Đối thoại Reatimes: Trong bối cảnh dịch bệnh và biến đổi khí hậu ngày càng có tác động mạnh mẽ hơn và có thể tạo ra cuộc khủng hoảng lương thực mới trên toàn cầu, vai trò của ngành nông nghiệp và hệ thống lương thực thực phẩm càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực. Việt Nam cũng đang tự tin hướng đến khát vọng về một nền nông nghiệp sinh thái, tiên tiến, tích hợp đa giá trị, kết hợp hài hòa tài nguyên bản địa, bản sắc văn hóa, niềm tin xã hội với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để hiện thực hóa được khát vọng đó, có lẽ đã đến lúc cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân đối với ngành nông nghiệp. Doanh nghiệp đang ở đâu trong hành trình kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm? Doanh nghiệp đang ở đâu trong cuộc cách mạng chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế? Doanh nghiệp có vị trí ra sao trong công cuộc tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa nông dân? Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong kinh tế nông nghiệp được thể hiện như thế nào?…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã mở đầu cuộc trao đổi với Đối thoại Reatimes bằng việc trích dẫn chia sẻ về doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của Konosuke Matsushita - một trong những doanh nhân tài ba người Nhật mà ông đọc được trong một cuốn sách.
“Thông thường, người ta cho rằng mục tiêu của một doanh nghiệp là theo đuổi lợi nhuận. Đồng ý rằng, lợi nhuận không thể thiếu trong việc tổ chức, điều hành một doanh nghiệp vững mạnh nhưng nếu nói điều đó là mục tiêu nhất thiết phải đạt được thì không đúng. Điều căn bản ở đây chính là thông qua công việc, chúng ta tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và trên con đường hoàn thành sứ mệnh căn bản đó, chúng ta nhận được lợi ích. Đó mới chính là điểm mấu chốt.
Xét theo ý nghĩa đó thì về bản chất, kinh doanh không phải là việc tư mà là việc công và doanh nghiệp là công cụ xã hội. Vì vậy, dù là doanh nghiệp của cá nhân cũng không nên suy nghĩ trên lập trường riêng tư mà phải thường xuyên suy nghĩ, đánh giá dựa trên quan điểm: Liệu việc này/điều đó sẽ đem lại kết quả tốt lành hay gây tổn thất cho cộng đồng”.
- Không thể phủ nhận rằng, so với nhiều ngành khác, nông nghiệp là một lĩnh vực khó trong việc đầu tư, kinh doanh nên có lẽ, mục tiêu hàng đầu của những doanh nghiệp lựa chọn đi theo “con đường nông nghiệp” cũng không phải là lợi nhuận, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong thời gian qua, một tín hiệu vui là rất nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào nông nghiệp. Nông nghiệp vốn là ngành rủi ro nhiều, sinh lời ít, thu hồi vốn chậm, nên xưa nay không nhiều doanh nghiệp mặn mà nhưng cũng đã nhìn thấy những doanh nghiệp rất tâm huyết với nông nghiệp. Họ đầu tư không chỉ để làm giàu cho doanh nghiệp mình mà còn chung khát vọng tạo cú hích, đưa ngành nông nghiệp Việt vươn xa. Những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt tầm cỡ khu vực, toàn cầu minh chứng cho tài năng, trí tuệ của một cộng đồng doanh nghiệp luôn năng động, đầy tâm huyết, giàu khát vọng, từng bước chinh phục những điều tưởng rằng như không thể.
Với tôi, thành quả của doanh nghiệp nông nghiệp cũng là thành tựu của ngành nông nghiệp. Rào cản, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải cũng là trở lực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế đất nước nói chung.
- Điều đó cũng đã chứng tỏ vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân đối với ngành nông nghiệp…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Từng đi nhiều, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, tôi hiểu được tầm quan trọng của các doanh nghiệp trong việc dẫn dắt, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tôi luôn ước ao và có niềm tin rằng, các doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại một địa phương, không chỉ hướng đến doanh thu, lợi nhuận, mà còn hỗ trợ các nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp, lan toả tri thức, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, chung tay tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt tái cơ cấu ngành nông nghiệp là kiên trì khơi gợi, tạo cảm xúc, cảm hứng, đồng hành với bà con, phải tạo ra được hệ sinh thái, tạo ra giá trị để giúp người nông dân cùng đi với mình xa hơn, khăng khít hơn.
