Language Translation
.
logo_khong_nen_khong_chu_tai_web
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM
Vietnam Coffee Cocoa Association ( Vicofa )
Bền vững - Năng suất - Chất lượng - Giá trị gia tăng
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Người đưa Cà phê Việt lên bản đồ thế giới

Ngày đăng: 10-05-2024

Trong căn nhà tập thể cũ kỹ trên phố Hoàng Ngọc Phách (Hà Nội), người đàn ông vừa qua tuổi 90 đón tôi bằng những bước đi lẫm chẫm cùng chiếc gậy ba-toong. Từ giọng nói, cử chỉ đều chậm rãi. Biểu hiện không thể khác của tuổi già. Duy chỉ ánh mắt còn tinh anh và đầu óc đặc biệt minh mẫn. Một ông lão nhiệt huyết và thông tuệ. Nhất là khi vào chuyện với chủ đề về cà phê.

 

ong_nhan

Ông cụ đưa ánh mắt: Kia là danh hiệu Anh hùng Lao động nhờ thành tích đặc biệt trong thời kỳ Đổi mới. Đây là Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba nhờ thành tích xuất sắc đưa ngành cà phê phát triển… Và còn vô số những bằng khen, chứng nhận khác, những nét chấm phá của một cuộc đời đã "cháy hết mình với cà phê".

Nhưng tôi đặc biệt để ý đến một tấm ảnh đen trắng chụp lại bìa của một tờ tạp chí đã được lồng trong khung kính và treo ở một vị trí trang trọng trong căn phòng đã nhuốm màu thời gian như chính vị chủ nhân của nó.

Đó là nội dung của Tạp chí Tea and Coffee trade journal xuất bản vào tháng 12 năm 1999. Dường như ban biên tập của tờ tạp chí ấy đã dành phần lớn nội dung để vinh danh ông Đoàn Triệu Nhạn, 1 trong 3 nhân vật của năm theo bình chọn. Bài đinh của số ấy là "Mr. Coffee – Doan Trieu Nhan – Ha Noi, Viet Nam - Who can doubt Mr. Coffee?". Tên ông Nhạn có ngay ở trang bìa và tiếp đó là những bài viết phân tích vì sao trên các diễn đàn cà phê thế giới, mỗi khi nói đến cà phê của Việt Nam là nhắc tới “quý ông Đoàn Triệu Nhạn”.

Xin được trích một đoạn trong  những bài viết ấy, đại ý thế này: Trong cộng đồng cà phê quốc tế, Đoàn Triệu Nhạn được biết đến với biệt danh “Quý ông Coffee” của Việt Nam và được ghi nhận là người đã đưa cà phê của Việt Nam lên bản đồ thế giới. Người đã có mặt từ những ngày đầu của cà phê Việt Nam và đi suốt hành trình để đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu cà phê. Quý ông coffee cũng là diễn giả thường xuyên tại các diễn đàn quốc tế, ông là người đi đầu trong việc giành được sự chấp nhận của thế giới đối với cà phê Việt Nam. Từng làm Tổng giám đốc của Vinacafe, nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước, sau đó là Chủ tịch của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam. “Ảnh hưởng của Đoàn dường như có ở khắp mọi nơi trong ngành kinh doanh cà phê ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới”, Tea and Coffee trade journal đúc kết về ông Nhạn.

 

 

 

Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với “quý ông cà phê” chính từ sự vinh danh hơn 25 năm trước, ông Nhạn cười hiền, chỉ có thể lý giải là cơ duyên. Rồi rót một ly Arabica, thứ cà phê chè mọc trên những đỉnh núi cao của miền Tây Bắc. Thế hệ tớ không có nhiều sự lựa chọn. Đa phần là tổ chức phân công, nghề nó chọn mình để rồi sống chết với nó suốt cả cuộc đời, như ly cà phê này vậy, sẵn sàng hiến dâng những gì tinh túy nhất cho đời sống.  

“Thế hệ tớ” mà ông Nhạn nói, là những học sinh vùng kháng chiến, năm 1953 được tuyển chọn đi học ở Đại học Nông nghiệp Hoa Nam (Trung Quốc). Tổng cộng có 14 người, bao gồm cả ông Đoàn Triệu Nhạn và ông Nguyễn Công Tạn, sau này là Bộ trưởng Bộ NN – PTNT rồi Phó Thủ tướng Chính phủ. Một thế hệ dường như ai ai cũng vậy. Sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được phân công, sẵn sàng lên đường, miễn tổ chức cần và công việc đó có ích cho đất nước. Và quý ông cà phê cũng vậy. Học xong trở về ban đầu được phân công công tác tại Viện Nghiên cứu Thực vật nhiệt đới Phủ Quỳ, rồi Vụ Trồng trọt, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa trước khi “cà phê nó chọn mình” vào khoảng những năm 1980.

