Nông nghiệp lập nhiều kỷ lục
Giữa tháng 6, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An có hợp đồng xuất sang Hàn Quốc gần 17.000 tấn gạo, với giá 674 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, riêng thị trường Hàn Quốc, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã trúng thầu liên tiếp 3 hợp đồng xuất khẩu gạo lớn.
“Gạo năm nay có giá tốt. Trung An đều ký được các đơn hàng giá từ gần 600-1.500 USD/tấn. Đặc biệt, năm 2023 trong phân khúc gạo thơm ST xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp đã ký kết xuất khẩu với giá 1.250 USD/tấn”, ông Bình nói.
Những ngày này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục neo ở mức 508 USD/tấn - cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Đây cũng là mức giá cao nhất so các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp cũng tất bật gom mua gạo để trả đơn hàng xuất khẩu.
Tính đến hết tháng 6/2023, xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao kỷ lục, đồng thời ngành hàng này cũng lạc quan với kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt trên 4 tỷ USD trong năm nay.
Cùng với gạo, đơn hàng rau quả xuất khẩu cũng bùng nổ. Vải thiều của Việt Nam đã lên quầy kệ các hệ thống siêu thị lớn tại 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, giá từ 200.000-800.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi các loại rau quả khác, đặc biệt là sầu riêng tiếp tục đổ bộ thị trường Trung Quốc. Sầu riêng cũng được kỳ vọng trở thành trái cây tỷ USD trong năm nay.
Rau quả lập kỷ lục lịch sử khi thu về 2,75 tỷ USD trong nửa đầu năm nay với, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm trước, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận xét, ngành hàng này đem lại nhiều bất ngờ. Ông cho rằng, cứ đà này xuất khẩu rau quả sẽ thu trên 5 tỷ USD trong năm 2023.
Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Song, mức giảm đã nhỏ hơn những tháng trước cho thấy xuất khẩu dần phục hồi. Đáng nói, ngành nông nghiệp đã có 7 nhóm mặt hàng lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
“Những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ sẽ đạt được”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Du lịch bứt phá
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 3,72%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy tăng 3,07%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%. Đây vẫn là những nhân tố chủ lực đóng góp vào tốc độ tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.
Bà Hương nhấn mạnh, động lực tăng trưởng chính trong quý II và 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào khu vực dịch vụ. Với sự gia tăng của lượng khách du lịch trong nước và quốc tế, hoạt động du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã bứt phá ấn tượng khi thu hút gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 13,5 lần cùng kỳ năm ngoái và đạt 70% kế hoạch đặt ra cho cả năm 2023. Tổng số khách nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 64 triệu lượt.
Nhờ đó, tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 343.100 tỷ đồng. Ngành du lịch đã phục hồi 66% so với năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra đại dịch.
Điểm đáng ghi nhận, cả thị trường khách truyền thống và thị trường mới khai thác đều có tốc độ tăng trưởng rất tốt. Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về lượng khách đến Việt Nam, với hơn 1,6 triệu lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế. Xếp theo sau là thị trường Trung Quốc, tuy mới mở cửa cho khách đoàn vào Việt Nam từ 15/3, song đã tăng tốc với 557.000 lượt người trong 6 tháng. Đứng thứ ba là thị trường Mỹ với 374.000 lượt khách.
Đặc biệt, có 5 thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 đã vượt mức năm 2019, gồm Campuchia (338%), Ấn Độ (236%), Lào (117%), Thái Lan (108,4%) và Singapore (107,4%). Có hai thị trường phục hồi về gần mức năm 2019 là Mỹ (95%), Australia (92%).
Theo Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 6 năm nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng trưởng ở mức 10-25%, xếp vị trí thứ 7 thế giới. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm này. Các thị trường quốc tế tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam có Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp. Đây đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Những con số đáng chú ý tại hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM Tại TP.HCM, doanh thu bán lẻ hàng hoá 6 tháng đầu năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 36,2%. Đặc biệt chi ngân sách tăng mạnh 70,9%, trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 90,4%, nhiều dự án được khởi công. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý II/2023 tăng 5,87% (gấp hơn 8 lần quý I, quý I tăng trưởng 0,7%). Ước tính GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ. |
Triển vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm
Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho hay, giải ngân đầu tư công cũng là điểm sáng khi tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, 6 tháng đạt 216 nghìn tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ (27,75%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, dưới sự đôn đốc của Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm về giao thông đã được khởi công. Đây là tín hiệu tốt bởi khi đó, toàn bộ phần tiền giải ngân giai đoạn đầu của dự án tập trung vào giải phóng mặt bằng, có thể trả ngay cho người dân, giúp cho khối lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khá hơn.
Bên cạnh đó, Quốc hội vừa qua đã quyết nghị tháo gỡ cho giải ngân vốn đầu tư công cũng như cho phép tiếp tục giao nguồn vốn trung hạn vào các dự án chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó sẽ tạo điều kiện có thêm dự án để có thể triển khai từ giờ đến cuối năm. Do đó, ông Phương cho rằng, có cơ sở để tin rằng mục tiêu giải ngân được tối thiểu 95% tổng kế hoạch vốn (khoảng 711.000 tỷ đồng) đến cuối năm sẽ đạt được.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, những tháng cuối năm 2023, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất thường, khó dự báo.
Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm rất cao, sự chung sức, đồng lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân.
Bà Hương tin rằng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng phù hợp.
Chia sẻ với PV VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, trước hàng loạt những điểm sáng như vốn đầu tư thực hiện, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng, du lịch, nông nghiệp làm bệ đỡ... sẽ giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng, phát triển tốt nhất ở hai quý cuối năm. Trên cơ sở đó, giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn.
“Chúng tôi tính toán, chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,3-6,7% và lạm phát ở mức 3,3-3,5%. Nếu doanh nghiệp của chúng ta tận dụng được cơ hội, nắm lại được các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia mới, tận dụng các cơ hội kích cầu do Chính phủ đưa ra hiện nay; đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh; giá xăng dầu tiếp tục giảm... khả năng tăng trưởng 6,7-7,3% vẫn có khả năng xảy ra”, vị chuyên gia dự báo.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nong-nghiep-lap-nhieu-ky-luc-du-lich-giai-ngan-von-dau-tu-cong-tang-toc-2162145.html
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.