Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang 5 thị trường hàng đầu thế giới là: Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada và Italy.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt trên 211.000 tấn, đem về 474,44 triệu USD; tăng 51,4% về lượng và tăng 47,7% về trị giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021 tăng 24,4% về lượng và tăng 52% về trị giá.
VIỆT NAM ĐỨNG THỨ HAI THẾ GIỚI VỀ XUẤT KHẨU CÀ PHÊ
Tháng 3/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.248 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 2/2022, nhưng tăng 22,2% so với tháng 3/2021. Tính chung cả quý 1, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.230 USD/tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Quý 1/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 58.700 tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Với con số 1,3 tỷ USD, quý 1/2022 đã xác lập giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê tính theo quý cao nhất từ trước đến nay.
Theo phân tích mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2021 – 2022 giảm 2,1% xuống 167,2 triệu bao, trong khi đó, tiêu thụ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao.
Như vậy, thị trường cà phê thế giới niên vụ 2021-2022 sẽ ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục 3,1 triệu bao do sản lượng của Brazil thấp. Hiện quốc gia này là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, theo sau là Việt Nam.
Tổ chức Cà phê Quốc tế cũng cảnh báo cán cân cung – cầu cà phê có thể phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tăng trưởng kinh tế thế giới đi xuống, nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi chi phí trồng, chế biến, vận chuyển cà phê đều tăng do căng thẳng Nga – Ukraine leo thang.
Số liệu của ICO cho biết, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với lượng xuất đạt 11,6 triệu bao từ đầu niên vụ 2021-2022 đến nay, tăng mạnh 19,1% so với niên vụ trước đó.
Mức tăng này một phần là bởi cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp do các vấn đề về logistics, thiếu hụt container, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tắc nghẽn cảng biển tại các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu.
Brazil vẫn đứng vị trí thứ nhất về xuất khẩu cà phê, với hơn 40 triệu bao đã xuất đi từ đầu niên vụ đến nay.
Đứng thứ ba là Indonesia, với khối lượng xuất khẩu tăng 16,5% lên 3,6 triệu bao. Mức tăng này là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp cà phê hòa tan.
Indonesia đã xuất khẩu 1,1 triệu bao cà phê hòa tan trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay so với 0,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2020-2021.
Tuy nhiên trên thị trường thế giới, trong nửa đầu tháng 4/2022, giá cà phê Robusta giảm do nguồn cung tăng và áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 5/2022. Trong khi Việt Nam vừa kết thúc vụ thu hoạch cà phê, thì Brazil và Indonesia cũng bắt đầu thu hoạch cà phê Robusta vụ mới.
Nhu cầu thị trường còn bị tác động bởi căng thẳng Nga – Ukraine và những vấn đề trong hoạt động logistics. Dự báo, giá cà phê Robusta sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 15/4), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe – London kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 4 USD (0,19%), giao dịch tại 2.087 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 6 USD (0,29%) giao dịch tại 2.099 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 1,45 Cent (0,64%), giao dịch tại 223,6 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 1,4 Cent/lb (0,62%), giao dịch tại 223,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
QUÝ 2 PHẢI CẠNH TRANH GAY GẮT VỚI CÀ PHÊ BRAZIL
Với thị trường trong nước, từ đầu tháng 4/2022 đến nay, giá cà phê cũng giảm nhẹ khoảng 2.000 đồng so với cuối tháng 3/2022, hiện xuống mức 40.000 – 41.000 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam) mới đây đưa ra dự báo giá cà phê robusta xuất khẩu trong thời gian tới sẽ còn chịu áp lực giảm giá trong vòng 2 tháng tới. Nguyên nhân do dòng vốn đầu cơ chảy mạnh vào dầu thô do căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Trong quý đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam được vào thế “một mình một chợ” do không phải cạnh tranh với Brazil. Tuy nhiên thời điểm này, Brazil và Indonesia đều là 2 nước sản xuất cà phê chủ lực ở Bán cầu Nam đang bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê mới, khiến trong tháng 4 đến tháng 6, lượng cung cà phê sẽ tăng đột biến.
Mới đây, Rabobank đưa ra mức điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê arabica của Brazil niên vụ mới 2022-2023 sẽ tăng 31,8% lên 41,1 triệu bao. Trong khi đó, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu do lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn. Vì vậy, trong ngắn hạn nhu cầu
Tuy phải cạnh tranh gay gắt trong quý 2, nhưng đánh giá của các chuyên gia về thị trường cà phê trong năm 2022 cho thấy, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang 5 thị trường hàng đầu thế giới là: Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada và Italy.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi sẽ giúp thúc đẩy tiêu thụ cà phê trở lại. Xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan ngày một gia tăng giúp tăng lợi thế cho cà phê Robusta của Việt Nam. Robusta là nguyên liệu được sử dụng trong chế biến cà phê hòa tan và Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
Với EU, đây hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất, chiếm hơn 16% thị phần. Với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan nhờ Hiệp định EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại EU là rất tiềm năng khi có 93% dòng thuế về 0%. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến.
Vào thời điểm này, xuất khẩu cà phê Việt Nam vào Nga đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là lại cơ hội cho cà phê Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU và Mỹ khi giao thương cà phê giữa Nga và EU bị ngừng trệ.
Một trong những thị trường trọng điểm tại châu Âu mà ngành cà phê Việt Nam cần chú trọng khai thác, đó là nước Anh. Nhập khẩu cà phê của Vương quốc Anh từ Việt Nam trong năm 2021 giảm 35,5% về lượng và giảm 31,1% về trị giá so với năm 2020, đạt 34,65 nghìn tấn, trị giá 66,16 triệu USD.
Thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại để giúp doanh nghiệp giành lại thị phần đã mất trong năm 2021, mở rộng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này.
Theo các chuyên gia cà phê, để nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA và EVFTA mang lại, doanh nghiệp Việt Nam phải tổ chức sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn Anh và tiêu châu Âu, đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn.
Đặc biệt, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.
Theo VnEconomy