- Nhưng dường như trên thực tế, việc doanh nghiệp liên kết và tạo dựng được niềm tin với người nông dân để hình thành nên hệ sinh thái bền vững là không mấy dễ dàng và đòi hỏi sự dấn thân, kiên trì rất lớn. Vậy, làm sao để giữa người nông dân và doanh nghiệp không còn sự mặc cảm?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chính quyền cần phát huy vai trò dấn thân, kết nối. Bởi doanh nghiệp có thể lâu lâu mới xuống gặp bà con được một lần, còn ông trưởng thôn, chủ tịch xã là gần, là sát với bà con nhất. Nói vậy không có nghĩa là chính quyền địa phương áp đặt một mệnh lệnh bắt người nông dân bán nông sản cho doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia, mà phải là người tư vấn cho bà con, thông qua khuyến nông cộng đồng gồm đại diện chính quyền và những người nông dân có hiểu biết, mạnh mẽ và thành công hơn. Như cách làm của tỉnh Đồng Tháp, 5 năm qua đã thành lập được hơn 100 hội quán nông dân để những người nông dân thảo luận, chia sẻ với nhau.
Trong tam giác “nhà nước - doanh nghiệp - người dân” hay “nhà nước - thị trường - xã hội", mỗi bên đều có một sức mạnh riêng. Có những việc nhà nước không thay doanh nghiệp được, có những vấn đề doanh nghiệp không thay nhà nước được, hay nhà nước, doanh nghiệp cũng không làm thay người sản xuất được và ngược lại. Khi cả 3 chủ thể này gắn chặt với nhau sẽ bổ sung sức mạnh, hóa giải khiếm khuyết, từ đó sẽ tạo ra hiệu quả tốt hơn.
Việc hợp tác, liên kết không chỉ là vấn đề phân chia lợi ích “anh bao nhiêu, tôi bao nhiêu”, thuận mua vừa bán. Bởi vì đó còn là câu chuyện niềm tin. Mà niềm tin dựa trên cảm xúc tích cực, không thể có từ cảm xúc tiêu cực, xét nét, mặc cảm.
Phải luôn nghĩ cho người khác thì mối quan hệ mới bền vững và tạo dựng được niềm tin. Có được niềm tin, tạo được giá trị cho cộng đồng thì tiền sẽ đi theo, lợi ích sẽ đi theo.
- Đó cũng là con đường để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững phải không, thưa ông?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta thường nhắc đến phát triển bền vững nhưng nhiều khi lại quên đi bản chất của “bền vững” là gì. Đó là tam giác đều có ba đỉnh là phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường và vì cộng đồng xã hội. Nếu thiên lệch về một bên nào đó thì sự phát triển sẽ bị mất cân đối. Chạy leo lợi ích đơn thuần có thể làm cho môi trường bị suy thoái, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học thì sẽ không bền vững. Hoặc phân chia lợi ích kinh tế chỉ cho một nhóm thiểu số còn cộng đồng người nông dân thấy rằng họ bị tổn thương thì sẽ tạo ra khoảng cách.
Nông dân, nông sản là yếu tố đầu vào của chuỗi ngành hàng. Vậy có bền vững không khi người nông dân vẫn cảm thấy bị yếu thế, bị bỏ rơi ngoài vòng lợi ích. Người nông dân không sản xuất nữa thì doanh nghiệp lấy gì để chế biến?...
Do đó phải cân bằng, hài hòa 3 yếu tố: Kinh tế, môi trường và cộng đồng - con người. Chúng ta nói nhiều về con người, nhưng chưa làm sâu sắc được câu chuyện con người, nhất là bà con nông dân.
Doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững khi và chỉ khi cân bằng được các yếu tố trên. Trong hệ sinh thái đó có hợp tác xã, có những người nông dân.
- Theo Bộ trưởng, kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp quan trọng đến nhường nào?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng hệ sinh thái bền vững bằng cách chia sẻ lợi ích, cho đi rồi nhận lại. Lợi ích có được từ sự cho đi mới là lợi ích bền vững. Người nông dân sẽ trân quý doanh nghiệp, thấy rằng doanh nghiệp không chỉ đem đến thu nhập mà còn nhiều thứ khác nữa để cùng tiến lên.
Nói cho cùng, chúng ta sống phải có tình yêu thương. Có tình yêu thương thì mới có sự sẻ chia, thấu cảm. Khi người nông dân thấy rằng, “ông chủ tập đoàn này đến đây không phải vì lợi ích trước mắt của ông ấy mà cũng vì ông ấy thương người nông dân, muốn người dân có cuộc sống tốt hơn, ông ấy cũng yêu nông sản, yêu giá trị văn hóa bản địa của vùng đất này và muốn tích hợp nó vào trong sản phẩm của mình để đưa nông sản đi xa hơn” thì niềm tin sẽ được tạo dựng.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là trách nhiệm với con người, với cộng đồng, với hệ sinh thái mình tạo lập ra. Hệ sinh thái bền vững thì doanh nghiệp bền vững. Tất cả cùng đi lên. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau.
