Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) xuất hiện một loài ve sầu hoàn toàn mới gây hại trên cây cà phê khiến nhiều hộ nông dân trồng cà phê lo lắng.
Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã có báo cáo kết quả bước đầu về việc kiểm tra thực tế tình hình loài ve sầu mới xuất hiện tại Lâm Hà này.
Trước tình hình cây cà phê trên địa bàn có một loài ve sầu lạ tấn công, ngày 17/5/2013, Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà đã có văn bản chính thức báo cáo gửi đến các cơ quan chức năng của huyện Lâm Hà và tỉnh Lâm Đồng. Nhận được báo cáo, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã cử cán bộ chuyên môn về Lâm Hà để điều tra nắm bắt tình hình.
Đến tuần cuối tháng 6, báo cáo kết quả bước đầu qua đợt khảo sát, kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho thấy, trên địa bàn huyện Lâm Hà hiện có hơn 50ha cà phê bị loài ve sầu hoàn toàn mới này tấn công.
Chiều dài sải cánh của loài ve sầu hoàn toàn mới chưa được định danh khoa học và chưa biết vũ hóa từ đâu (ảnh: Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng)
Mức thiệt hại như sau: Diện tích bị thiệt hại nặng (tỷ lệ từ 62,5% - 75%) là 0,85ha; diện tích bị hại ở mức trung bình (37,5% - 50%) là 5ha; và diện tích còn lại (45ha) bị thiệt hại nhẹ (tỷ lệ 12,5% - 25%). Và, chỉ số cành trên cây cà phê bị hại tương ứng với các mức nặng, trung bình và nhẹ là 10% - 15%, 3% - 5% và 1% - 2,5%.
Cũng qua kết quả khảo sát của Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, loài ve sầu hoàn toàn mới khi trưởng thành có đặc điểm hình thái là trên lưng có màu đen, dưới bụng có màu vàng cam và sau đuôi có gai nhọn. Về kích thước, con trưởng thành dài từ 55 – 60mm, chiều rộng của thân từ 20 – 22mm, chiều dài sải cánh từ 100 – 115mm.
Trứng của loài ve sầu mới có màu trắng, kích thước dài khoảng 2mm, đường kính của trứng trung bình là 0,5mm; trứng được đẻ chủ yếu ở các cành cấp 2 của cây cà phê. Bởi chưa được định danh khoa học nên dựa vào quan sát đặc điểm nổi bật ban đầu, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng trong một văn bản báo cáo đã tạm gọi loài ve sầu này là “ve sầu bốn chấm”.
Cũng theo kết quả quan sát của cán bộ chuyên môn tại thực địa, con trưởng thành của “ve sầu bốn chấm” chỉ mới xuất hiện cục bộ ở một vài vùng cà phê tại các thôn thuộc huyện Lâm Hà; trong một vườn, loài ve sầu “bốn chấm” cũng chỉ xuất hiện rải rác trên một số cây; trên một cây, tỷ lệ xuất hiện của chúng cũng không cao (không dày).
Cành cấp 2 trên cây cà phê bị ve sầu “bốn chấm” gây hại
Loài ve sầu mới “bốn chấm” thường đẻ trứng và gây hại chủ yếu trên cành cà phê cấp 2, không hại cành cấp 1, với chỉ số cành bị hại phổ biến từ 1% - 5%. Qua quan sát cho thấy, loài ve sầu mới “bốn chấm” đã dùng vòi chích vào cành xanh cấp 2 để đẻ trứng nên đã làm cho các cành dinh dưỡng phát triển kém, khả năng phát triển chồi ngọn và lá non giảm đáng kể.
Theo các tài liệu chuyên môn, nếu kể cả loài ve sầu hoàn toàn mới với tên tạm gọi là “ve sầu bốn chấm” vừa xuất hiện thì hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang tồn tại 6 loài ve sầu gây hại cây cà phê.
Trong đó, 5 loài đã được Viện Bảo vệ thực vật định danh khoa học là ve sầu phấn trắng (Dundubia nagarasagna Distant), ve sầu nâu đỏ (Purana pigmentata Dustant), ve sầu nhỏ (Purana guttularis Walker), ve sầu cánh vân (Pomponia daklakensis Sanborn) và ve sầu lưng vằn (Haphsa bindusa Distant).
Cho đến lúc này, cơ quan chức năng chưa phát hiện được ấu trùng ve sầu “bốn chấm” tại các cây cà phê và các vườn cà phê bị loài ve sầu hoàn toàn mới này gây hại. Điều quan trọng nữa là, cũng cho đến lúc này, theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cơ quan chức năng cũng chưa xác định được loài ve sầu “bốn chấm” hoàn toàn mới này được vũ hóa từ đâu để đến gây hại trên diện tích cà phê của huyện Lâm Hà.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.