Đó là thời điểm Công ty Cà phê- Ca cao của Bộ Nông nghiệp mới được thành lập, mang sứ mệnh mở rộng diện tích để hợp tác với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Chỉ có điều, không có nhiều người am hiểu về loài cây người Pháp đưa vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ. Ngay cả nhóm học từ Trung Quốc về cũng chủ yếu được đào tạo về khoa học đất, trồng trọt, lúa má chứ chẳng có người nào được học về cà phê. Một sự khởi đầu không thể nào gian nan hơn được nữa.

Tháng 4 năm 1980, ông Nhạn đang là phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, một hôm Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu gọi lên bảo: Cậu đi trồng cà phê đi. Mới đầu nghe còn tưởng là nhầm, nhưng chỉ ít ngày sau đã phải xách ba lô hết vào Phủ Quỳ (Nghệ An) lại vào Nha Trang (Khánh Hòa)- những căn cứ sơ khởi của Công ty Cà phê- Ca cao giữ vai trò chủ nhiệm. Không có lương lẫn kinh phí hoạt động, bằng cách nào đó mấy con người thuở ban đầu ấy đã đi khắp vùng Tây Nguyên, thành lập được 4 nông trường quốc doanh và 1 trạm vật tư ở Nha Trang, đưa Trung tâm Nghiên cứu nông lâm nghiệp Eakmat trở thành Viện Nghiên cứu cà phê…

Đến cuối năm 1980, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu, Thứ trưởng Nguyễn Công Tạn đã có thể tổ chức một hội nghị về chương trình phát triển cà phê tại Nha Trang dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Võ Chí Công. Ông Đoàn Triệu Nhạn, người mấy tháng trước còn chưa hiểu về cà phê nhiều lắm, đã trình bày chương trình phát triển cà phê với 180.000 ha, sản lượng hơn 200.000 tấn. Gần như ngay lập tức, ông Võ Chí Công đồng ý và chỉ đạo chuyển trụ sở công ty lên Đắk Lắk. Cũng chỉ sau đó mấy hôm, Công ty Cà phê- Ca cao của Bộ Nông nghiệp đặt chân lên Tây Nguyên trong một doanh trại cũ nát của ngụy quân để lại.

 

 

 

Chủ nhiệm Đoàn Triệu Nhạn cũng chính là người xây dựng kế hoạch 5 năm đầu tiên của ngành cà phê Việt Nam. Theo đó chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 1980 – 1985 là trồng mới 40.000 ha. Xây dựng chương trình hợp tác và ký kết Hiệp định Hợp tác cà phê Việt - Đức, nghiên cứu thành lập Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam… Ông Nhạn trở thành Tổng giám đốc của Liên hiệp cà phê lớn mạnh nhất khu vực Tây Nguyên lúc bấy giờ. Liền sau đó là “những cuộc cách mạng” mà đến hôm nay, ở tuổi ngoài 90 ông Nhạn vẫn nhớ rõ mồn một.

Đầu tiên là tổ chức hội nghị cà phê nhân dân để mở rộng phong trào phát triển cà phê trông dân. Một cao trào phát triển cà phê gia đình sau đó đã nhanh chóng được mở rộng để đưa diện tích lên trên 100.000 ha rồi 200.000 ha, cà phê xuất khẩu cũng tăng nhanh từ 3-40.000 tấn lên hơn 100.000 tấn chỉ trong thời gian ngắn.

Cuối năm 1989 đến đầu năm 1990, Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam ra đời và tiến hành đại hội, Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam Đoàn Triệu Nhạn được bầu làm Chủ tịch đầu tiên. Cũng trong quãng thời gian đó, Việt Nam có đơn xin gia nhập tổ chức cà phê quốc tế ICO, ông Nhạn là một trong những thành viên được cử đi London để thuyết phục hội đồng quốc tế, đến đầu năm 1991, Việt Nam được công nhận chính thức là thành viên của ICO. Trực tiếp xuất khẩu cà phê, thành lập các công ty giám định xuất khẩu. Một chương mới mở ra với ngành cà phê Việt Nam.