Doanh nghiệp không chỉ mang đến lợi ích vật chất mà còn làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho người nông dân, giúp họ yêu hơn những công việc mình làm. Khi đó, họ sẽ không còn cảm thấy bị tổn thương, bị bỏ lại phía sau hay hụt hẫng khi có một khoảng cách quá xa với doanh nghiệp.
Tôi hay nói với các doanh nghiệp rằng, người Việt mình gọi nông dân là “bà con”, đó là hai tiếng rất đỗi thân thương, gần gũi. Đã là “bà con” thì còn là tình thâm nữa chứ không chỉ là mua với bán, là mặc cả lợi ích, bớt lợi ích của anh để nâng lợi ích của tôi lên.
- Phải chăng các doanh nhân sẽ phải học làm “con người” trước khi làm “con người kinh doanh”?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi từng đọc một cuốn sách có tên “Thành công bằng sự tử tế”. Tử tế là nói về con người. Tử tế tạo ra niềm tin và khi có niềm tin thì sẽ có sự hợp tác, liên kết, cộng sinh và chia sẻ.
Thay vì tìm cách chia “chiếc bánh” lợi ích một cách căng thẳng, dẫn đến so đo, đố kỵ thì việc hợp tác, liên kết là tư duy làm sao để “chiếc bánh” đó to lên hơn nữa, giá trị gia tăng thêm nữa. Người làm nguyên liệu, người chế biến, phân phối… cùng hợp lực để “chiếc bánh” to lên, lợi ích thu về nhiều lên và mỗi bên sẽ nhận lại phần tương xứng.
Doanh nghiệp phải vào cuộc thì kinh tế mới mạnh lên, nhưng doanh nghiệp cũng không thể nào làm từ thiện, họ phải có lợi nhuận và Nhà nước cũng phải khuyến khích doanh nghiệp làm giàu. Nhưng rõ ràng, lợi nhuận, tiền bạc là hệ quả có được khi doanh nghiệp chuẩn bị một tâm thế, thái độ, trách nhiệm cao cả nhất, “con người” nhất khi bước vào đầu tư, kinh doanh.
Tiền là hệ quả, khi chúng ta làm tốt thì sẽ có nhiều tiền hơn, nhưng nếu đặt mục tiêu nhiều tiền, thì chưa chắc đã có thể làm tốt.
- Thưa Bộ trưởng, Việt Nam đang trên hành trình hiện thực hóa khát vọng về một đất nước hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Trong hành trình này, vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp được thể hiện như thế nào? Tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp trong GDP hiện nay đã tương xứng với tiềm năng của ngành?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nếu nhìn vào GDP, thì ngành nông nghiệp có đóng góp còn khiêm tốn. Tăng trưởng ngành nông nghiệp tịnh tiến dần dần và cũng đầy rủi ro - từ dịch bệnh, thời tiết, thị trường nên đứng trước nó, người ta hay phân vân. Nhưng hãy nhớ đến vai trò của nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế - xã hội, là nhất thể, gắn kết với nhau. Chỉ cần một bộ phận đứt gãy thì sẽ phá vỡ cấu trúc đó. Cần phải làm sao để trong cấu trúc kinh tế - xã hội đó, không tạo ra sự xung đột giữa đô thị với nông thôn, giữa công nghiệp dịch vụ với nông nghiệp… Do đó, cần phải tích hợp lại, gắn kinh tế nông nghiệp với nhiều lĩnh vực khác có liên quan mật thiết như công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ.
Sau đại dịch Covid-19, sau khủng hoảng kinh tế và chiến tranh, rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm hơn đến ngành nông nghiệp, lương thực, thực phẩm. Nhiều nước trên thế giới đang tìm đến Việt Nam như là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, không phải cho riêng 100 triệu người dân Việt Nam mà cả chuỗi giá trị lương thực toàn cầu.
Từ quốc gia nghèo đói có thể tự chủ lương thực rồi xuất khẩu, nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng làm nhiều hơn, tận dụng cơ hội đang được thế giới quan tâm để trở thành trung tâm về hệ thống lương thực, thực phẩm của khu vực, coi tài nguyên nông nghiệp của Việt Nam là lợi thế chiến lược để cạnh tranh quốc tế.
Tôi mong rằng, các doanh nghiệp nhớ tới Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hiểu rõ ngành nông nghiệp, thấu cảm với nông dân, biến nông nghiệp trở thành lợi thế quốc gia, tạo ra giá trị cao hơn cho nông sản.
