Vậy chưa đầy 5 tháng nữa, doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm ngành trên muốn xuất sang EU thì… căn cước phải rõ ràng. Qua được cửa hay không, không phải chờ tới lúc đó mới rõ, khi hiện tại đang đặt trên bàn những ngổn ngang dễ thấy, báo trước, và bây giờ không còn là chuyện thích thì làm…
Đó là những nội dung mà Bàn tròn Tạp chí Nông thôn Việt kỳ này đề cập, mà câu chuyện tìm giải pháp gỡ khó vẫn là ưu tiên.
Tham gia Bàn tròn có Tiến sĩ (TS) Rui Ludovino - Tham tán Thứ nhất về Hành động Khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội (Phái đoàn EU tại Việt Nam), TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc Tế (Bộ NN&PTNT), TS. Trương Quang Hoàng - Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung (CRD - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế), Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), TS. Nguyễn Thị Tươi - Khoa Nông Lâm (Trường Đại học Đà Lạt). Người mời trà là ông Nguyễn Đức Quang - Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt.
Ông Nguyễn Đức Quang: Với EUDR, giới quản lý nhà nước lẫn DN liên quan hẳn là biết, nhưng nông dân thì chưa chắc, thậm chí có thể với họ đó là những lời đồn dùng để làm khó họ, và họ cần người trong cuộc lên tiếng. Ở Việt Nam chúng tôi gọi là “chính danh”. Thay vì thấy, thì bây giờ ta nghe. Thưa ông Rui Ludovino, mọi người đang rất muốn nghe ông nói rõ hơn một chút về EUDR…
Ông Rui Ludovino: Với quy định về các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng, EUDR đặt ra các yêu cầu đối với các công ty, không phải đối với các quốc gia hoặc nhà sản xuất ở nước thứ ba. Cơ chế này giúp thay đổi từ hành động tự giác thành khung pháp lý, bằng cách bắt buộc các công ty khi đưa sản phẩm vào thị trường EU hoặc xuất khẩu sản phẩm từ đó phải thực hiện thẩm định bắt buộc.
Tôi muốn nói thêm rằng, EUDR không mang tính bảo hộ vì nó không phân biệt đối xử. Các sản phẩm được trồng và chế biến trong và ngoài EU đều được đối xử bình đẳng. Nó áp dụng cho những mặt hàng có tác động lớn nhất đến nạn phá rừng, dựa trên các chứng thực mang tính khoa học. Các mặt hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định gồm có: dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm phái sinh.
Riêng đối với Việt Nam, các sản phẩm sẽ ảnh hưởng bởi EUDR là cà phê, gỗ và các sản phẩm từ gỗ như đồ nội thất, cao su.
Ông Nguyễn Đức Quang: Tôi nghĩ khi đã không phải là bảo hộ, thì thiện chí trong các quyết định cũng không phải là zero, bởi thị trường là tạo điều kiện hợp tác bắt tay làm ăn, đôi bên cùng có lợi. Các nước xuất khẩu vào EU, ngoài tiềm năng thì cơ sở kinh tế xã hội khác nhau, do đặc thù từng nước. Sự hỗ trợ khung pháp lý, chính sách, vốn, công nghệ để các nước như Việt Nam nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu EUDR, là rất cần.
Ông Rui Ludovino: Để hỗ trợ việc triển khai Quy định, Ủy ban châu Âu, các Phái đoàn EU trên toàn thế giới và các Quốc gia Thành viên EU đã tích cực tiếp cận các bên liên quan bằng các hình thức khác nhau. Trong đó, “Sáng kiến toàn cầu của Nhóm châu Âu về Chuỗi giá trị không phá rừng” đã được khởi xướng với nguồn tài trợ hơn 80 triệu €, bao gồm chương trình “Nông nghiệp bền vững cho các hệ sinh thái rừng (SAFE)” ở Việt Nam, Cơ sở kỹ thuật về Chuỗi không phá rừng - một dự án tiếp cận cộng đồng chuyên dụng, gọi là “Tăng cường tham gia EUDR” cũng được thực hiện.
