Theo Reuters, dù bắt đầu suy yếu vào những ngày cuối năm khi giới đầu tư tin rằng chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc, USD vẫn đạt mức tăng 7,9% hàng năm so với rổ tiền tệ.
Kể từ tháng 3 đến nay, Fed đã tăng 425 điểm cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát.
“Tôi tin thị trường sẽ vật lộn với câu hỏi năm 2023 tăng trưởng yếu hay lạm phát dai dẳng. Nếu tăng trưởng yếu, đồng USD sẽ giảm và nếu lạm phát tăng, đồng USD sẽ tăng giá”, Adam Button, trưởng bộ phận phân tích tiền tệ tại ForexLive, nhận định.
Trong khi đó, tỷ giá hối đoái giữa euro với USD đã giảm 5,9% trong năm 2022 do tình hình bất ổn từ Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ “diều hâu” của Fed. Dẫu vậy, con số này vẫn thấp hơn mức 7% của năm trước đó.
“Lãi suất cao hơn kết hợp tăng trưởng kinh tế đang giúp khu vực đồng euro thu hút dòng chảy đầu tư. Tuy nhiên bất cứ yếu tố nào cũng có rủi ro, đặc biệt nếu giá năng lượng tăng trở lại hay ngân hàng trung ương châu Âu quyết định mạnh tay hơn”, Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường tại Corpay, cho biết.
So với USD, giá trị bảng Anh đã giảm giảm 10,8%. Đồng tiền nhạy cảm với rủi ro AUD cũng giảm khoảng 6,4%.
Đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế đã giảm 8,7% trong năm nay trước sự ảnh hưởng bởi USD và suy thoái kinh tế trong nước. Sự lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm hạn chế nghiêm ngặt Covid-19 đang giảm bớt sau khi số lượng ca nhiễm tiếp tục gia tăng.
Jan Von Gerich - nhà phân tích chính tại Nordea - cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại “sẽ là một nguồn gây biến động”. Nhưng khi vượt qua được điều đó và thực sự đạt được tác động kinh tế tích cực, Gerich tin rằng khẩu vị rủi ro trên toàn cầu sẽ được thúc đẩy.
Mặt khác, đồng yen đang có năm tệ nhất kể từ 2013. Lập trường ôn hòa của Ngân hàng Nhật Bản đã khiến USD tăng 13,7% so với yen trong năm nay.
Nguồn: https://zingnews.vn/2022-la-nam-cua-usd-post1390344.html