- Bộ trưởng nói rằng, nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế - xã hội và cần phát triển tích hợp, có thể hiểu đây là ngành có mối quan hệ mật thiết với lĩnh vực khác và tư duy sản xuất nông nghiệp chỉ là một phần nhỏ trong đó?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngẫm nghĩ về tổng kết của người xưa: “Phi nông bất ổn - Phi công bất phú - Phi thương bất hoạt - Phi trí bất hưng”, tôi vẫn tâm niệm rằng, muốn phát triển bền vững, thịnh vượng, thì các yếu tố “Nông - Công - Thương - Trí” cần phải hoà quyện vào nhau, bện chặt lấy nhau. Đó chính là một phần của hệ sinh thái nông nghiệp.
Nông nghiệp xứ mình bao đời theo tư duy của một ngành sản xuất, với mục tiêu tạo ra nhiều nhất sản lượng. Nhưng giờ đây ngày càng nhiều bà con hiểu được rằng sản lượng nhiều đôi khi rơi vào cảnh “được mùa rớt giá” và phải đánh đổi nhiều thứ: Môi trường, sức khoẻ, thậm chí là sự tử tế. Như vậy không cách nào khác, nông nghiệp phải chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế” với mục tiêu tạo ra giá trị nhiều hơn bằng cách giảm chi phí, tăng chất lượng.
Tư duy “kinh tế nông nghiệp” dựa trên các đặc điểm, chỉ dấu của thị trường. Đầu vào sản xuất được quyết định bởi ba câu hỏi của kinh tế học: “Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai?”.
Tư duy “kinh tế nông nghiệp” quan tâm đến việc “đáp ứng nhu cầu thị trường cần, chứ không phải cung cấp mặt hàng chúng ta có”. Tôi hiểu, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta đang tiếp cận theo tư duy đó.
- Ngoài những điều ông vừa phân tích, tư duy kinh tế là còn là tạo ra đa giá trị?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tư duy sản xuất, mục tiêu là sản lượng. Còn tư duy kinh tế nông nghiệp là tích hợp nhiều giá trị, trong đó, giá trị sản lượng chỉ là một phần. Nông sản là hữu hình, còn nhiều giá trị vô hình khác từ nông sản, từ nền nông nghiệp có thể đem lại giá trị kinh tế.
Trồng một cái cây, không chỉ để hưởng thành quả từ cái cây đó. Mà phải vận dụng tất cả những yếu tố xung quanh để tạo thêm giá trị, ví dụ như tích hợp sản xuất nông sản với du lịch, tạo ra mô hình du lịch nông nghiệp, hay kết hợp chế biến tạo ra các sản phẩm đa dạng hơn, hoặc triển khai nông nghiệp tuần hoàn.
Tư duy kinh tế cũng có thứ bậc. Đầu tiên là tạo ra nông sản hàng hóa, ví dụ như trái xoài. Thứ hai là tạo ra sản phẩm, tức là chế biến ra các sản phẩm từ trái xoài đó, bao bì đóng gói lại. Nấc thang thứ ba là tạo ra một dịch vụ như bán trực tuyến, quảng bá hàng hóa, tạo ra giá trị cao hơn. Nấc thang tiếp đến là kinh tế trải nghiệm - chú trọng đến cảm xúc của người tiêu dùng khi họ được trải nghiệm thực tế quá trình tạo ra sản phẩm đó, trải nghiệm đời sống nông thôn, hoạt động nông nghiệp. Rõ ràng, khi cầm trên tay sản phẩm đã hiểu rõ được nguồn gốc xuất xứ, quá trình tạo ra nó thì chắc chắn sẽ có nhiều cảm xúc hơn.
Cảm xúc, sự trải nghiệm cũng là vô giá. Khi tạo ra được cảm xúc, tạo ra được những câu chuyện nông sản, câu chuyện từ sản phẩm thì sẽ thu về được những giá trị lớn hơn. Du lịch nông nghiệp là một hàng hóa trải nghiệm.
Khi tạo ra được cảm xúc, tạo ra được những câu chuyện nông sản, câu chuyện từ sản phẩm thì sẽ thu về được những giá trị lớn hơn.
Khi nói về tiềm năng địa phương, chúng ta thường nói đến giá trị vùng đất, tài nguyên hữu hình. Chúng ta chỉ nhìn thấy cái mà ai cũng có thể nhìn thấy. Người đi trước, thành công là họ nhìn thấy những giá trị vô hình mà người khác không nhìn thấy được.
Cái nhìn thấy được - giá trị chỉ có một, nhưng cái không nhìn thấy - từ tri thức bản địa, văn hóa cố kết cộng đồng đến sức mạnh của người dân là đa giá trị, là tiềm năng trọn vẹn nhất của một địa phương nếu khơi dậy được.
