Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công thương đã hoàn chỉnh bộ sách "Quy định nhập khẩu hàng hóa của thị trường EU" do Nhà Xuất bản Công thương ấn hành năm 2021.
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc - Tổng Biên tập: Nguyễn Minh Huệ
Biên tập viên NXB: Đồng Thị Thu Thủy
Đồng chủ biên: Tạ Hoàng Linh
Nguyễn Thảo Hiền
A. THÔNG TIN VỀ THỊ TRƯỜNG LIÊN MINH CHÂU ÂU
I. Khái quát về thị trường EU
1. Vài nét về EU
Liên minh châu Âu (tiếng Anh: European Union – EU), là một Liên minh kinh tế chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên châu Âu (sau khi Vương quốc Anh chính thức rời EU vào ngày 31/01/2020) có nguồn gốc từ Cộng đồng châu Âu được thành lập trên cơ sở Hiệp ước Maastricht ký ngày 1 tháng 11 năm 1993. Với khoảng 450 triệu dân, EU là nền kinh tế lớn thứ hai về danh nghĩa, sau Hoa Kỳ và thứ ba về sức mua tương đương (PPP), sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thể chế của EU được đánh giá là hình thức hội nhập kinh tế cao nhất thế giới hiện nay. Vượt trên cấp độ một liên minh thuế quan (hàng hóa, các yếu tố sản xuất tự do di chuyển trong nội khối, thống nhất về một biểu thuế quan và chính sách thương mại chung áp dụng cho các nước ngoài khu vực), các thành viên còn hợp tác và phối hợp hài hòa các chính sách công nghiệp và xã hội, chính sách tiền tệ và sử dụng một đồng tiền chung: đồng Euro. Đồng tiền chung này được sử dụng tại 19 quốc gia thành viên và tạo nên khu vực đồng Euro (eurozone). EU đã phát triển thị trường chung thông qua hệ thống luật pháp tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các nước thành viên nhằm đảm bảo sự lưu thông tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn. EU duy trì các chính sách chung về thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp và phát triển địa phương.
EU đã phát triển vai trò nhất định trong chính sách đối ngoại, có đại diện trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), G7, G20 và Liên Hiệp Quốc. EU đã thông qua việc bãi bỏ kiểm tra hộ chiếu bằng Hiệp ước Schengen giữa 22 quốc gia thành viên và 4 quốc gia không phải là thành viên của EU (Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein).
Về cơ cấu tổ chức, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu:
- Hội đồng châu Âu (European Council) là cơ quan chính trị cao nhất của EU. Hội đồng đưa ra định hướng và ưu tiên chính trị cho cả khối, cùng với Nghị viện châu Âu thông qua các đạo luật của EU và ngân sách chung của Liên minh. Các quyết định của Hội đồng châu Âu chủ yếu được thông qua theo hình thức đồng thuận.
- Hội đồng Bộ trưởng (Council of Ministers) hay còn gọi là Hội đồng Liên minh châu Âu (Council of the European Union) là cơ quan đưa ra định hướng chính sách trong các lĩnh vực cụ thể và khuyến nghị EC xây dựng các đạo luật chung.
- Nghị viện châu Âu (European Parliament – EP) có chức năng chính là cùng Hội đồng Bộ trưởng ban hành luật pháp; giám sát các cơ quan của Liên minh châu Âu, đặc biệt là Ủy ban châu Âu. Nghị viện có quyền thông qua hoặc bãi miễn các chức vụ ủy viên Ủy ban châu Âu; cùng Hội đồng Bộ trưởng có thẩm quyền đối với ngân sách, đối với việc chi tiêu của Liên minh.
- Ủy ban châu Âu (European Commission – EC) là cơ quan hành pháp của khối. EC hoạt động độc lập, có chức năng xây dựng, kiến nghị các đạo luật của EU, thực thi, áp dụng và giám sát việc triển khai các hiệp ước và điều luật của EU, sử dụng ngân sách chung để thực hiện các chính sách chung của cả khối theo quy định.
2. Kinh tế của EU
EU đặt ra mục tiêu trọng tâm là thiết lập một thị trường kinh tế duy nhất ở châu Âu bao gồm lãnh thổ của tất cả các quốc gia thành viên. Hiện tại, hệ thống tiền tệ chung đang được sử dụng ở 19 nước thuộc Liên minh châu Âu, với tên gọi khu vực đồng euro (eurozone). Đồng Euro là đồng tiền được dự trữ lớn thứ hai và là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới sau đồng đô la Mỹ.