EU cũng tích cực hỗ trợ các bên liên quan trong việc tuân thủ EUDR bằng cách cung cấp hướng dẫn và thông tin cụ thể dựa trên các câu hỏi nhận được, chẳng hạn như danh sách các câu hỏi thường gặp, website “Đài quan sát của EU về nạn phá rừng và suy thoái rừng”, hay như các hướng dẫn sẽ được công bố trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Quang: Còn với chúng ta, phải xem việc này là cực kỳ quan trọng, bởi đó là sự sống còn của các ngành kinh tế lớn. Vậy, về phía Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam, thông tin này được tiếp nhận như thế nào?
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Ngay từ giai đoạn Ủy ban châu Âu (EC) dự thảo Quy định EUDR, Bộ NN&PTNT đã chủ động tìm hiểu và phối hợp với Liên minh Châu Âu giới thiệu về EUDR và trao đổi về các định hướng giải pháp tuân thủ quy định này với cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp 3 ngành hàng cà phê, gỗ, cao su từ tháng 6 năm 2022, trước khi quy định này được ban hành vào 6/2023.
Vì vậy, mặc dù còn nhiều thách thức, hầu hết các doanh nghiệp đã biết và tìm hiểu thông tin để thích ứng với EUDR.
Ông Nguyễn Đức Quang: Tuy diện tích ba ngành hàng gỗ, cà phê, cao su ổn định từ lâu, diện tích nhỏ, rủi ro về mất rừng sau ngày 30/12/2020 tương đối thấp, nhưng có hai vấn đề là hộ nông dân (tiểu điền) tham gia đến hàng triệu; nhiều thương lái tham gia chuỗi cung ứng không số hóa quy trình từ mua hàng đến xuất bán cho DN.
Đây là “cửa tử” của việc truy xuất nguồn gốc. Chưa nói, có thực trạng ở miền núi là rất nhiều đất hộ gia đình chưa có sổ đỏ, vì thế không chứng minh được có phải đất phá rừng hay không. Thật là khó…
Ông Nguyễn Chánh Phương: Thách thức là số lượng hộ tiểu điền quá lớn, đi kèm hạn chế trong tìm hiểu thủ tục giấy tờ, gây khó trong công tác quản lý, và họ cũng khó kham nổi các chi phí cho việc đó. Ngoài việc chưa có sổ đỏ, thì có các vấn đề khác phức tạp hơn như sai khác vị trí, diện tích giữa bản đồ và thực tế không khớp; không tách thửa nên xảy ra trường hợp một chủ đất nhưng nhiều chủ sử dụng…
DN phải cùng tham gia tháo gỡ với nông dân, nhưng nhà nước thì cũng không thể đứng ngoài vì đất đai liên quan quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Hiện nay, nông dân có thể thu thập dữ liệu về các tọa độ địa lí của các khu vực sản xuất khá dễ dàng và miễn phí, chẳng hạn như bằng cách dùng điện thoại di động và các ứng dụng số hóa phổ biến khác như Hệ thống Thông tin Địa lí (Geographic Information Systems, GIS). Nếu khu vực sản xuất không thay đổi, thì chỉ cần thu thập dữ liệu một lần.
Với doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan chia sẻ cơ sở dữ liệu về rừng và vùng trồng, bản đồ địa chính… để phục vụ truy xuất nguồn gốc đến vườn.
Về phía quản lý nhà nước, Bộ đã phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH tổ chức triển khai giải pháp thí điểm phương pháp định vị vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của EUDR tại 4 huyện Krông Năng, Cư M’gar, Ea H’leo (Đắk Lắk) và Di Linh (Lâm Đồng). Từ đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương và công ty nhanh chóng tiến hành thu thập dữ liệu để sẵn sàng khai báo cho phía EU.