Tôi đến Hà Giang, thấy rằng, cách tiếp cận tích hợp giữa nông nghiệp và văn hóa, du lịch sẽ là hướng đi chiến lược, góp phần phác thảo nên hình ảnh Hà Giang trong tương lai. Cây chè Shan Tuyết trên độ cao 1.300m, nơi đỉnh Tây Côn Lĩnh sương mù bao phủ quanh năm, sẽ còn tạo ra giá trị nhiều lần hơn nếu tích hợp những câu chuyện lưu truyền vài trăm năm. Những hình ảnh sinh động của bà con các dân tộc trong suốt quá trình chăm sóc, thu hái, sao phơi, chế biến ra nhiều sản phẩm chất lượng đầy sáng tạo kết hợp giữa tri thức truyền thống và tri thức hiện đại, sẽ tạo ra đa dòng sản phẩm. Hệ sinh thái ngành hàng sẽ dẫn dắt thương hiệu Chè Shan Tuyết - Hà Giang vươn tầm.
Mỗi địa phương cũng cần xác định rõ “triết lý phát triển nông nghiệp cho riêng mình, phù hợp và phát huy tối đa từng điều kiện đặc thù, từng giá trị đặc sắc”. Tại sao không nghĩ đến “nông sản hạnh phúc” khi được vận chuyển qua “cung đường hạnh phúc” đi qua Hà Giang, nơi sỏi đá cũng nở hoa, gắn liền với câu chuyện tự hào, xúc động về huyền thoại thanh niên xung phong mở đường, lưu mãi tuổi xuân? Tại sao không nghĩ đến “nông sản hạnh phúc”, những “ruộng bậc thang hạnh phúc” khắp miền Tây Bắc, được vun trồng, chăm sóc từ chính đôi tay, bằng cả tấm lòng và trái tim của “những người dân hài lòng và hạnh phúc”?
Để Vùng trung du và đồi núi phía Bắc phát triển, chắc chắn rồi sẽ có thêm những sân bay, đường cao tốc, những khu công nghiệp hiện đại. Nhưng tôi đã nhìn thấy thấp thoáng những vùng kinh tế nông - lâm - du lịch đặc sản, những khu bảo tồn sinh cảnh, những vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược liệu, dược phẩm, những thung lũng đầy hoa, những điểm du lịch cộng đồng trải đều khắp vùng. Những tiềm năng được kích hoạt từ cách tiếp cận mới của đội ngũ lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong Vùng, rồi chắc chắn sẽ có nhiều địa danh, điểm đến tự tin hiện diện trên bản đồ du lịch thế giới.
- Để nền nông nghiệp thực sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, có lẽ vẫn cần thời gian và cần nhiều hơn nữa vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng lộ trình tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa nông dân. Tôi đến Nghĩa Lộ, Yên Bái, thăm homestay của bà con người Thái, họ vừa nói vừa chỉ ra cánh đồng lúa - Tôi làm đúng như ông Bộ trưởng nói đấy! Tôi trồng lúa và bán hương lúa, thu hút du khách đến ngắm cảnh, lưu trú lại homestay. Vừa bán lúa nhưng vừa đem đến cho du khách sự trải nghiệm”.
Đã có những nông dân vượt lên được và có tri thức về kinh tế nông nghiệp. Nhưng số đông bà con, cũng do nhiều hạn chế, thói quen cũ mà vẫn chưa thoát được tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy.
Mong rằng, doanh nghiệp về làng, không chỉ dừng lại ở chuyện “thuận mua, vừa bán” đơn thuần, mà hãy cùng với bà con nông dân tạo ra giá trị cao nhất cho sản phẩm bằng những tầng giá trị gắn kết từ những điều còn tiềm ẩn.
Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp bắt đầu từ những người nông dân, nhưng cần đến vai trò đồng hành, định hướng của doanh nghiệp, cũng như sự chung tay đóng góp của toàn hệ sinh thái nông nghiệp.
- Bộ trưởng từng nói rằng, muốn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh thì trước tiên chúng ta phải tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa người nông dân. Vậy lực lượng chủ đạo để làm tốt công tác này là cán bộ, trí thức nông nghiệp hay doanh nghiệp?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tri thức hóa nông dân hay chuyên nghiệp hóa nông dân không phải là đưa nông dân vào trong trường học rồi cấp cho họ giấy chứng nhận. Tri thức là sự hiểu biết, thông qua một khóa học chưa chắc đã tăng thêm hiểu biết.
Như đã nói, tại Đồng Tháp, có nhiều hội quán nông dân để bà con cùng họp mặt, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhà nông. Thông qua hội quán, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà báo, thậm chí là các tổ chức quốc tế cũng đến nói chuyện với bà con. Nhưng trong đó, quan trọng nhất là doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp dù sao cũng có sự hợp tác gần gũi hơn.