Hai trong số những mục tiêu cơ bản của Cộng đồng Kinh tế châu Âu là việc phát triển của một thị trường chung (common market), hay được biết đến với tên gọi thị trường duy nhất (single market), và một liên minh hải quan giữa các quốc gia thành viên. Thị trường duy nhất của EU liên quan mật thiết đến bốn vấn đề tự do bao gồm tự do lưu thông hàng hóa, vốn, con người và dịch vụ trong phạm vi của Liên minh châu Âu. Liên minh hải quan là việc áp dụng một hệ thống thuế khóa chung cho tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu vào thị trường duy nhất này. Một khi hàng hóa đã được nhập khẩu vào thị trường duy nhất, hàng hóa đó sẽ không phải chịu thuế hải quan, các loại thuế về hạn chế nhập khẩu (quota) mang tính chất phân biệt đối xử khi lưu thông trong phạm vi EU.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU đạt trung bình khoảng 15 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2015 -2020 (theo số liệu từ IMF), với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ 1,6% đến 2,8% giai đoạn 2015-2019. Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế của EU bị ảnh hưởng nặng nề, tăng trưởng GDP giảm 6,1%.
Các lĩnh vực kinh tế chính của EU bao gồm:
Dịch vụ vẫn là ngành đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế và việc làm của EU, chiếm khoảng 73,1% GDP của EU vào năm 2020 (theo số liệu của Eurostat). Ba ngành dịch vụ chính là vận tải (17,5%), du lịch (15,4%) và các dịch vụ kinh doanh khác (25,6%). Ngành dịch vụ đóng vai trò đặc biệt lớn trong GDP của một số quốc gia tại EU. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020, tổng giá trị gia tăng mà ngành Dịch vụ mang lại cho Luxembourg đạt 80% GDP của đất nước đó, 76% tại Malta, 74% tại Síp và 70% tại Pháp và Hy Lạp.
Nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1,5% GDP của EU. Theo số liệu thống kê của Eurostat, năm 2020, ngành này chỉ đóng góp 1,3% GDP của EU-27, tương đương với 171,9 tỷ euro. Sản xuất nông nghiệp của EU chủ yếu là các sản phẩm chăn nuôi (bao gồm cả sữa), ngũ cốc, rau, rượu, trái cây và đường. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm ngũ cốc (lúa mì và lúa mạch), các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm, thịt lợn, trái cây, rau, dầu ô liu và rượu vang. Hầu hết nông sản nhập khẩu là những sản phẩm không phù hợp với khí hậu của EU, bao gồm đậu nành và các sản phẩm từ đậu tương, bông, thuốc lá, các sản phẩm nhiệt đới, trái cây và rau trái vụ, cà phê, ca cao, chè và gia vị.
Du lịch là một hoạt động kinh tế chính của EU, có tác động rộng rãi đến tăng trưởng kinh tế, việc làm và phát triển xã hội. Ngành du lịch đóng góp khoảng 10% GDP của EU và tạo việc làm cho khoảng 26-27 triệu lao động, chủ yếu là lao động trẻ, phụ nữ và người dân di cư. Du lịch được coi là một công cụ mạnh mẽ trong việc chống lại với những suy giảm kinh tế và việc làm.
Công nghiệp là xương sống của nền kinh tế châu Âu, chiếm khoảng trên 20% GDP của EU và tạo ra 35 triệu việc làm, chiếm 80% xuất khẩu hàng hóa và là nhân tố chính giúp EU trở thành nhà cung cấp toàn cầu hàng đầu và điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Vào ngày 10 tháng 3 năm 2020, Ủy ban châu Âu đã trình bày Chiến lược Công nghiệp mới cho châu Âu, trong đó đề ra tầm nhìn công nghiệp của EU vào năm 2030 và xa hơn nữa. Các mục tiêu chính là chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, cũng như quyền tự chủ chiến lược của EU trong một số lĩnh vực chiến lược. Trong quá trình chuyển đổi xanh, EU muốn trở thành người dẫn đầu thế giới bằng cách tạo ra lục địa trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2050 thông qua các công nghệ sạch và dẫn đầu thị trường về các tiêu chuẩn toàn cầu.
3. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của EU
Các nhà hoạch định chính sách của EU coi việc thúc đẩy thương mại quốc tế là động lực chính góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Eurostat, tốc độ tăng trưởng thương mại của EU với các nước khác trung bình hàng năm là 2,3% với kim ngạch xuất khẩu tăng 3% và nhập khẩu tăng 1,5%.
Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của EU từ các nước châu Á chiếm 44%, từ các nước châu Âu khác chiếm 31% và 13% từ Bắc Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu của EU sang châu Á chiếm 30%, các nước châu Âu khác chiếm 37%, và Bắc Mỹ chiếm 20%. EU thâm hụt đáng kể trong kim ngạch thương mại hai chiều với các nước châu Á (-188 tỷ euro), trong khi có thặng dư lớn với các nước châu Âu khác (+177 tỷ euro) và Bắc Mỹ (+164 tỷ euro).
