Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tám tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, nhập khẩu 28,28 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu của ngành nông nghiệp là 11,8 tỷ USD, tăng 68,4%.
Chỉ riêng trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu nông sản chính đạt 2,99 tỷ USD (tăng 22,6%), lâm sản 1,45 tỷ USD (tăng 4,7%), thủy sản 900 triệu USD (tăng 5%). Kim ngạch xuất khẩu ngành chăn nuôi là 46,5 triệu USD (giảm 4,8%) và đầu vào sản xuất 161 triệu USD (giảm 23%).
Tính chung 8 tháng, xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu cũng tăng, đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6%; trong đó kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 21,32 tỷ USD, tăng 24%; lâm sản 10,97 tỷ USD, tăng 19,7%; thủy sản 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; chăn nuôi 324 triệu USD, tăng 0,3%. Chỉ riêng đầu vào sản xuất trong 8 tháng giảm 6,8%, đạt 1,23 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,24 tỷ USD (tăng 20,6%); càphê 4,03 tỷ USD (tăng 36,1% với lượng hơn 1 triệu tấn, giảm 11,9%); gạo 3,85 tỷ USD (tăng 21,7% với lượng 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%); hạt điều 2,77 tỷ USD (tăng 21,7% với lượng 487.000 tấn, tăng 22,9%); rau quả 4,63 tỷ USD (tăng 30,6%); tôm 2,41 tỷ USD (tăng 9,5%); cá tra 1,2 tỷ USD (tăng 8,2%).
Giá xuất khẩu bình quân của một số mặt hàng xuất khẩu cũng tăng cao như: Gạo 625 USD/tấn, tăng 14,8%; càphê 3.805 USD/tấn, tăng 54,5%; cao su 1.567 USD/tấn, tăng 16,6%; hạt tiêu 4.810 USD/tấn, tăng 47%; chè 1.756 USD/tấn, tăng 2,2%. Riêng giá hạt điều giảm 1%, còn 5.701 USD/tấn.
Trong 8 tháng năm 2024, giá trị xuất vào các thị trường đều tăng; trong đó giá trị xuất khẩu sang châu Á là 19 tỷ USD (tăng 15,7%); châu Mỹ 9,3 tỷ USD (tăng 22,3%); Châu Âu 4,8 tỷ USD (tăng 30,5%); châu Phi 747 triệu USD (tăng 5,5%) và châu Đại Dương 563 triệu USD (tăng 12,8%).
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất, trong đó giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5%; Trung Quốc chiếm 20,4%, tăng 10,2% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 4,6%.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á-Âu...; tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Ngoài các thị trường lớn, trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ Nhật Bản, EU, ngành nông nghiệp cũng đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
Trong tháng 8/2024, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết 3 nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Việc mở cửa sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc-những sản sản phẩm tiềm năng của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả cũng như nông sản nói chung thời gian tới.
Cũng trong tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam. Hai bên cũng đã khởi động quy trình xem xét đối với một số trái cây mới của Việt Nam như: Chanh không hạt, ổi, mít và bàn bạc về việc đa dạng hóa các biện pháp kiểm dịch thực nhằm giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hai nước./.