Doanh nghiệp là người đi nhiều, biết nhiều, có điều kiện hơn người nông dân. Doanh nghiệp phải kiên trì đồng hành hàng ngày, hàng tuần, giúp cho bà con trồng cấy sao cho đúng chuẩn, nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro từ thiên tai, sâu bệnh. Hôm nay ông chủ doanh nghiệp xuống gặp nông dân kể vài câu chuyện, lần sau xuống gặp lại kể thêm vài câu chuyện nữa, cứ dần dần mà góp thêm tri thức cho người nông dân. Phải coi đó là sứ mệnh. Nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, làm ra sản phẩm tốt, phấn khởi, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy, đảm bảo chất lượng đầu vào.
- Một quốc gia không chỉ hùng cường, thịnh vượng về kinh tế mà còn cần hùng cường, thịnh vượng cả về điều kiện sống, môi trường sống cho người dân, trở thành nơi đáng đến và đáng sống. Trong vấn đề này, ngành nông nghiệp cũng không thể đứng ngoài cuộc. Đó cũng là lý do mà chúng ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn hướng tới mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi xin trích dẫn câu nói của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (nguyên Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương): “Phải đo độ bền vững của quốc gia bằng nông nghiệp” (đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam). Điều này có nghĩa, nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ đơn thuần mà là thước đo cho sự bền vững của nền kinh tế, dù đóng góp vào GDP của nó không cao.
Hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới thì nền nông nghiệp Việt Nam sản lượng cao nhưng chi phí cũng cao. Một trong những chi phí cao đó là việc sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào, trong đó có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hệ lụy gì? Một là nó bào mòn lợi nhuận của người nông dân, làm giảm giá trị gia tăng của nông nghiệp, và đặc biệt là phát thải khí nhà kính.
Định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững gồm 3 yếu tố: Kinh tế, môi trường, xã hội. Trong đó có nhấn mạnh, chúng ta không thể đánh đổi tăng trưởng của ngày hôm nay bằng tài nguyên của thế hệ mai sau. Nghĩa là chúng ta phải bàn giao cho thế hệ mai sau đầy đủ những cái mà thế hệ mai sau cần.
Đây cũng là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới thông qua rất nhiều các buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế, hy vọng được tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật để chuyển động vì nền nông nghiệp sinh thái.
Giá trị nông nghiệp bền vững không phải làm chậm đà phát triển mà chuẩn bị cho sự phát triển. Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ tạo ra được hình ảnh nông nghiệp gắn với toàn cầu, nhấn mạnh vào hình ảnh nông nghiệp Việt Nam xanh.
Đẩy mạnh tích hợp các giá trị xanh, đa dạng sinh học và văn hóa sẽ là những bước đột phá đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm của châu Á thay chỉ vì xuất khẩu sản phẩm thô, làm gia công, giá trị gia tăng thấp, dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội.
- Trên thực tế, đang ngày càng có nhiều nông dân ly nông, ly hương, đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động. Đây có phải là điều đáng lo ngại không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông dân ly hương, ly nông là quy luật tất yếu của bất kỳ đất nước nào bước vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn lực công nghiệp hóa bắt đầu từ đất đai sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Con người đô thị, lực lượng lao động cho các khu công nghiệp, đô thị cũng xuất phát từ khu vực nông thôn.
Có hai lực hút và lực đẩy dẫn đến câu chuyện ly nông, ly hương.
Ở góc độ tích cực, việc ly hương cho thấy, chúng ta tạo ra được một lực lượng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở đâu sinh kế tốt, thu nhập cao thì sẽ thu hút dân cư đến đó. Sự năng động của khu vực đô thị cũng đem lại nhiều cơ hội phát triển. Đó là lực hút.
Còn lực đẩy là khi người dân ở lại không biết làm gì. Người ta chưa muốn đi nhưng với một tư duy sản xuất nông nghiệp như thế, rủi ro mùa vụ như thế, thì ở nông thôn làm gì? Đặc biệt là hiện nay, đã áp dụng máy móc vào sản xuất nhiều nên không mấy ai phải ra đồng, đổi lại chi phí tăng lên, lợi nhuận ít đi, thời kỳ nông nhàn lại càng rảnh rỗi, không biết làm gì, trong khi lên đô thị không làm công nhân thì bán trà đá vỉa hè cũng có tiền.
Chúng ta không thể quản được bước chân người đi, vì đó là nhu cầu. Đi cũng là cách để mở mang tầm mắt, để phát triển bản thân trong không gian rộng lớn hơn ngoài làng, xã. Điều cần phải tư duy là làm gì để cân bằng dòng chảy, cân bằng lực hút và lực đẩy, từ đó có phương án, giải pháp cho người đi kẻ ở.
