Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào mảng chế biến cà phê và sắp tới sẽ có một loạt các nhà máy của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 4,95 cent, lên 237,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 4,90 cent, lên 238,15 cent/lb, các mức tăng mạnh.
Giá cà phê khó mất mốc 40.000 đồng/kg
Giá cà phê trên thị trường thế giới tăng kéo giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 700 – 800 đồng/kg, dao dộng từ 40.000 – 40.500 đồng/kg lấy lại mốc 40.000 đồng.
Theo Cục xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, vào tháng 11/2021 giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua do những lo ngại về tình trạng cung thiếu hụt, và tình trạng tắc nghẽn các cảng quốc tế có thể kéo dài đến năm 2022.
Tuy nhiên, do nguồn cung cà phê Robusta vụ mới khá dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu thụ thế giới chậm lại nên từ đầu năm 2022, giá cà phê Robusta trên thị trường toàn cầu giảm kéo giá cà phê Robusta nội địa giảm theo.
Ngày 8/1/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm 800 đồng/kg so với ngày 28/12/2021 và tiếp tục đà suy giảm đến sáng ngày 25/1 đã rớt mốc 40.000 đồng/kg, dao động quanh mức 39.200 – 39.700 đồng/kg.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group nhận định giá cà phê nhân sẽ rất khó rớt mốc 40.000 đồng/kg, vì các nhà đầu cơ đang mua cà phê với mức trừ lùi trên thị trường London ‘co lại’. Lúc trước giá trừ lùi là 480 USD nhưng bây giờ chỉ còn 350 USD. Ngày 25/1, INTIMEX mua cà phê nhân với giá 40.800 đồng/kg nhưng vẫn không mua được vì không có người bán, có lẽ cận Tết đến quá bà con không muốn bán ra.
“Giá cà phê Arabica trên thị trường Brazil vẫn còn rất tốt và cao gấp 2 lần giá cà phê Robusta, nên giá cà phê Robusta sẽ không xuống dưới mốc 40.000 đồng/kg. Sở dĩ có sự chênh lệch giữa hai loại cà phê tăng cao là do vừa qua Brazil bị mất mùa, năng suất giảm 30% dẫn đến thị trường bị thiếu hàng”, Phó chủ tịch Vicofa nhận định.
Năm 2021, xuất khẩu cà phê nhân xô đạt hơn 1.562 tấn, trị giá 3,072 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 12,1% về giá trị so với năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 1.969 USD/tấn, tăng 12,4% so với năm ngoái.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 1/2022, xuất khẩu cà phê đạt 75.922 tấn, trị giá 171,553 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 45,12% và tăng 81,09% về kim ngạch.
Nhiều dự án nhà máy chế biến cà phê hoà tan khởi công trong năm 2022
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta số 1 thế giới, nhưng có hơn 85% lượng cà phê xuất khẩu dưới dạng thô giá trị không cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt mục tiêu đến năm 2020 xuất khẩu cà phê hoà tan đạt 30%/tổng khối lượng xuất khẩu. Song, năm 2020 đã qua và theo chuyên gia của Nestlé để đạt được mục tiêu này Việt Nam phải chờ đến năm 2030.
Ông William Mackereth, Giám đốc Chuỗi cung ứng Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 200.000 tấn cà phê tương đương từ 12% đến 15%/ tổng sản lượng cà phê của Việt Nam được chế biến.
Tuy nhiên, phần lớn là gia công nội địa nhưng Chính phủ thường chỉ nói đến xuất khẩu cà phê giá trị gia tăng, trong khi chế biến nội địa cũng đóng góp lớn vào giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam.
“Theo ước tính của tôi để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 30% lượng cà phê hoà tan/tổng lượng cà phê xuất khẩu thì Việt Nam có thể phải đợi đến năm 2030”.
Còn theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 30% cà phê hoà tan trước tiên phải có nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nếu doanh nghiệp nào đầu tư rồi thì phải có thị trường.
Ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào mảng chế biến cà phê, sắp tới sẽ có một loạt các nhà máy của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đầu tư tại Việt Nam khởi công xây dựng.
Ví dụ như Công ty Louis Dreyfus Company (LDC) và Công ty Instanta hợp tác xây dựng và vận hành nhà máy cà phê hòa tan sấy lạnh tại tỉnh Bình Dương. Liên doanh này sẽ hoạt động dưới tên pháp nhân ILD Coffee Việt Nam. Dự kiến, nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2022.
Marubeni - Tập đoàn đầu tư đa ngành của Nhật Bản chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại Việt Nam có công suất 16.000 tấn/năm. Dự án sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy mục tiêu xuất khẩu 30% cà phê hoà tan của Bộ NN-PTNT có thể không trễ hạn đến 10 năm.
“Nói vậy, không phải các doanh nghiệp Việt Nam không có tiền đầu tư nhà máy chế biến cà phê mà vấn đề là đầu tư rồi thì sản phẩm sẽ bán cho ai, tuy nhiên trên thực tế họ vẫn đang cố gắng.
Riêng với nhà máy chế biến cà phê hoà tan của INTIMEX cũng đã chạy đạt công suất giai đoạn 1 là 4.000 tấn/năm, nhu cầu tiêu dùng đã ổn định sang năm 2022 nhà máy sẽ được mở rộng giai đoạn 2 với công suất nhân lên gấp đôi là 8.000 tấn. Dự kiến đến năm 2026 cũng là giai đoạn 3, tập đoàn sẽ nâng công suất của nhà máy gấp 5 lần từ 18.000 - 20.000 tấn/năm”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group nhận định.
Nhiều FTA mở ra cơ hội xuất khẩu cà phê hoà tan
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, mỗi một phút người tiêu dùng trên thế giới tiêu thụ từ 2 - 3 triệu cốc cà phê, trong thời gian tới tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng lên thêm.
Tại thị trường trong nước, tiêu thụ cà phê bình quân đầu người được dự báo sẽ tăng lên hơn 2,6 kg/người vào năm 2024, vì vậy 125 triệu lao động trong ngành cà phê và Việt Nam đang đứng trước các ứng yêu cầu đó.
Hiện nay tất cả các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các FTA đều mở cửa cho các sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam ở mức thuế ưu đãi từ 0 đến 5%, riêng EVFTA cam kết bỏ thuế cho tất cả các sản phẩm cà phê xuống 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam.
“Từ năm 2019 đến nay trong khuôn khổ đề án thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mảng phân phối nước ngoài, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê những thông tin về thị trường cũng như tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, các chương trình giới thiệu về cà phê Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc giữ ổn định sản lượng, gia tăng chất lượng sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp có uy tín đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sẽ giúp cho giá trị cà phê Việt Nam phát triển bền vững hơn”, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ nhấn mạnh./.
Nguồn: Nhịp sống Doanh nghiệp BizLIVE
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.