LTS: Tại hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản với Trung Quốc ở Lạng Sơn ngày 14/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có bài chia sẻ sâu sắc về thị trường rộng lớn này. Báo Nông nghiệp Việt Nam lược ghi ý kiến của Bộ trưởng. Tựa trong bài do tòa soạn đặt.
Chúng ta đã có cái nhìn rõ hơn, xa hơn, dài hơn về thị trường Trung Quốc. Không muốn đề cập sâu hơn về vấn đề kỹ thuật, tôi muốn chúng ta dừng lại, ngẫm nghĩ để bước sang một trang mới trong lịch sử giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Tôi có dịp tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2022 và tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Campuchia, tôi hiểu được sự cam kết chính trị thông qua các các cuộc làm việc của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, trong đó có quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc, để làm sao kiến tạo được đối tác toàn diện trong giai đoạn lịch sử mới.
Cơ hội cũng mở ra từ những các tuyên bố cấp cao của Tổng Bí thư hay Thủ tướng để mở rộng giao thương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông sản, thủy sản. Ở chiều ngược lại, khi làm tốt công tác giao thương chúng ta cũng góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống như kỳ vọng của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Qua đó, tôi muốn nói đến vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, với một sứ mạng rất cao cả. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử thương mại nông sản giữa 2 nước, từ những chiếc ghe đẩy nông sản qua sông Hồng, từ đường mòn - lối mở, từ chợ cóc... dần dần đã tiến đến xuất nhập khẩu chính ngạch theo chủ trương của lãnh đạo cao nhất của 2 quốc gia.
Đó là một chặng đường có đi có lại, bổ sung cho nhau, hỗ trợ cho nhau. Nếu chỉ nói đến buôn bán mà chúng ta không nhìn rộng ra ở lịch sử bang giao, quan hệ thương mại nông sản lâu đời giữa 2 nước thì chúng ta cũng không hiểu hết được giá trị của ngày hôm nay, so với những gì của ngày hôm qua.
Tôi được biết, chính những thương nhân Trung Quốc, trong quá trình giao thương, buôn bán với chúng ta đã chia sẻ các kỹ thuật trồng cây như thanh long và các rau củ quả để nông dân Việt Nam áp dụng, nâng cao hiệu quả canh tác. Qua đó có thể thấy, ngoài câu chuyện buôn bán, giữa 2 nước còn có sự chia sẻ, chuyển giao thành tựu nông nghiệp với người nông dân Việt Nam.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam và đến nay, các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về lúa gạo vẫn có sự kính trọng rất lớn đối với Giáo sư, Viện sỹ Viên Long Bình, cha đẻ lúa lai của Trung Quốc và nhân loại.
Năm 2021, khi ông Viên Long Bình qua đời, tôi đã có thư chia buồn với gia đình của Giáo sư và đến nay, nhiều chuyên gia của Việt Nam vẫn xem ông như người thầy trong lĩnh vực lai tạo giống lúa.
Qua đó, tôi muốn nói rằng khi nói về giao thương, buôn bán nông sản chúng ta cần có những cái nhìn rộng lớn như vậy để chúng ta trân quý những đối tác, những bạn hàng, những người đang nhập khẩu hơn 70% sản lượng trái cây của Việt Nam.
Thời nhà Thanh (Trung Quốc), có một thương nhân rất thành công là Hồ Tuyết Nham, ông có một triết lý là buôn bán phải có tầm nhìn. Nếu bạn có tầm nhìn trong thôn, bạn chỉ buôn bán được trong thôn, nếu có tầm nhìn trong huyện, chỉ buôn bán được trong huyện... nếu có tầm nhìn toàn thiên hạ thì có thể buôn bán trong toàn thiên hạ.
Do đó, hôm nay chúng ta không chỉ còn là tầm nhìn buôn bán trong làng, trong xã nữa mà phải bán ra cả thế giới, trong đó có Trung Quốc. Chúng ta phải xác lập lại tầm nhìn với Trung Quốc, mỗi doanh nghiệp, mỗi hiệp hội ngành hàng phải có một tâm thế để có thể đạt được kỳ vọng của các lãnh đạo cấp cao về mục tiêu thương mại trong bối cảnh mối quan hệ truyền thống, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đó.
Trong kinh doanh, người Trung Quốc có rất nhiều triết lý như "buôn có bạn, bán có phường" hay "một lần bất tín, vạn lần bất tin" được đúc rút ra từ hàng ngàn năm. Vì vậy, chúng ta cần hiểu, định hình những triết lý kinh doanh này để tầng lớp thương nhân Việt Nam có thể ngồi đồng đẳng, tự tin với bạn hàng Trung Quốc.