Vào đầu thập niên 1990, Liên hiệp các xí nghiệp cà phê bước những năm tháng khó khăn, đòi hỏi đổi mới cách làm ăn. Lúc đó các hiệp định đều hết hiệu lực do Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu có nhiều biến động lớn. Và ở ngành cà phê Việt Nam cách quản lý theo kiểu hành chính bao cấp, kế hoạch hóa không còn nữa, họ phải tự bơi trong dòng chảy kinh tế. Thời gian đầu chưa thích nghi kịp, vườn cây không có phân bón, không được chăm sóc vì không có lương nên xuống cấp trầm trọng.

“Thay đổi hay là chết”, mệnh lệnh theo chế độ khoán thay thế bao cấp ngay lập tức được thực hiện. Công nhân nhận khoán vườn cây tự lo đầu tư và bộ mặt sản xuất thay đổi rõ rệt. “Tôi cùng Bộ trưởng về thăm vườn cây ở Ia Sao (Gia Lai), gia đình công dân chăm sóc vườn cây, đưa cả phân chuồng nhà mình ra bón cho cà phê. Vườn cà phê của Liên hiệp tốt hẳn lên, năng suất được nâng cao. Lúc này, xóa bỏ bao cấp, thay vào đó là lao động tự giác của người công nhân làm chủ vườn cây của mình. Sức mạnh của giai cấp công nhân ở đây đã làm thay đổi diện mạo của sản xuất. Vườn cà phê gia đình cũng được nông dân chăm sóc đầy đủ. Toàn ngành cà phê bước vào thời kỳ phát triển mới”, ông Nhạn nhớ lại.

 

 

 

 

 

Trong ký ức của “quý ông cà phê”, hóa ra những năm tháng khó khăn cũng là quãng thời gian đẹp nhất. Sức lực, trí tuệ của một thế hệ như lời ca của nhạc sĩ Tân Huyền viết về thời kỳ ấy “cuộc sống sinh sôi là chúng tôi lại lên đường, một gánh hành trang là tình yêu quê hương”. Khai hoang mở đất, xây hồ đắp đập, vỡ vạc trồng cà phê… Đồi xanh nhanh chóng thay thế rừng hoang. Thật đáng tự hào khi vùng cà phê do Liên hiệp đầu tư sản xuất và quản lý phủ khắp các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Theo chân người trồng cà phê, các khu dân cư, các thị tứ, thị trấn và cả thị xã mọc lên ngày càng sầm uất.

Có thể kể đến thị trấn Ea Knốp, nổi tiếng là trụ sở Đoàn 333. Ở đây có bệnh viện đa khoa, có phố xá nhộn nhịp vây quanh tượng đài người chiến sĩ giương cao súng và cành cà phê. Thị trấn nông trường 719 anh hùng là một địa chỉ đáng nể khi những anh bộ đội Trung đoàn 719 vừa sản xuất vừa xây dựng nên một khu dân cư với những dãy phố, nhà cửa san sát, đường trải nhựa, hai bên là dãy đèn cao áp. Trở về Buôn Ma Thuột, dọc con đường từ sân bay về thành phố, từ nơi hoang vắng ngày nào, với sự lớn mạnh của Xí nghiệp liên hợp cà phê Việt Đức, đã là những dãy phố xá tấp nập, nhà trường mới cho trẻ em đến trường, nhà cửa xây dựng nguy nga.

Con đường vào Viện nghiên cứu cà phê Eakmat, xưa kia hoang vắng đường lồi lõm khó đi thì nay cũng là con đường nhựa thênh thang, hai bên là cả ngôi nhà mới xây của cán bộ công nhân cà phê. Đường qua khu nhà chuyên gia, trước kia một thời đã có các chuyên gia từ các nước đến ở như Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức của các chương trình hợp tác về cà phê và một nhóm chuyên gia của Tổ chức phát triển Liên Hiệp quốc trong đó có Tiến sĩ Walyero phụ trách bộ môn di truyền chọn giống cà phê của Viện nghiên cứu cà phê Ruiru Kenya. Tất cả những điều đó là do tập thể cán bộ công nhân ngành cà phê, trong đó có cán bộ chiến sĩ 3 sư đoàn quân đội học tập và làm theo lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu.