3.1. Hoạt động xuất khẩu
Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn của EU về xuất khẩu. Trong giai đoạn 2010 – 2020, thị phần xuất khẩu hàng hóa của EU sang Hoa Kỳ tăng từ 14,1% lên 18,3%, tăng 4,2 điểm phần trăm (p.p). Tiếp đến là Trung Quốc tăng 3,2 p.p. Xuất khẩu sang Thụy Sỹ trong thời kỳ này tương đối ổn định, chỉ tăng nửa điểm phần trăm.
ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Eurostat, năm 2020, trao đổi thương mại hàng hóa giữa EU và các nước ASEAN đạt hơn 189,47 tỷ euro. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của EU sang ASEAN đạt trên 69,2 tỷ euro, chiếm 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU. Các sản phẩm xuất khẩu chính của EU sang ASEAN là hóa chất, máy móc, thiết bị vận tải.
Năm 2020, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của EU, chiếm 18,3% thị phần xuất khẩu, tiếp đến là Anh (14%), Trung Quốc (10%).
Mặt hàng xuất khẩu chính của EU là máy móc, dược phẩm và các hóa chất khác, nhiên liệu, máy bay, nhựa, sắt thép, bột gỗ và sản phẩm giấy, đồ uống có cồn, đồ nội thất… Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của EU không thay đổi nhiều trong giai đoạn 2015-2020, riêng có hóa chất tăng 3,8 p.p (từ 17,5% năm 2015 lên 21,3% năm 2020), máy móc và phương tiện vận tải giảm 3,4 p.p (từ 42,6% năm 2015 xuống 39,3% năm 2020).
3.2. Hoạt động nhập khẩu
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính của EU. Thị phần của Trung Quốc tăng từ 16,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngoài EU vào năm 2010 lên 22,4% vào năm 2020, tăng 5,7 p.p. Thị phần của Hoa Kỳ và Thụy Sỹ cũng lần lượt tăng 2,2 p.p và 1,1 p.p, trong khi thị phần nhập khẩu từ Vương quốc Anh (-1,7 p.p.) và Nga (-5.0 p.p.) đều giảm.
Đối với khối ASEAN, theo Eurostat, năm 2020 kim ngạch nhập khẩu của EU từ các nước này đạt trên 120 tỷ euro, chiếm 7% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU. Các sản phẩm nhập khẩu chính là máy móc thiết bị, nông sản, dệt may…
Năm 2020, EU nhập khẩu phần lớn hàng hóa từ Trung Quốc với trên 22%, tiếp đến là Mỹ (12%), Anh (10%) và Thụy Sỹ là (6%).
Mặt hàng nhập khẩu chính của EU: nhiên liệu và dầu thô, máy móc, dược phẩm, hóa chất, đá quý, hàng dệt may, máy bay, chất dẻo, kim loại, tàu thủy…
Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu của EU giữa năm 2015 và 2020, tỷ trọng hàng năng lượng giảm mạnh 6,1 p.p, từ 19,1% năm 2015 xuống 13% năm 2020. Trái lại, tỷ trọng hàng máy móc và phương tiện vận tải tăng 3,3 p.p, từ 30,8% lên đến 34,1%. Các mặt hàng khác có sự thay đổi nhẹ.
II. Chính sách thương mại
EU có đặc thù pháp lý, cụ thể là khối này có tư cách pháp lý để đàm phán và ký kết các hiệp định quốc tế có tính ràng buộc với mọi nước thành viên trong khối thông qua quá trình xây dựng quy tắc tổ chức nội bộ.
Trên thực tế, đặc thù pháp lý của EU, gắn với thực tế EU là một liên minh hải quan và có thẩm quyền theo chính sách thương mại chung, nghĩa là EU có thể là thành viên của WTO với vai trò là một thực thể và EU có thể ký kết các hiệp định thương mại tự do với các bên thứ ba. Với năng lực này, EU, đại diện cho một thị trường 450 triệu dân và là nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hàng đầu trên thế giới, có năng lực xây dựng chính sách thương mại ảnh hưởng mạnh tới quan hệ thương mại quốc tế ở cả cấp độ song phương, khu vực và đa phương. Bên cạnh đó, những hành động đơn phương và quy định nội khối của EU cũng đề ra điều kiện cho việc tiếp cận thị trường trong lãnh thổ hải quan của khối và với ưu thế trong thị trường toàn cầu như vậy, sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thương mại.
Tải toàn bộ nội dung cuốn sách: quy_dinh_ve_nhap_khau_hang_hoa_cua_eu.df
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.