Giá cà phê Robusta tăng vọt do lo ngại nguồn cung châu Á sụt giảm. Indonesia báo cáo xuất khẩu tháng 1 giảm tới 79,73% so với cùng kỳ, đưa xuất khẩu 10 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại (từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024) chỉ đạt tổng cộng 1.935.960 bao, giảm 2.687.457 bao, tức giảm 60,72% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Tại Việt Nam, tình trạng nắng nóng kéo dài tại các vùng trồng cà phê trọng điểm đang khiến thị trường thế giới lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới.
Các nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc thu mua cà phê tại Việt Nam, một số nông dân chờ giá tăng trong khi các chuyến hàng tới châu Âu bị trì hoãn bởi xung đột ở Biển Đỏ góp phần hạn chế nguồn cung.
Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 2 chỉ đạt 160 ngàn tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ, do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn kéo dài. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính sản lượng niên vụ hiện tại 2023/2024 giảm thêm 10% so với vụ trước.
Trong khi giá cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam hiện rất khó mua, thương mại phải đẩy giá lên rất cao, cộng 220 – 280 USD/tấn so với giá kỳ hạn mới mua được hàng.
Nhiều nông dân tại các vùng trồng cà phê tỏ ra tiếc nuối khi đã bán sớm và không ngờ giá cà phê lại tăng mạnh đến vậy. Anh Hùng (Buôn Mê Thuật, Đăk Lăk) cho biết hiện nay giá cà phê cao nên những hộ nông dân còn cà phê sẽ không bán nếu không cần tiền vì hi vọng giá còn tiếp tục tăng.
Báo Vnexpress dẫn lời ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), đánh giá mức giá cà phê giao dịch trong tuần qua là "chưa từng thấy". Theo ông, lý do là nguồn cung trên thị trường giảm. Tại Việt Nam, ông Nam cho rằng nguồn cung trong dân còn trên 30%, tuy nhiên, nhiều cơ sở găm hàng khiến giá tăng nhanh.