Chốt phiên 12/10, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm. Giá dầu, đồng, quặng sắt, đường đồng loạt giảm, vàng và cà phê tăng mạnh.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm
Dow Jones giảm 117,72 điểm, tương đương 0,34%, xuống 34.378,34 điểm.
S&P 500 giảm 10,54 điểm, tương đương 0,24%, xuống 4.350,65 điểm.
Nasdaq giảm 20,28 điểm, tương đương 0,14%, xuống 14.465,93 điểm.
6 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ, dịch vụ viễn thông giảm sâu nhất.
Nhà đầu tư thêm thận trọng khi Fed dự kiến công bố biên bản họp tháng 9 vào ngày 13/10. Thị trường sẽ tìm hiểu kỹ để xác định khi nào Fed có thể bắt đầu siết chương trình mua trái phiếu.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý III sẽ bắt đầu trong tuần này với JPMorgan Chase & Co là công ty đầu tiên, công bố ngày 13/10, sau đó là các ngân hàng khác. Cổ phiếu JPMorgan giảm 0,8% còn chỉ số S&P 500 ngân hàng giảm 0,6%.
Giới phân tích kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận quý III mạnh mẽ nhưng nhiều công ty đã lên tiếng cảnh báo về các vấn đề và nhà đầu tư lo ngại những rắc rối trong chuỗi cung ứng, giá tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hậu đại dịch.
Cổ phiếu Tesla tăng 1,7% sau khi số liệu cho thấy hãng xe điện bán được 56.006 phương tiện sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 9, cao nhất kể từ khi bắt đầu sản xuất tại Thượng Hải hai năm trước. Cổ phiếu Tesla là lực đẩy lớn nhất cho S&P 500 và Nasdaq.
Nhà đầu tư cân nhắc các bình luận từ Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã thấy các điều kiện thỏa mãn, trừ mục tiêu việc làm, để siết mua trái phiếu.
Số liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn thắt chặt, với số lượng người Mỹ bỏ việc cao kỷ lục, số vị trí tuyển dụng còn trống là hơn 10 triệu, gia tăng lo ngại lạm phát khi chủ sử dụng lao động tăng lương để thu hút nhân viên mới và giữ người.
Nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng, công bố ngày 13/10, để đánh giá yếu tố lạm phát.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 12/10 là 9,17 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với trung bình 10,8 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Giá dầu thay đổi nhẹ
Giá dầu thay đổi nhẹ trong một phiên giao dịch đầy biến động, do các nhà đầu tư cân nhắc ảnh hưởng của chi phí năng lượng cao có thể gây ra đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên 12/10, dầu thô Brent giảm 23 US cent xuống 83,42 USD/thùng, sau khi giao dịch từ mức cao 84,23 USD xuống mức 82,72 USD/thùng. Dầu WTI tăng 12 US cent lên 80,64 USD/thùng sau khi biến động từ 81,62 USD tới 79,47 USD/thùng.
Dầu thô Brent đã tăng 5 tuần liên tiếp, trong khi dầu WTI tăng 7 tuần liên tiếp. Cả hai loại dầu này tăng hơn 15% kể từ đầu tháng 9.
Giá điện đã tăng lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây, do tình trạng thiếu hụt tại Châu Á và Châu Âu, với khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc dự kiến kéo dài tới cuối năm nay.
Tại London và vùng đông nam nước Anh, Hiệp hội bán lẻ xăng dầu cho biết 1/10 số trạm nhiên liệu vẫn cạn kiệt trong tháng trước.
Trong Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã giảm tăng trưởng dự báo toàn cầu năm 2021 xuống 5,9% từ dự báo 6% đưa ra trong 7. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 không đổi ở mức 4,9%.
Ngay cả nhu cầu tăng, tổ chức OPEC+ đang duy trì kế hoạch khôi phục sản lượng dần dần thay vì nhanh chóng.
Giá vàng tăng do lo ngại lạm phát
Giá vàng tăng do lo sợ lạm phát gia tăng làm giảm nhu cầu đối với tài sản rủi ro và thúc đẩy nhu cầu với kim loại trú ẩn an toàn này, mặc dù USD tăng đã hạn chế đà tăng.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.759,31 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,2% lên 1.759,3 USD/ounce.
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đe dọa triển vọng kinh tế và làm gia tăng lo ngại lạm phát, khiến một số nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn hơn.
Vàng theo truyền thống được xem như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, việc giảm kích thích của ngân hàng trung ương và lãi suất tăng có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng dẫn tới chi phí giữ vàng tăng lên.
Theo nhà phân tích Briesemann thuộc Commerzbank nếu các cuộc bàn luận về lạm phát ngày càng nhiều hơn giá vàng có thể đạt mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm nay do lãi suất duy trì ở mức khá thấp ngay cả khi Fed bắt đầu cắt giảm kích thích.
Cà phê hai sàn tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng 45 USD, lên 2.144 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng 47 USD, lên 2.151 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 29 USD, lên 2.097 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo nới rộng khoảng cách.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng thêm 8,90 cent, lên 213,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng thêm 8,85 cent, lên 216,05 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại Đaklak tăng lên mức 41.200 – 41.500 đồng/kg.
Thị trường Cà phê Brazil đóng cửa nghỉ lễ Đức Mẹ Aparecida, Thánh Bổn Mạng của Quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới, tiếp sau lễ Colombus Day, khiến sức bán chùng lại như đã dự đoán. Cho dù đã có thông tin mưa nhiều trên vành đai cà phê ở miền nam Brazil hỗ trợ tốt cho cây cà phê Arabica ra hoa vụ mới, trong khi các cơn bão liên tiếp ở Việt Nam đem lại nhiều mưa cho vùng cà phê Tây nguyên, hỗ trợ cho cây cà phê Robusta tăng năng suất và chất lượng hạt trước thềm vụ thu hoạch mới.
Giá cà phê tăng mạnh không ngoài thu hút việc giao hàng khi báo cáo tồn kho được cấp “chứng nhận” tại hai sàn liên tiếp sụt giảm và để bù đắp phần nào cho cước phí tàu biển vẫn còn cao ngất ngưởng khiến nhà kinh doanh cà phê thua lỗ kéo dài.
Liên đoàn Cà phê Quốc gia FNC – Colombia cũng đã phủ nhận tin đồn việc trì hoãn giao hàng khoảng 1 triệu bao vì người trồng cà phê cho rằng họ phải chịu thiệt không đáng có khi đã ký hợp đồng bán vào lúc giá kỳ hạn ở mức quá thấp, nhưng cũng có thể do sản lượng vụ Mitaca sụt giảm. Theo FNC, chủ yếu là do các cuộc biểu tình phong tỏa đường cao tốc dẫn ra các cảng xuất khẩu và nhất là do các hãng vận tải biển chậm trễ vì đại dịch Covid-19, trong khi FNC khẳng định năm nay được mùa với sản lượng hơn 13 triệu bao.
Theo các nhà quan sát, các thị trường cà phê kỳ hạn là sân chơi của các nhà đầu cơ tài chính, do sự nhạy bén và tính thanh khoản cao hơn là do yếu tố cung cầu hàng hóa. Sự tác động chính vào lúc này là từ mối lo lạm phát toàn cầu gia tăng đã đẩy USDX tăng liên tiếp và làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất cơ bản USD trong phiên họp chính sách cuối năm, vào tháng 11 sắp tới. Trong khi thông tin OPEC+ tăng mức khai thác đầu thô thêm 400.000 thùng/ngày không được xác thực khiến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu vào mùa đông năm nay càng thêm sâu sắc.
VICOFA tổng hợp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.