Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN phù hợp với mong muốn của cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại
Theo các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay cần tiếp tục giảm thì sức cầu vốn mới có thể quay trở lại.
Lãi suất đồng loạt giảm
Đầu tuần này, lãi suất huy động tại các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh sau khi quyết định hạ thêm 0,3-0,5% lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 4,9-5,5%/năm, lãi suất cao nhất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên chỉ còn 8,8%/năm. Đây là lần thứ hai NHNN hạ lãi suất điều hành chỉ trong vòng một tháng, đón đầu và đi trước xu hướng hạ lãi suất bắt đầu diễn ra trên thế giới.
Thông tin lãi suất giảm được các ngân hàng thương mại đón nhận tích cực. Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành, cũng như công bố đang xây dựng chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp rất vui mừng và kỳ vọng.
GDP quý I/2023 tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011, tín dụng tháng đầu năm chỉ tăng hơn 2%, ngân hàng thừa vốn trong khi tỷ giá ổn định… là nguyên nhân khiến NHNN đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành, mong muốn cầu tín dụng sẽ tăng thời gian tới.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, sau 2 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, NHNN đã phát đi thông điệp rõ ràng về chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức hấp thụ của nền kinh tế suy yếu, lãi suất phải giảm thêm mới có thể kích cầu tín dụng tăng trở lại.
Tình cảnh tréo ngoe đang diễn ra trong khối doanh nghiệp: nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đủ điều kiện vay, song không có nhu cầu vay vốn do thiếu đơn hàng xuất khẩu và chê lãi suất cao. Nhóm doanh nghiệp còn lại (doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa…) chấp nhận lãi suất, mong muốn vay vốn, song không đủ điều kiện vay.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, dù lãi suất điều hành đã hạ, nhưng lãi suất cho vay nhiều ngân hàng vẫn trên 10%/năm. Với lãi suất này, doanh nghiệp không có lãi. Hơn nữa, điều kiện vay vốn của ngân hàng rất khắt khe. Vì vậy, nếu không “mềm hóa” quy định về thế chấp, định giá tài sản, thì doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn. Ngoài ra, với nhiều doanh nghiệp, vấn đề giãn, hoãn nợ đang cấp bách hơn vấn đề tiếp cận vốn mới khi hàng loạt khoản vay cũ có nguy cơ chuyển nhóm nợ.
Hạ chuẩn tín dụng, nên hay không?
Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN phù hợp với tình hình thực tế thị trường, cũng như mong muốn của cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Trước khi NHNN đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành, từ đầu năm đến nay, có ít nhất 24 ngân hàng giảm lãi suất.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, giảm lãi suất cũng là mong mỏi của hệ thống ngân hàng, bởi hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp có khởi sắc, thì hiệu quả kinh doanh của ngân hàng mới được nâng lên. Do đó, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là rất hợp lý, vừa định hướng vừa tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, qua đó giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Việc NHNN hai lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành là phù hợp với xu hướng trên thế giới, cũng như tình hình sức khỏe của hệ thống tài chính trong nước. Lãi suất giảm có ý nghĩa hết sức tích cực trong bối cảnh sức cầu vốn của nền kinh tế suy yếu, tín dụng giảm mạnh. Cách điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất của NHNN thời gian qua cho thấy sự linh hoạt, thận trọng, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, giữ an toàn hệ thống, vừa hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
- TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Tuy nhiên, đối với việc hạ chuẩn cho vay và giãn, hoãn nợ, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… gặp khó khăn, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Tuy vậy, trong bối cảnh rủi ro tăng cao, việc hạ chuẩn tín dụng, nới lỏng điều kiện vay có thể làm gia tăng nguy cơ nợ xấu ngân hàng. Việc giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu cũng có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước mắt, song sẽ đẩy rủi ro về tương lai.
Trả lời báo chí liên quan đến việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp tuần qua, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, NHNN đang nghiên cứu chính sách giãn, hoãn nợ để tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng thương mại thực hiện. Tuy vậy, việc giãn, hoãn nợ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng cả về đối tượng lẫn mức độ, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn cho các ngân hàng.
“Giãn, hoãn nợ, song phải đảm bảo không làm sai lệch bản chất nợ xấu của nền kinh tế, không để giãn nợ nhằm che giấu nợ xấu và cũng phải đảm bảo thanh khoản, năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Chính vì vậy, để việc giảm lãi suất phát huy hiệu quả, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng không kém là phải có giải pháp đồng bộ gỡ khó cho doanh nghiệp để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Muốn làm được điều này, rất cần có thêm các chính sách hỗ trợ khác để cộng hưởng cùng chính sách tiền tệ, như tháo gỡ pháp lý cho thị trường bất động sản, gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…
Đáng mừng là, cuối tuần qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Cũng đầu tháng 4/2023, NHNN đã ban hành hướng dẫn triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi. Với những động thái này, cùng với hàng loạt giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản, cơ cấu nợ trái phiếu doanh nghiệp trước đó, giới chuyên gia kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ có thêm trợ lực, dần vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Theo Hà Tâm
https://baomoi.com/lai-suat-giam-doanh-nghiep-van-de-dat-vay-von/c/45480191.epi
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.