Kinh tế thế giới không chấp nhận sự vị kỷ
KTSG: Trong năm 2021, nền kinh tế thế giới không phục hồi sau đại dịch Covid-19 như kỳ vọng mà xem ra lại đối diện với những bất ổn khó lường và dai dẳng hơn. Một số quan điểm cho rằng, thực trạng này bắt nguồn sự áp đặt vị kỷ của những thực thể kinh tế nắm ưu thế trong nguồn cung nhiên liệu, nguyên liệu, là thị trường sản xuất hoặc tiêu thụ lớn… Ông bình luận như thế nào về ý kiến trên?
– Ông Bùi Kiến Thành: Trước hết, chúng ta phải nhìn vào toàn cảnh nền kinh tế thế giới. Trong hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… suy giảm nghiêm trọng cả ở chiều sản xuất và tiêu dùng. Nhiều gói hỗ trợ đời sống người dân, kích thích nền kinh tế trị giá hàng ngàn tỉ đô la Mỹ được tung ra, một mặt làm tiêu hao nguồn lực các quốc gia, một mặt là một trong số nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát kỷ lục tại Mỹ, châu Âu hiện nay. Chuỗi cung ứng đứt gãy do chính sách zero Covid của Trung Quốc, nguồn cung năng lượng cho châu Âu bị kẹt và vấn đề đặc biệt trầm trọng sau khi xung đột Ukraine nổ ra, chính sách thúc đẩy nền kinh tế phát triển xung đột với mục tiêu kiềm chế lạm phát tại Mỹ… là các nhân tố làm giảm đà hồi phục của kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh ảm đạm như vậy, mỗi nền kinh tế đều tìm cách vận dụng mọi phương cách để đạt được lợi ích lớn nhất cho mình. Châu Âu gây áp lực, có những động thái phi thị trường trong vấn đề năng lượng với Nga với mục đích kiểm soát giá năng lượng từ Nga. Cuộc chiến Ukraine tạo điều kiện để ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ phát triển và khi châu Âu “cai” dầu và khí đốt từ Nga, Mỹ xuất khẩu năng lượng ở mức kỷ lục sang khu vực này, với mức giá đắt đỏ hơn.
Không nên và không thể đổ lỗi cho “mặt trái của kinh tế thị trường” bởi lẽ không một nền kinh tế thị trường nào khuyến khích doanh nhân gian dối, lừa lọc, làm giàu bằng mọi giá.
Về phần Trung Quốc, dù trên lý thuyết chuỗi cung ứng từ “đại công xưởng” bị gián đoạn, số liệu của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển cho thấy, tỷ trọng của Trung Quốc trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu đã tăng trong suốt đại dịch Covid-19, từ 13% năm 2019 lên 15% cho đến cuối năm 2021. Hàng hóa vẫn đến được nơi cần đến, chỉ là với giá thành cao hơn.
Có thể thấy, trong một số trường hợp, nước lớn có thể áp đặt chính sách để gây bất lợi cho đối phương. Thế nhưng, không phải lúc nào họ cũng đạt được mục đích, điển hình nhất là nhiều nước châu Âu như Đức, Hungary đã có những phản ứng về vấn đề năng lượng cũng như các lệnh trừng phạt Nga.
Về dài hạn, sự áp đặt vị kỷ như câu hỏi đã nêu không thể tồn tại. Kinh tế toàn cầu được vận hành trên các mối quan hệ đan xen, phụ thuộc vô cùng phức tạp. Không thể làm hại một thực thể kinh tế này mà không ảnh hưởng tới các thực thể kinh tế khác và cả kinh tế toàn cầu.
Mặt khác, một nước Mỹ lớn mạnh sẽ là thị trường màu mỡ hơn cho hàng hóa Trung Quốc, các khu vực kinh tế phát triển sẽ khiến hoạt động giao thương xuyên suốt, mang lại lợi nhuận cho các đối tượng tham gia. Thế nên, không ai dại gì làm tổn hại tới lợi ích của chính mình. Đó là chưa kể, dù muốn, một quốc gia đơn lẻ cũng không thể đi ngược với con đường phát triển tất yếu của toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới.
KTSG: Thưa ông, với điều kiện như vậy, toàn cầu hóa có thể không phải lúc nào cũng thuận chiều. Sự góp mặt ngày càng sâu rộng hơn của kinh tế số sẽ có tác động như thế nào tới toàn cầu hóa? Tạm gọi đây là toàn cầu hóa kiểu mới, chúng ta phải nhận diện quá trình này như thế nào?
– Thế giới sẽ kết nối với nhau thậm chí còn chặt chẽ hơn trước. Đầu tiên là về hạ tầng công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương buôn bán toàn cầu chỉ hoạt động thông suốt trên một nền tảng chung. Những nước phát triển phải chia sẻ công nghệ với những nước kém phát triển hơn và bằng cách đó, mở rộng không gian tồn tại.
