục hồi khá nhanh sau khi lượng hàng arabica trong kho giảm xuống mức thấp nhất tính từ 22 năm và robusta tính từ 3 năm 3 tháng cách nay vài tuần.
Giá cà phê trong nước có vẻ đang cố gắng kháng cự để giữ mức cao. Thật ra, đấy cũng là điều hợp lý vì nền giá hàng hóa thương phẩm đều tăng trên sàn thuộc các nhóm hàng năng lượng, kim loại và nhất là nông sản (ngũ cốc).
Cước tàu biển thời gian trước mắt và đường dài (trong vòng vài ba năm nữa) chưa chắc đã giảm dù khủng hoảng logistics có được giải quyết xong hay không.
Nhiều hãng kinh doanh tàu biển cho biết đã trả tiền thuê tàu cao không chỉ riêng cho thời gian còn lại trong năm nay mà còn đến 2025! Nói vậy, giá cước tàu rất có thể còn được cấy vào giá hàng hóa thương phẩm.
Vấn đề là làm sao giữ được giá nguyên liệu tại các nước sản xuất để bảo đảm sinh kế của nhà nông. Đấy không chỉ là công việc của nhà nông mà còn phụ thuộc vào cách tổ chức thị trường, nên rất cần sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành nghề.
Trước mắt, thị trường cà phê robusta chuẩn bị tiếp nhận những đợt cung ứng lớn từ hai nước Brazil và Indonesia, xếp vị trí thứ hai và ba sau Việt Nam.
Cho nên, dù nền giá hàng hóa tăng, rủi ro giá mặt hàng cà phê robusta vẫn có đường xuống. Tuy vậy, cũng đừng nên lo lắng quá nhiều để đua nhau bán tháo, tạo sức ép lên sàn robusta, gây hiệu ứng dây chuyền lên giá cà phê trong nước.
Dự kiến, giá cà phê robusta trong nước vẫn có khả năng đứng vững trên 42 triệu cho đến 43 triệu/tấn, thậm chí có lúc vượt mức cao này nếu có tin ảnh hưởng đến cán cân cung-cầu./.
Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.