Đừng nghĩ thu nhập của người nông dân là chỉ ở trên đơn vị diện tích, trên sản lượng nông nghiệp họ làm ra nữa, thậm chí có thể xem đó sẽ là nguồn thu nhập phụ khi chúng ta tổ chức thêm được những nghề mới cho nông thôn - làm du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm OCOP, làm dịch vụ nông nghiệp… chẳng hạn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa vấn đề này vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đó là nâng cao năng lực cộng đồng để hình thành hệ sinh thái phát triển kinh tế nông thôn.
Ngoài ra cũng cần phải hiểu là bà con mình rời quê không chỉ đơn thuần là vấn đề việc làm, thu nhập mà còn là cơ hội phát triển của họ và con cái họ, đồng thời còn do những dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế, văn hóa đời sống ở đô thị tốt hơn ở nông thôn. Muốn cân bằng lại dòng chảy thì cũng phải đầu tư để đưa những dịch vụ đó về nông thôn, nâng cao mức sống ở nông thôn. Vì vậy, một mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới là đưa những tiện ích tối thiểu của xã hội về với nông thôn, để khoảng cách giữa nông thôn và thành thị không bị giãn cách thêm. Vì nông thôn cũng có thể trở thành nơi để thu hút đầu tư cũng như các nguồn lực từ con người và các thành phần kinh tế khác. Sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp sẽ góp phần đảo ngược “ly nông, ly hương” thành “quy nông, quy hương”. Khi có nhiều việc làm hơn sẽ dẫn dắt được dòng người quay trở về.
“Đại bàng” dẫn dắt chim sẻ. Hiện nay, đang có một dòng người quay trở lại nông thôn, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp. Và chúng ta có quyền kỳ vọng, một tương lai không xa, các vùng quê Việt sẽ trở thành nơi đáng sống và đáng đến. Ở đó có môi trường sinh thái, cơ sở hạ tầng, tiện ích đồng bộ, hiện đại và những người nông dân thông minh.
- Triết lý đại bàng và chim sẻ mà Bộ trưởng vừa nhắc đến, trong câu chuyện phát triển kinh tế nông thôn bền vững, được thể hiện như thế nào?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt, nhưng cũng cần “chim sẻ”, đó là những hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương.
Cần phải hợp lực họ lại để tạo ra sức mạnh. “Lời nguyền” sản xuất nhỏ, manh mún đã kéo dài mấy chục năm nay. Và trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi phải chia sẻ quỹ đất để phát triển hạ tầng, dịch vụ và đô thị. Như vậy, đất đai đã nhỏ lẻ lại càng tiếp tục nhỏ. Để khắc phục điều đó, không cách nào khác là tăng cường nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể mà nòng cốt là doanh nghiệp lớn, kéo theo đó là các hợp tác xã.
Tôi thấy những bạn trẻ hấp thu được hàm lượng tri thức ở đô thị khi trở về khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, thương mại điện tử có tính lan tỏa ở cộng đồng không kém gì các “con đại bàng”, những doanh nghiệp lớn.
Nếu thu hút được công nghiệp và công nghệ về làng, chúng ta sẽ tạo ra sức hút để đưa tri thức trẻ về làng, nơi mà các em, các cháu sinh ra. Khi ấy, nông thôn là nơi người người tìm đến. Khi ấy, nông thôn là miền quê đáng sống, đón chúng ta quay về.
- Ông từng chia sẻ câu chuyện, bản thân không dám khởi nghiệp sau khi đọc sách. Tại sao vậy?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi có tham gia rất nhiều sự kiện về khởi nghiệp, thấy rằng cách tiếp cận về khởi nghiệp vẫn chưa đầy đủ.
Nhiều bạn trẻ, thậm chí các chuyên gia đều đặt vấn đề là vốn ở đâu để khởi nghiệp. Nhưng để khởi nghiệp trước tiên phải có tinh thần và hiểu được giá trị của khởi nghiệp. Không nên lẫn lộn giữa khởi nghiệp và mở ra một doanh nghiệp.
Khởi nghiệp là hành trình còn xa hơn việc mở ra một doanh nghiệp, đòi hỏi phải có bản lĩnh và sự dấn thân. Tất nhiên, để khởi nghiệp thành công cũng phải cần đến nguồn vốn là tài chính. Nhưng kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng và cả thái độ cũng là vốn. Nếu đặt vấn đề về vốn trước thì sẽ tạo ra rào cản cho những ý tưởng của mình.
