Trong báo cáo mới đây, ICO đã lần đầu tiên đưa ra đánh giá về triển vọng cung - cầu cà phê thế giới trong niên vụ 2021 - 2022.
Theo đó, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021 – 2022 được ICO dự báo sẽ ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ 2020 - 2021.
Một trong những yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm này là lượng cà phê arabica dự kiến giảm 7,1%, xuống còn gần 94 triệu bao; trong khi đó sản lượng robusta dự kiến tăng 5,1% lên 73,2 triệu bao.
Về khu vực sản xuất, sản lượng cà phê tại châu Á và châu Đại Dương ước tính sẽ tăng 7,1%, từ 48 triệu bao lên 51,4 triệu bao trong niên vụ 2021 – 2022 .
Tuy nhiên sản lượng của khu vực Nam Mỹ dự kiến giảm 7,6%, xuống còn 77,5 triệu bao so với 83,8 triệu bao trong niên vụ trước đó. Ngoài ra, sản lượng tại Trung Mỹ và Mexico cũng được dự báo giảm 3,5%, từ 19,7 triệu bao xuống còn 19 triệu bao.
Sản lượng của châu Phi ước tính giảm nhẹ 0,3% xuống còn gần 19,3 triệu bao trong niên vụ 2021 - 2022.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê thế giới dự báo tăng 3,3%, lên mức 170,3 triệu bao trong niên vụ 2021 - 2022 so với 164,9 triệu bao trong niên vụ trước.
Trong đó, tiêu thụ cà phê của Bắc Mỹ ước tính tăng 5,4% lên 31,9 triệu bao trong niên vụ 2021 – 2022 từ mức 30,3 triệu bao của niên vụ 2020 - 2021.
Tiêu thụ của châu Âu cũng được dự báo sẽ tăng trở lại, với khoảng 54,2 triệu bao so với 52 triệu bao của niên vụ 2020 - 2021. Tiêu thụ cà phê của châu Á và châu Đại Dương tiếp tục tăng lên 40,8 triệu bao từ 39,7 triệu bao của niên vụ trước.
Tuy nhiên, tiêu thụ của Mexico và Trung Mỹ cũng như tại Nam Mỹ tăng trưởng thấp khi chỉ tăng 0,3% và 0,5%. Tiêu dùng ở châu Phi ước tính tăng 2,4% lên 11,7 triệu bao trong niên vụ cà phê 2021 - 2022.
Như vậy, thị trường cà phê thế giới sẽ thâm hụt 3,1 triệu bao so với nhu cầu tiêu thụ trong niên vụ 2021 - 2022. Cán cân cung cầu đảo chiều chủ yếu do sự điều chỉnh đáng kể về tiêu dùng của Venezuela, nhưng xu hướng chung có thể góp phần làm giảm lượng hàng dự trữ, vì lượng tiêu thụ vượt sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022.
Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1/2022 đạt 10,9 triệu bao, tăng 2,8% so với 10,6 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lũy kế trong 4 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022 (tháng 10/2021 đến tháng 1/2022), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 1,5% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 41,8 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt 37,3 triệu bao trong 4 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022, giảm 2,9% so với so với 38,4 triệu bao của cùng kỳ 2020 - 2021.
Xét theo chủng loại, các lô hàng cà phê arabica khác tăng 22,3% lên 6,1 triệu bao và robusta tăng 8,3% lên 14 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu arabica Brazil và arabica Colombia giảm lần lượt 17,6% và 10,9%, xuống còn 12,8 triệu bao và 4,3 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu niên vụ 2018 – 2019 đến 2021 - 2022
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê đã rang trong 4 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022 tăng mạnh 18,8%, lên 282.000 bao so với 238.000 bao cùng kỳ niên vụ trước. Tương tự, xuất khẩu cà phê hòa tan tăng 11,5%, lên mức 4,2 triệu bao so với 3,8 triệu bao của niên vụ trước.
Với diễn biến này, tỷ trọng cà phê nhân xanh trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 0,7 điểm phần trăm, trong khi tỷ trọng xuất khẩu cà phê đã rang tăng 0,1 điểm phần trăm và cà phê hòa tan tăng 1,1 điểm phần trăm.
Đây là sự tiếp nối xu hướng giảm tỷ trọng hạt cà phê xanh trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong những năm gần đây.
Kể từ niên vụ cà phê 2010 - 2011 đến niên vụ 2020 - 2021, tỷ trọng hạt cà phê xanh đã giảm từ 92% xuống 90,6%. Tỷ trọng hạt cà phê xanh giảm là do sự gia tăng các lô hàng cà phê hòa tan, với tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,8% lên 8,8% trong cùng giai đoạn.
Về thị trường cung cấp, Brazil vẫn là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong 4 tháng đầu niên vụ 2021 – 2022, chiếm đến 32% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, so với niên vụ trước xuất khẩu cà phê của Brazil đã giảm mạnh 4 triệu bao, tương ứng với mức giảm lên tới 22,9% từ 17,3 triệu bao xuống còn 13,4 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của một quốc gia Nam Mỹ khác là Colombia, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 thế giới cũng giảm 7,1% trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, xuống còn 4,4 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng vọt 17,5% trong 4 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022, lên mức hơn 9,2 triệu bao so với 7,9 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước. Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê toàn cầu với thị phần chiếm 22%.
Tương tự, xuất khẩu cà phê của một số nước châu Á khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao như Indonesia tăng 11,6%, Ấn Độ tăng 65,1%.
Tại khu vực Trung Mỹ, xuất khẩu của các nhà sản xuất chính đều phục hồi tốt so với cùng kỳ niên vụ trước với Honduras tăng 32,7%, Guatemala tăng 22,3%, Nicaragua tăng 20,6% và Costa Rica tăng 89,8%. Ngoài ra, xuất khẩu của Mexico cũng tăng 15,5% và Peru tăng 25,3%.
Tại khu vực châu Phi, xuất khẩu cà phê của Uganda tăng 12,9% và Ethiopia tăng 30% trong 4 tháng đầu niên vụ hiện tại.
Theo vietnambiz.vn
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.