Ông Nguyễn Đức Quang: Theo Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), Việt Nam phải cam kết tất cả hàng gỗ sang EU là hợp pháp, đi cùng phải có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Hợp pháp ở ta, chỉ cần đưa giấy tờ ra, ngọn hay gốc đều được, nhưng với EUDR là cả một chuỗi. Đúng là cam go. Bây giờ không thể tùy tiện nữa đã đành, mà điều quan trọng là thứ đã mua thì tính làm sao giấy tờ hợp pháp, khi lui cũng thấy thiếu tới cũng thấy hụt.
Ông Nguyễn Chánh Phương: Hiện nay, quá trình thúc đẩy tiến trình thực hiện VPA-FLEGT là khá chậm. Đến nay cũng chưa có giấy phép nào được cấp. Tuy vậy hiện vẫn chưa có ảnh hưởng tiêu cực gì lớn đến các doanh nghiệp gỗ. Bởi VPA-FLEGT thực chất chủ yếu là chuyển giao quyền quản lý từ phía Châu Âu sang Việt Nam, việc kiểm soát chất lượng vùng trồng và các tiêu chuẩn đó sẽ do nhà nước Việt Nam quản lý. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa làm xong hệ thống cơ sở dữ liệu để thực hiện việc này. Muốn giải quyết vấn đề nói trên chỉ có cách duy nhất là ứng dụng công nghệ trong toàn chuỗi cung ứng.
Ông Trương Quang Hoàng: Đúng vậy, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (chỉ mới đáp ứng phần nào yêu cầu của EUDR và FLEGT) còn rất khiêm tốn so với tổng diện tích rừng trồng nguyên liệu trên cả nước.
Ngoài ra, gỗ rừng trồng còn phải tuân thủ yêu cầu khác về gỗ hợp pháp như là: gỗ khai thác phải có bảng kê lâm sản; mua bán, vận chuyển phải có hoá đơn chứng từ...
Các giải pháp tháo gỡ theo tôi bao gồm nâng cao nhận thức và hiểu biết của DN nhỏ và hộ trồng rừng về EUDR, VPA-FLEGT; thúc đẩy liên kết giữa các hộ trồng rừng với nhau và với DN, xây dựng các quy định pháp lý về thực hiện EUDR…
Ông Nguyễn Đức Quang: Việt Nam nhập gỗ nguyên liệu từ 100 quốc gia, trong đó chủ yếu là viên nén từ mùn cưa của các loại gỗ khác nhau, với sản lượng khoảng 1,5 đến 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, chiếm 30 - 40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Hẳn quý vị đều biết, các bản tin gỗ lậu nhập qua đủ đường lâu lâu lại rộ lên, nóng sốt. Mà đã lậu, thì làm sao “nhà có số, ngõ có đường”. Lỡ mà mua, thì rủi ro pháp lý là chắc chắn.
Ông Nguyễn Chánh Phương: Mỗi năm Việt Nam nhập khoảng hơn 2 tỷ USD tiền gỗ nguyên liệu từ 3 vùng. Tuy không chính thức nhưng chúng ta biết có khả năng có thể có nhập lậu, nhập từ vùng có nguồn gốc truy xuất không rõ ràng, và từ vùng của các nước phát triển, không có rủi ro (như Mỹ, Châu Âu, các nước quản trị rừng bền vững như Brazil, Chi Lê).
Việc lập một hệ thống về truy xuất nguồn gốc cho toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ không hề đơn giản. DN không thể một mình thực hiện được.
Ông Trương Quang Hoàng: Tôi cho rằng các DN nhập khẩu gỗ ở Việt Nam chỉ cần tập trung chứng minh toạ độ dựa trên hồ sơ gỗ hợp pháp của DN xuất khẩu theo pháp luật của nước sở tại. EUDR cũng như VPA-FLEGT đã có quy định về phân vùng rủi ro/vùng địa lý tích cực và vùng địa lý không tích cực.