Để Việt Nam có được những doanh nghiệp, doanh nhân được thế giới kính trọng, tôi tin rằng, đây là nhiệm vụ khả thi. Thứ nhất, phải xây dựng được hạt giống tốt, hạt giống đó phải được gieo trồng ở mảnh đất đủ nước, đủ ánh sáng, có lượng khoáng chất, vi chất phù hợp nhất với loại cây trồng, không có mầm bệnh.
Ở chiều ngược lại, các nước kém phát triển phải vươn lên, tiếp nhận không chỉ công nghệ mà cả các vấn đề quản lý để có thể trở thành đối tác công bằng, tự chủ trong việc điều hành nền kinh tế.
Thứ hai là vấn đề dữ liệu. Mỗi quốc gia sẽ phải có một trung tâm dữ liệu và mỗi trung tâm này phải kết nối với nhau tạo nên “sàn dữ liệu” của toàn thế giới, là cơ sở để nền kinh tế số vận hành. Chính điều này sẽ san bằng tính riêng lẻ, sự kiểm soát thông tin theo chính sách của từng quốc gia, ngăn chặn sự áp đặt thông tin chủ quan của bất cứ thực thể nào tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu.
Thứ ba, vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới sẽ không còn phụ thuộc vào một vài quốc gia mà nằm trong tay của những tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Các doanh nghiệp trên toàn thế giới liên kết với nhau như các mạch máu tuần hoàn trong thân thể, được điều khiển bởi cùng một hệ thần kinh não và doanh nghiệp là đại diện của các quốc gia trong thời đại kinh tế số. Nếu trễ nải, không kịp thích ứng, không có nội lực, nền kinh tế sẽ bị bỏ lại phía sau, thuần túy là thị trường cho hàng hóa, công nghệ từ các nước phát triển.
Việt Nam là mảnh ghép nào?
KTSG: Vậy là, vẫn có sự thịnh vượng chung nhưng sự phân chia nguồn lợi, tài sản sẽ khó có thể công bằng. Để giữ được vị thế độc lập, để vừa tận dụng ưu thế của nền kinh tế mở, thân thiện vừa hạn chế tối đa rủi ro do những biến động bất ngờ từ thế giới, Việt Nam nên phát triển kinh tế theo đường hướng nào, theo ông?
– Ở tầm vĩ mô, phải suy nghĩ về việc mở rộng hơn khung thể chế kinh tế của chúng ta. Bản thân cơ thể kinh tế Việt Nam đã cao lớn, mạnh mẽ hơn. Một thể chế kinh tế thông thoáng, tiệm cận tiến tới hòa nhập với khuôn khổ, quy tắc hoạt động chung của kinh tế toàn cầu sẽ tạo điều kiện cho chúng ta tiếp thu các tiến bộ trong công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý doanh nghiệp, ngoại thương… Đặc biệt, trong toàn cầu hóa với vai trò không thể phủ nhận của kinh tế số, nếu không chủ động, nền kinh tế sẽ chịu sức ép khiến nó buộc phải thay đổi.
Về các nhiệm vụ cụ thể, không phải ngẫu nhiên khi kinh tế toàn cầu khó khăn, xu hướng bảo hộ nội địa lại phát triển. Trong khi đó, Việt Nam đã hiểu thị trường 100 triệu dân và đã khai thác được nó chưa? Chúng ta có chính sách bán hàng, phát triển kênh phân phối cho hàng hóa Việt Nam ra sao? Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và Nhà nước, doanh nghiệp với doanh nghiệp đã thể hiện như thế nào để giữ vững và phát triển thị trường trong nước?
Trong vấn đề ngoại thương, kim ngạch cả trăm tỉ đô la Mỹ/năm mang lại lợi nhuận như thế nào hay chúng ta không thực sự bán hàng mà mới chỉ bán sức lao động trong các hàng hóa xuất khẩu? Tại sao các doanh nghiệp Việt chỉ đang bán hàng qua trung gian, chứ không bán trực tiếp trong khi theo một vị lãnh đạo doanh nghiệp dệt may, chỉ cần bán trực tiếp được 10% thì lợi nhuận thu được tăng lên 30%? Chúng ta đã tham khảo các mô hình Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) hay Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) để tìm ra cách thức phát triển ngoại thương phù hợp với điều kiện Việt Nam hay chưa?
Chúng ta đã nghĩ tới việc sản xuất hàng hóa ở phân khúc trung lưu và cao cấp vốn ít bị tác động bởi sự suy yếu của nền kinh tế nói chung và lợi thế so sánh của Việt Nam nếu theo đuổi mục tiêu này là gì? Với ưu thế sẵn có về lực lượng sản xuất và các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ chọn là mảnh ghép nào trong bức tranh xuất khẩu nói riêng và bức tranh kinh tế thế giới nói chung?