 

 

Ông Nhạn nhớ, ngày mới giải phóng miền Nam một lần Đại tướng về thăm Tây Nguyên, trong buổi nói chuyện với đông đảo cán bộ, nhân dân, Đại tướng căn dặn: Phải xây dựng, biến Buôn Ma Thuột từ cái tên “Buồn muôn thuở”, “Bụi mù trời” thành thành phố “Bốn mùa tươi”. Vâng lời dạy của Đại tướng, ngành cà phê đã cố gắng cùng mọi người làm cho đất Tây Nguyên thành vùng bốn mùa tươi. Có cà phê, gia đình các nông dân cùng đổi mới giàu có hơn, nhiều buôn làng đã đổi thay, phố thị sầm uất.

Cùng với đó là những thành tựu cà phê rực rỡ. Nếu năm 1986, thời điểm Hội nghị cà phê nhân dân lần thứ nhất, diện tích cà phê cả nước mới có 65.000 ha thì đến năm 1990 diện tích đã tăng gấp đôi lên 135.000 ha. Sản lượng cà phê năm 1986 là 22.000 tấn đến năm 1990 đã tăng lên gấp 4 lần đạt 92.000 tấn cà phê nhân, xuất khẩu 68.000 tấn, thu về kim ngạch trên 50 triệu USD. Đến năm 1995 là năm kết thúc thời kỳ hoạt động của Liên hiệp, chuyển sang Tổng công ty cà phê Việt Nam, diện tích cà phê đạt trên 200.000 ha, sản lượng 245.000 tấn, xuất khẩu 222.000 tấn, kim ngạch đạt trên 533 triệu USD.

Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2000, diện tích đã lên hơn 530.000 ha, sản lượng và lượng xuất khẩu lên trên 700.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu cà phê lên gần 700 triệu USD, là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất. Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích cà phê cả nước khoảng 710.000ha, sản lượng đạt khoảng 1,84 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu lên mức cao kỷ lục mới là 4,18 tỷ USD.

 

 

 

 

Huân chương Lao động rồi Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới là những ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của ông Đoàn Triệu Nhạn cho ngành cà phê. Nhưng trong lòng người đàn ông sinh ra ở làng Mai Dịch, Hà Nội, niềm vui lớn nhất là nhìn thấy bức tranh sáng ngời của cà phê Việt và đời sống của hàng vạn người dân gắn bó với nó hôm nay.

Năm 1995, Tổng Công ty cà phê Việt Nam được thành lập. Ông Trần Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước được điều về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Đoàn Triệu Nhạn làm Phó Chủ tịch. Tổ chức phát triển cà phê chè ở Tây Bắc, tái canh và xây dựng ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển bền vững, sản xuất cà phê có giám sát chứng nhận… Một hành trình mấy mươi năm mà ông Đoàn Triệu Nhạn ví von rằng đã có những thời khắc lịch sử, quyết định lịch sử mới có được thành tựu to lớn của ngành hàng cà phê như bây giờ.

Ví như chương trình tái canh trồng thay thế những diện tích cà phê kém hiệu quả khoảng 100.000 ha mang đậm dấu ấn của nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam nơi ông Đoàn Triệu Nhạn là Chủ tịch. Hay bộ quy tắc chung cộng đồng về cà phê 4C… vừa làm trẻ lại những vườn cà phê vừa đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững. 

Gần 20 năm trước, chính ông Nhạn đã phối hợp cùng Cục Trồng trọt, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) là những thành viên đầu tiên hỗ trợ để Hiệp hội cà phê 4C (Common Code for the Coffee Community Assocuation)- tiền thân của Diễn đàn Cà phê toàn cầu GCP (Global Coffee Platform) triển khai ở Việt Nam.

Với cách tiếp cận phát triển cà phê bền vững, hướng tới nông dân sản xuất cà phê có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, GCP Việt Nam đã đóng góp tích cực vào phát triển ngành cà phê bền vững thông qua hỗ trợ thí điểm xây dựng mã số vùng trồng cho cà phê tại Tây Nguyên; xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất cà phê vối và cà phê chè bền vững; xây dựng tài liệu tạo thảm phủ thực vật trong sản xuất cà phê để ứng phó biến đổi khí hậu và hạn chế dùng thuốc trừ cỏ; xây dựng Sổ tay hướng dẫn quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) áp dụng cho cây cà phê; phối hợp với tổ chức lao động quốc tế (ILO)  xây dựng bộ tài liệu về vệ sinh an toàn lao động cho ngành cà phê; Hỗ trợ một số đơn vị của Bộ NN- PTNT, các doanh nghiệp cà phê và hợp tác xã triển khai công tác đào tạo tập huấn cho người sản xuất cà phê ở Tây Nguyên và Tây Bắc, khuyến kích tối thiểu 50% số người tham gia tập huấn là phụ nữ…

Đồng thời GCP đã hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật và một số tổ chức quốc tế nghiên cứu về rủi ro của những hoạt chất bảo vệ thực vật có thể dẫn chuyển sang mục hạn chế hoặc cấm sử dụng ở các quốc gia nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, để cảnh báo cho phía Việt Nam có giải pháp sớm ứng phó với các yêu cầu đó.