Ông Nguyễn Đức Quang: Khi đọc được quy định trên, nói thật tôi cũng quan ngại. Tây Nguyên chẳng hạn, nhìn đâu cũng thấy cà phê. Càng cao giá thì “trăm hoa đua nở”. Quản lý đất đai thì lỏng lẻo. Bây giờ, cái danh xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới đang khiến người trồng, người bán ngồi trên lửa. Với tiến độ trên, mà thực tế thì bày ra đó, tôi nghĩ, nếu không xuất khẩu được, liệu có thể uống cà phê thay cơm?
Bà Nguyễn Thị Tươi: Khi Quy định này được thực thi sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc đến các tác nhân trong chuỗi cung ứng ngành hàng cà phê và tới sinh kế của nông hộ, đặc biệt là các nông hộ quy mô nhỏ lẻ.
Quy định của EUDR: Tất cả những mảnh vườn canh tác có diện tích từ 0,3ha trở lên đều phải được định vị GPS, còn những mảnh lớn hơn 4ha cần thêm cả polygons. Đối với cây cà phê, Việt Nam có đến gần 650 ngàn nông hộ nhỏ lẻ và trang trại cà phê với quy mô nhỏ, khoảng dưới 1ha. Nếu tính số mảnh vườn có diện tích từ 0,3ha trở lên thì trung bình một nông hộ sẽ có từ 2 - 3 mảnh, trong đó vẫn còn những mảnh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy việc xác định đất sản xuất của nông hộ trồng cà phê có liên quan đến việc lấn chiếm đất rừng hay không sẽ trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.
Nếu không giải được bài toán này thì ngành cà phê sẽ phải “đứng ngoài cuộc chơi” ở thị trường EU.
Ông Nguyễn Đức Quang: Nếu là đất liên quan phá rừng, thì lời giải là chuyển đổi mục đích sử dụng và trồng rừng, trồng cây khác chứ không phải cà phê. Bởi không chuyển, thì chịu chết, ai cho xuất đi? Mà chuyển ư? Một mình nông dân đâu có làm được, từ giấy tờ đến vốn liếng và kiến thức để biết chuyển sang cây gì cho phù hợp?
Bà Nguyễn Thị Tươi: Xác định GPS của từng mảnh vườn và chứng minh rằng những mảnh vườn đó không có nguồn gốc từ phá rừng, là việc phải làm. Hiện nay nhiều tổ chức, chương trình và các công ty tại Việt Nam đang tiếp cận theo cách này.
Một đối tác của chúng tôi là Enveritas đang thực hiện việc xác định đó. Qua khảo sát họ khẳng định rằng chưa đến 0,1% trong số gần 650 ngàn nông trại cà phê nông hộ nhỏ lẻ có nguồn gốc liên quan tới phá rừng. Vì vậy, giải pháp đề xuất cho việc minh chứng tất cả các trang trại cà phê của Việt Nam không liên quan đến việc phá rừng, nên tập trung vào việc hỗ trợ cho 0,1% các trang trại đang trồng cà phê có liên quan đến việc phá rừng để họ chuyển đổi sang trồng cây rừng hoặc các cây trồng khác mà không phải là cà phê, tiêu, ca cao, cao su. Phương pháp tiếp cận ngược này sẽ giúp tiết kiệm thời gian công sức nhiều lần.
Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Còn về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê cũng nên hỗ trợ kinh phí cho các nông hộ thực hiện việc này để thể hiện việc thu mua, kinh doanh cà phê một cách có trách nhiệm và bền vững.
Ông Nguyễn Đức Quang: Cũng như cà phê, hộ trồng cao su tiểu điền ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất cao với trên 265.000 hộ (số liệu năm 2019). Hơn 60% nguồn cung cao su thiên nhiên của Việt Nam là do hộ tiểu điền cung cấp. Ngoài ra, một diện tích rất lớn trồng cao su là từ đất rừng tự nhiên. Hơn 4 triệu ha rừng đã bị đốn hạ để dành đất cho cao su, kể từ những năm 1990.