Doanh nhân phải có chữ “nhân”
KTSG: Trên con đường phát triển của Việt Nam, doanh nhân giữ vị trí trung tâm. Thế nhưng, khi ở nhiều nơi, thước đo sự thành đạt của một doanh nhân là tiền bạc, xe sang, thậm chí cả người đẹp, chúng ta vẫn buộc phải chứng kiến việc làm giàu dựa trên sự gian dối, lừa lọc… Chúng ta phải nhìn thẳng vào căn nguyên của thực trạng trên và tìm lời giải như thế nào?
– Không nên và không thể đổ lỗi cho “mặt trái của kinh tế thị trường” bởi lẽ không một nền kinh tế thị trường nào khuyến khích doanh nhân gian dối, lừa lọc, làm giàu bằng mọi giá.
Vấn đề ở đây có thể chính là một nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, vẫn còn chỗ cho quan hệ xin – cho và nếu doanh nghiệp tận dụng được mối quan hệ sẽ đạt được lợi ích vô cùng lớn. Sự bất bình đẳng trong cơ hội thành công tạo nên tâm lý chạy đua kiếm tiền, coi đồng tiền là mục đích tối thượng bất chấp luân lý, đạo đức. Điều này có thể sửa đổi bằng cách hoàn thiện thể chế kinh tế, giáo dục, đào tạo về văn hóa doanh nhân, tổ chức các câu lạc bộ như các mô hình Rotary Club, Jaycees Club, Metropolitan Club, Union League Club… (Mỹ) thành nơi các doanh nhân hội họp, bàn bạc cơ hội hợp tác làm ăn, cung cấp dịch vụ cộng đồng thúc đẩy tính chính trực, thiện chí và hiểu biết trong hệ thống doanh nghiệp nói riêng và trong toàn xã hội nói chung. Mỗi doanh nhân ngồi một góc suy nghĩ thì chỉ như một cây đũa, hợp tác với nhau mới thành bó đũa, đó là việc cộng đồng doanh nhân cần làm.
Trên hết, phải tâm niệm Việt Nam là một dân tộc có đạo lý. Doanh nhân phải có chữ “nhân”. Họ cố hết sức mình để lãnh đạo doanh nghiệp đạt được lợi nhuận tối đa nhưng không được làm những điều trái pháp luật, trái đạo lý gây hại cho người khác.
KTSG: Bàn về tính dân tộc, một vị CEO thành công của Ấn Độ cho rằng: “Một công ty muốn được thế giới kính trọng phải bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa dân tộc mình”. Ông có chia sẻ quan điểm này không? Làm thế nào để Việt Nam có được những doanh nhân, doanh nghiệp như vậy?
– Doanh nhân, doanh nghiệp hay bất cứ cá nhân nào đều không được quên cái gốc của mình. Chúng ta là người Việt Nam, đừng biến mình thành một kẻ nửa người nửa ngợm, Tây không ra Tây, ta chẳng ra ta. Một con người chối bỏ nguồn gốc, tổ tiên thì sẽ không được tôn trọng ở bất cứ đâu.
Dù vậy, cũng không nên khư khư, tự cao, tự đại với văn hóa của dân tộc mình mà phải học tập, tiếp thu tinh hoa của các dân tộc khác, từ đó, hoàn thiện con người cá nhân, lựa chọn cách thức ứng xử xứng đáng nhất với tự nhiên, xã hội và vươn tới những giá trị trường tồn, vĩnh cửu.
Còn để Việt Nam có được những doanh nghiệp, doanh nhân được thế giới kính trọng, tôi tin rằng, đây là nhiệm vụ khả thi. Thứ nhất, phải xây dựng được hạt giống tốt, tức là đội ngũ doanh nhân có kiến thức, hiểu biết về thị trường, có bản lĩnh, có văn hóa.
Hạt giống đó phải được gieo trồng ở mảnh đất đủ nước, đủ ánh sáng, có lượng khoáng chất, vi chất phù hợp nhất với loại cây trồng, không có mầm bệnh.
Nghĩa là, trước tiên chúng ta phải loại bỏ các yếu tố cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn nạn chi phí không chính thức. Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI cho thấy, năm 2021 khoảng 41% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức và 5% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải dành 5-10% doanh thu cho khoản chi này. Đó là cái ách rất nặng, không chỉ cản trở mà còn kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp.
Tiếp đến, cơ quan quản lý nhà nước phải lựa chọn chiến lược phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, xác định nhóm ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên nguồn lực cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đó lớn mạnh, có thể cạnh tranh và cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới.
Cuối cùng, như người Mỹ thường nói: “Vấn đề không phải chỉ là bạn biết gì mà là bạn biết ai”, các nhà lãnh đạo phải tạo điều kiện để doanh nhân trong nước kết nối với đội ngũ doanh nhân, chuyên gia, cố vấn, lực lượng Việt kiều đã thành danh ở nước ngoài với kinh nghiệm, ý tưởng mới, những người trong và ngoài chính quyền… để học hỏi, tiếp thu, tận dụng các mối quan hệ có ích cho hoạt động của doanh nghiệp.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/con-duong-sang-nao-cho-kinh-te-viet-nam/
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.