 

 

Trong thời gian tới GCP Việt Nam tiếp tục phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ NN- PTNT xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất cà phê giảm phát thải với chi phí thấp cho người sản xuất cà phê. GCP cũng sẽ cùng các thành viên là các nhà rang xay, nhà bán lẻ thương mại cà phê, tiêu chuẩn bền vững, cơ quan tài trợ, tổ chức tài chính và các tác nhân khác tiếp tục mục tiêu nâng cao thu nhập cho khoảng 225.000 nông dân sản xuất cà phê, góp phần nâng cao khả năng hội nhập quốc tế và phát triển bền vững hơn cho ngành cà phê Việt Nam.

Nhắc nhớ những câu chuyện đó lại thấy ông Đoàn Triệu Nhạn cười. “Với giá trị xuất khẩu hơn 4 tỷ đô la hiện nay, và quan trọng hơn là giá trị lao động từ bàn tay, khối óc và tâm hồn của người Việt cho thấy trong tương lai chắc chắn cà phê Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa”. Cảm nhận nụ cười ấy của ông vừa mãn nguyện lại hết sức giản dị, khiêm nhường, từ một người đã có đóng góp lớn lao cho ngành cà phê Việt Nam suốt gần nửa thế kỷ.

Quý ông cà phê Đoàn Triệu Nhạn - đó sẽ luôn là người được các chuyên gia nhắc đến trên các diễn đàn quốc tế mỗi khi nói về cà phê Việt Nam.

 

 Hoàng Anh
 Trương Khánh Thiện
 Hoàng Anh
 
https://nongnghiep.vn/nguoi-dua-ca-phe-viet-len-ban-do-the-gioi-d385708.html
THÀNH VIÊN ĐĂNG NHẬP
THỊ TRƯỜNG GIÁ CÀ PHÊ
Cập nhật hôm nay:
Giá định hướng ICOGiá trên sàn kỳ hạnGiá nội địa

Xem chi tiết >>>                             Chỉ số giá định hướng ngày: 12/08/2022

ĐVT: US cents/lb  

 

 

 

ICO Indicator prices
(US cents/lb)  12/08/2022

 

 

change

ICO Composite

201.65

+0.3%

Colombian Milds

296.41

+0.9%

Other Milds

270.12

+0.7%

Brazilian Naturals

221.83

-0.4%

Robustas

112.73

+0.5%

Xem chi tiết >>>                             Phiên giao dịch: 15/08/2022

ĐVT: USD/tấn (London)

US cents/lb (New York)

 

London

Giá khớp

Thay đổi

09/22

2256

+4

11/22

2265

+4

New York

Giá khớp

Thay đổi

12/22

221.55

-0.85

03/23

216.70

-0.85

Xem chi tiết >>>                            Ngày cập nhật: 25/07/2022

ĐVT: đồng/kg

 

 

Daklak:                

Mua xô: 43.400 đồng/kg cơ sở

Giao kho Daklak: 43.600 đồng/kg

Giao kho Bình Dương: 43.800 đồng/kg

R2: +200 đồng/kg so với xô

Mua R1 sàng 16: +800 đồng/kg

 

Gia Lai:                

Mua xô: 43.200 – 43.400 đồng/kg

 

Lâm Đồng:          

Mua xô: 43.400 – 43.600 đồng/kg

 



HỘI VIÊN LIÊN KẾT
lien_he_qung_cao
WEBSITE LIÊN KẾT
icobo_tai_chinhbo_cong_thngvcci_chuan_moi
cu_thuebo_nong_nghiephai_quantong_cuc_thong_ke
THÀNH VIÊN HIỆP HỘI
logo_mau_moiw

HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)

Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội

 

Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội

VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

 

Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818

E-mail: info.vicofa@gmail.com 

Website: www.vicofa.org.vn

 

Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.

 

                                                                 gf-icn-youtube gf-icn-facebook gf-icn-twitter gf-icn-instagram gf-icn-rss

Website is designed at tnweb.vn