Việc truy xuất nguồn gốc sẽ như thế nào? Đây có phải là “hạn” lớn của ngành cao su? Nếu không xuất được hơn 700 ngàn tấn mủ cao su do tiểu điền khai thác từ tự nhiên vì khó đáp ứng tiêu chuẩn EUDR, lượng mủ khổng lồ đó sẽ đi về đâu?
Thưa quý vị, cao su thì đàn hồi, nhưng EUDR thì không co giãn…
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Nhìn chung, diện tích cao su đại điền, đặc biệt phần diện tích thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) (gần 300.000ha) là diện tích tập trung. Hiện nay, gần 2/3 diện tích này đã đạt chứng chỉ bền vững VFCS/PEFC nên mức độ rủi ro thấp. Đối với diện tích cao su tiểu điền (ước lên đến 600.000ha), chúng tôi sẽ xem xét áp dụng phương pháp thu thập dữ liệu như với ngành hàng cà phê. Thêm vào đó, cũng cần tính tới việc truy xuất nguồn gốc đối với mủ cao su và gỗ cao su nhập khẩu từ các nước khác theo quy định EUDR.
Đối với nguồn cung cao su nhập khẩu vào Việt Nam, ví dụ cao su tự nhiên nhập khẩu từ Campuchia và Lào bao gồm nhiều khía cạnh rất phức tạp: Không cho phép việc thực hiện truy xuất nguồn gốc; nguồn cung này được trộn với các nguồn cung trong nước, đưa vào chế biến thô và xuất khẩu; nguồn cung xuất khẩu này được xuất khẩu sang Trung Quốc để tạo ra các sản phẩm cao su xuất khẩu vào EU và một số quốc gia khác.
Việc cần làm là thúc đẩy đối thoại, hợp tác với các bên liên quan, đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam và Lào, cả ở cấp Chính phủ và cấp Hiệp hội, giúp cải thiện khả năng tuân thủ các quy định EUDR.
Ông Nguyễn Đức Quang: Các nước xung quanh Việt Nam đang phản đối quy định của EUDR, nếu Việt Nam tuân thủ tốt, thì cửa càng rộng, được cả nhiều đường: Tạo giá trị xuất khẩu, đảm bảo môi trường xanh theo chuỗi sản xuất, mang lại sức mạnh nội tại cho DN và nông dân… Tôi tin chúng ta sẽ thay đổi và nhanh chóng tiếp cận, bởi đó là cơm áo và danh dự.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt gần 450 triệu USD, tuy nhiên vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ (chỉ 1,9%) trong tổng giá trị nhập khẩu gỗ của EU. Việc tuân thủ EUDR là cơ hội để tăng lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị phần mặt hàng gỗ tại EU, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu nhà sản xuất trách nhiệm, minh bạch, bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Chánh Phương: Tuân thủ tốt EUDR sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam cả về kinh tế lẫn chính trị. Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu dĩ nhiên sẽ đáp ứng những tiêu chuẩn tương tự của các quốc gia khác.
Ông Rui Ludovino: EUDR là một cơ hội vì nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các sản phẩm thương mại công bằng và thân thiện với môi trường. Bằng cách đảm bảo các sản phẩm không gây phá rừng, môi trường tự nhiên sẽ được bảo vệ, qua đó đảm bảo nền tảng sinh kế. Hơn nữa, thế giới ngày càng có các nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm mang tính bền vững và không bắt nguồn từ nạn phá rừng.
Việc sở hữu dữ liệu định vị địa lý mang lại cho nông dân vị thế độc lập hơn và vững chãi hơn trong chuỗi giá trị, giúp đưa đến các mức giá công bằng hơn thông qua việc có nhiều chuỗi cung ứng trực tiếp hơn. Một chuỗi giá trị minh bạch và dễ truy xuất hơn có thể giúp các hộ sản xuất nhỏ tiếp cận các thị trường mới và tập trung vào tính bền vững của sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Quang: Cảm ơn quý vị về những chia sẻ thú vị này.
Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/eudr--5-thang-nua-se-biet-ai-cau-thu-ai-khan-gia.ngn
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.