Khởi nghiệp phải bắt đầu từ những ý tưởng mới, sự sáng tạo. Nếu không xuất phát từ những ý tưởng hay và mục đích cao cả thì sẽ giống như việc thấy người ta mở quán phở, mình cũng mở ra một quán phở chỉ để tạo ra thu nhập cho mình. Và cũng giống như việc mở ra một doanh nghiệp tương tự nhiều doanh nghiệp khác, sản xuất hay kinh doanh những sản phẩm như nhau để tìm kiếm lợi nhuận. Điều này không phải không tốt. Đất nước cũng cần rất nhiều doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp khác biệt hơn vì đó là hành trình hướng vào việc tạo ra giá trị mới, thật sự mới mà cộng đồng xã hội đang cần nhưng chưa có. Tinh thần đổi mới sáng tạo luôn là ánh sáng soi đường.
- Trong lĩnh vực nông nghiệp thì sao, thưa ông?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Lĩnh vực nông nghiệp tạo ra một dư địa lớn cho khởi nghiệp. Nhưng cũng không phải là thấy người ta trồng lúa thì mình trồng lúa, thấy người ta trồng thanh long bán được thì mình cũng trồng thanh long. Phải hiểu rõ được nền nông nghiệp đang ở đâu, đang có những giá trị gì rồi để đi tìm và tạo ra những giá trị cao hơn.
Ý tưởng cần bắt đầu từ việc tạo ra giá trị cho cộng đồng, để liên tục theo đuổi, trau dồi, và thúc giục hành động. Từ đó, làm nền tảng để thu hút vốn đầu tư. Một ý tưởng tốt chắc chắn sẽ tạo ra nguồn vốn để hiện thực hóa. Ý tưởng có tính cộng đồng càng sâu sắc khi tích hợp vào sản phẩm sẽ càng làm cho giá trị sản phẩm tăng cao.
Ý tưởng thường xuất phát từ một người, nhưng để hoàn thiện ý tưởng đó, phải cần đến nhiều người. Đó cũng là lý do mà các hệ sinh thái khởi nghiệp ra đời.
Không ai lủi thủi một mình mà khởi nghiệp thành công. Nếu thành công bước đầu thì sau đó cũng khó duy trì lâu dài, bởi ý tưởng, hiểu biết của một người là giới hạn. Nghĩ ra một sản phẩm nhưng trên thực tế có vô vàn sản phẩm đã ở trên các kệ hàng. Cạnh tranh, vượt lên như thế nào là một vấn đề.
Sản phẩm khởi nghiệp hàm chứa trong đó con người, tinh thần khởi nghiệp với mong muốn tạo ra giá trị cho cộng đồng, xuất phát từ những day dứt, những trăn trở từ cuộc sống, từ trách nhiệm với xã hội.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh với các bạn trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp - một lĩnh vực nhiều dư địa cho đổi mới sáng tạo nhưng lại gian nan hơn nhiều.
- Tôi từng đọc được chia sẻ của Bộ trưởng trên một bài báo, rằng quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp khởi nghiệp và trải nghiệm của bản thân đã hun đúc trong ông tinh thần khởi nghiệp, “máu đã nóng dần lên”. Sau này, khi không còn trên cương vị Bộ trưởng nữa, ông có quyết định làm một dự án khởi nghiệp cho riêng mình?
Bộ Trưởng Lê Minh Hoan: Cốt lõi của khởi nghiệp là tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho cuộc đời. Theo tinh thần đó, thì bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau và dù ở trên cương vị nào.
Khởi nghiệp là để thể hiện sự biết ơn và trả ơn những gì cuộc sống đã mang lại, khởi nghiệp để sống một cuộc đời có ý nghĩa, có giá trị hơn. Đất nước đang cần nhiều hơn sự hợp lực, cần nhiều hơn những người luôn có ý chí phấn đấu và tinh thần cống hiến, tạo ra những giá trị mới để có thể tiệm cận tới sự hùng cường, thịnh vượng.
Còn tôi, có lẽ vẫn sẽ tiếp tục hành trình “xúi” người ta khởi nghiệp. (Cười). Tôi thích tham gia vào những sự kiện về khởi nghiệp để chia sẻ, khích lệ, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp của những người trẻ, doanh nghiệp trẻ. Và rồi đây, tôi cũng sẽ làm một vài dự án dù nhỏ thôi, nhưng mang lại giá trị nào đó cho bà con nông dân. Nếu đã muốn làm thì sẽ thấy rằng còn rất nhiều thứ có thể làm.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện thú vị và cởi mở này!
Nguồn: https://reatimes.vn/bo-truong-le-minh-hoan-trach-nhiem-xa-hoi-doanh-nghiep-20201224000019905.html
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.