Điều tôi muốn nói là chúng ta hãy từ bỏ tư duy buôn chuyến trước đây, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thuơng và Bộ Ngoại giao sẽ cùng nhau trình Chính phủ về một chiến lược lâu dài trong hợp tác thương mại song phương với Trung Quốc để hai bên có thể tận dụng mọi cơ hội của nhau, bổ sung cho nhau trong qua trình giao thương.
Tôi muốn nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng thị trường Trung Quốc, không chỉ gần gũi, tiềm năng mà còn có sự tin cậy lẫn nhau để cùng nhau phát triển lâu dài.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, các bạn là những người đại diện cho một quốc gia, đi giao thương với một quốc gia khác, đó không còn là câu chuyện lợi nhuận thuần túy nữa.
Tôi mong muốn các bạn sẽ trở thành đại diện của Việt Nam để giao thương với Trung Quốc, qua đó, chúng ta sẽ tự nâng tầm của mình, tự hào hơn, trách nhiệm hơn trong mỗi hành trình, mỗi chương trình hợp tác.
Có quan điểm cho rằng lợi nhuận là mục tiêu theo đuổi lớn nhất của mỗi doanh nghiệp, nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất. Điều căn bản ở đây là thông qua kinh doanh, chúng ta tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và trên con đường hoàn thành sứ mạng cao cả đó, chúng ta thu lại lợi nhuận.
Xét trên quan điểm đó, bản chất kinh doanh không phải việc tư mà là việc công. Do đó, dù là doanh nghiệp tư nhân thì cũng nên thường xuyên suy nghĩ trên góc độ cho cộng đồng, cho đất nước.
Tôi không xem các doanh nghiệp tham dự ở đây hôm nay là tư nhân hay nhà nước, với tôi các doanh nghiệp đều là nguồn lực của đất nước trong quá trình phát triển, với tâm thế đó, tôi mong rằng tất cả đều đồng đẳng, bình đẳng, gần gũi với nhau.
Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cùng với nhau, hình thành một hệ sinh thái để trao cho nhau sức mạnh, truyền cho nhau năng lượng, truyền cho nhau trách nhiệm trong kinh doanh.
Về câu chuyện xây dựng thương hiệu, tôi cho rằng chừng nào chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu cho các thương nhân, doanh nhân thì rất khó để xây dựng được thương hiệu cho từng mặt hàng nông sản.
Thương hiệu, với tôi là cái hiệu để người ta thương, đơn giản vậy thôi, thương vì chữ tín, vì tầm nhìn, vì tri thức, về trách nhiệm... tất cả những điều đó tạo nên thương hiệu, chứ không phải là một con dấu, một nhãn hàng để dán lên các nông sản. Và thương hiệu đó cần xây dựng lâu dài, liên tục, có sự kiểm chứng chứ không phải chỉ qua quảng cáo, giới thiệu trong một chuyến hàng.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi chúng ta muốn phát triển bền vững thì phải dựa vào xương sống là cộng đồng doanh nghiệp. Nếu cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững thì giao thương phát triển bền vững.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam luôn luôn đề cao thị trường Trung Quốc, một thị trường truyền thống, đặt trong mối quan hệ hữu nghị được xác lập giữa những lãnh đạo cấp cao của hai nước. Do đó, chúng ta có sứ mệnh, có trách nhiệm giữ gìn thông điệp đó bằng trách nhiệm của mình với chương trình hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Các hiệp hội ngành hàng có thể ngồi lại với nhau, để xem ngành hàng của mình để phát triển mạnh hơn nữa ở thị trường Trung Quốc thì cần làm gì nữa. Bộ NN-PTNT luôn mong muốn các hiệp hội hãy là người bạn đồng hành, giúp Bộ, giúp Bộ trưởng có được nhiều thông tin, sáng kiến, kế hoạch để định hình tốt hơn trong giao thương với thị trường Trung Quốc.
Thương nhân là hình ảnh quốc gia, buôn bán cũng nói lên cốt cách của một quốc gia, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói Việt Nam là một quốc gia trách nhiệm trên thế giới, trách nhiệm đó không phải khẩu hiệu, mà nằm trong từng mối quan hệ với từng quốc gia. Cụ thể, trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, chúng ta hướng đến một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Năm 2023, Bộ NN-PTNT lấy là năm chuẩn hóa lại toàn bộ công tác quản lý nhà nước, trong đó chuẩn hóa từ khâu sản xuất đến cung ứng, logistics, hợp tác với các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc. Bây giờ chúng ta sẽ không ngẫu hứng nữa, tất cả sẽ phải chuẩn hóa, phải minh bạch để tất cả các doanh nghiệp thấy rằng chúng ta đang chuyên nghiệp hóa, dù tôi biết nhiều đơn vị đã chuyên nghiệp từ lâu.
Chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA: Biến động, Bất định, Phức tạp, Mơ hồ. Như khi Covid-19 xuất hiện, mọi điều có thể thay đổi và rồi sẽ có gì tiếp theo.
Với ngành nông nghiệp, chúng ta đang đứng trước 3 biến rất lớn đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Khi không thể thay đổi được thị trường, thì chúng ta phải tự thay đổi, linh hoạt, phù hợp với thị trường.
Về biến chuyển xu thế tiêu dùng, có thể thấy quan điểm Trung Quốc là thị trường dễ tính đã thay đổi hoàn toàn, đến nay tiêu chuẩn của bạn ngày càng cao để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong khi mức sống cũng ngày càng tăng. Do đó, chúng ta không thể áp dụng cách sản xuất cũ, cách buôn bán cũ đối với một thị trường đã gần như thay đổi toàn bộ.
Những điều đó cho thấy, các hiệp hội cần ngồi lại với nhau, tạm thời chưa tính đến lợi nhuận mà hãy định vị lại tâm thế mới của mình để bước vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới, tầm nhìn mới hiện nay. Đôi khi chúng ta phải chậm lại, ngồi cùng với nhau để cùng nhau đi xa hơn.
Trên thị trường, không chỉ có Việt Nam xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, còn các nước ở Đông Nam Á, ở châu Mỹ Latin... đo đó, ngoài sự cạnh tranh trong nước, còn có sự cạnh tranh quốc tế. Do đó, tốt nhất là tất cả cùng ngồi lại, hợp lực lại, đoàn kết lại để cạnh tranh với thế giới.
Chúng ta cần nắm được thông tin về những quốc gia có nông sản tương đồng, về sản xuất, về đóng gói, về vận chuyển... tất cả những điều đó, chúng ta cần nắm được thì mới có được thắng lợi, như một câu nói của người Trung Quốc là "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".
Về vai trò dẫn dắt, kiến tạo, khơi thông thị trường, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và nhiều Bộ ngành đã cùng vào cuộc, nhưng bây giờ là đến vai trò của doanh nghiệp, đồng hành cùng kế hoạch của Chính phủ thì chúng ta mới có được thành công.
Thắng lợi một vài chuyến hàng chưa nói lên điều gì, thắng lợi trong 1, 2 năm cũng chưa nói lên sự bền vững của một ngành hàng, vì cái đích cuối cùng vẫn còn xa, cần phải có sự hợp lực, xây dựng trong nhiều năm, nhiều chục năm mới có được sự bền vững.
Bán cái chúng ta có, hay bán cái thị trường cần, câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng đôi khi lại rất khó, khó vì thói quen, khó vì sức ì, khó vì sự bằng lòng sau thành công trong vài chuyến hàng, cho rằng đã tốt rồi, không cần cải thiện nữa. Do đó, chúng ta cần phải xem mọi sự cạnh tranh như sống còn hàng ngày để có được thành công.
Câu chuyện cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ ngày hôm nay, đó là bài học của tỷ phú Lý Gia Thành dạy con, theo ông nếu ăn chia với bạn hàng theo đúng năng lực là 7 và 3, thì con hãy nhận 6 phần, cho đối tác 4 phần. Đó không phải là thiệt vì nếu làm như vậy sẽ có hàng trăm bạn hàng mới tìm đến, lúc đó thì không phải là mất 1 phần mà sẽ là được 600 phần.
Điều tôi muốn nói là chúng ta khi buôn bán với bạn hàng Trung Quốc, chúng ta có thể học hỏi những kinh nghiệm, những bài học mà họ đã đúc rút ra, chỉ cho nhau để có được thành công trên thế giới.
Trên đây là những suy nghĩ mà tôi muốn chia sẻ với các doanh nghiệp, doanh nhân về thị trường Trung Quốc. Tôi biết nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã làm rất tốt trong giao thương với đối tác Trung Quốc nhưng điều tôi mong muốn là làm sao thành công đó được lan tỏa ra nhiều người hơn, để cả cộng đồng có chung một tâm thức như vậy.
Khi đó, thị trường Trung Quốc không chỉ có quy mô như hiện nay mà còn lớn gấp 10, gấp 100 lần, đem lại thành công lớn hơn cho ngành nông nghiệp của chúng ta.