Mã số vùng trồng - “chìa khóa” mở cánh cửa xuất khẩu nông sản
Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu nhằm bảo đảm tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng sản xuất. Đây cũng chính là “chìa khóa” để mở ra những cánh cửa cho nông sản Việt vươn xa.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến nay cả nước có khoảng 4.600 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 300.000 ha như trái cây, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, gỗ... và 2.000 cơ sở đóng gói ở 50 tỉnh, thành phố.
Nhờ kịp thời đáp ứng quy định về vùng trồng, quy trình canh tác, quy trình sơ chế đóng gói… của thị trường nhập khẩu, nên đến nay nông sản Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Cụ thể: Mỹ cũng đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam. Quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép xuất khẩu. New Zealand mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam. Trong khi đó, nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đã xuất hiện ở các siêu thị của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Nông sản của Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như: Nhật, Mỹ, Newzealand...
Riêng với thị trường Trung Quốc, trước tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này với các quy định tạm thời. Tiếp đến là sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước. Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.
Những kết quả trong việc mở cửa thị trường, xây dựng mã vùng trồng đã góp phần giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Siết chặt quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo yêu cầu của các đối tác, cũng như thông lệ quốc tế, diện tích vùng trồng được cấp mã số ít nhất phải 10 ha trở lên. Các mã số vùng trồng được cấp thời gian qua đều có diện tích trên 10 ha, có mã số lên đến hàng trăm ha, tạo điều kiện cho người dân chung tay hợp tác với nhau, áp dụng quy trình kỹ thuật giống nhau, tạo ra sản phẩm đồng đều. Từ đó, chất lượng sản phẩm tăng lên, giá cả tăng lên. Điển hình, sầu riêng giá đã tăng gấp 3 so với trước khi có nghị định thư, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.
Những lợi thế trên chỉ được phát huy hiệu quả khi các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh. Đặc biệt quan trọng là sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.
Như vậy, để giữ được thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp cần tăng cường quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Tập huấn, hướng dẫn các địa phương về quy định của nước nhập khẩu
Để thúc đẩy và tạo động lực xuất khẩu các sản phẩm mới, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN$PTNT sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan những quy định của Trung Quốc, New Zealand và Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với khoai lang, chanh, bưởi và nhãn. Cùng với đó, đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và nông dân đảm bảo cho các lô hàng khoai lang, nhãn, chanh, bưởi nhanh chóng đến với người tiêu dùng của Trung Quốc, New Zealand, Nhật Bản.
Nhằm thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được thực hiện có hiệu quả, công khai, minh bạch trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật vừa có công văn gửi sở NN&PTNT các địa phương đề nghị cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch tại địa phương tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp của hồ sơ và tiến hành kiểm tra thực tế.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế, cơ quan chuyên môn địa phương hoàn thiện biên bản và hồ sơ vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định của từng thị trường để gửi về cục. Cục Bảo vệ thực vật soát xét lại hồ sơ và phản hồi lại cho cơ quan chuyên môn địa phương; đồng thời gửi hồ sơ, hoặc danh sách cho các nước nhập khẩu để được phê duyệt hoặc cấp mã số.
Sau khi nhận được thông tin phê duyệt, hoặc mã số được cấp của nước nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn địa phương. Cơ quan chuyên môn địa phương phải thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu, hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời tiến hành giám sát việc đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.
Về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương, Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị cơ quan chuyên môn địa phương thực hiện tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thực tế và gửi các hồ sơ đạt yêu cầu về cục để chuyển nước nhập khẩu xem xét, phê duyệt, cấp mã số.
Nguồn: https://baomoi.com/quan-ly-chat-che-ma-so-vung-trong-de-nong-san-viet-vuon-xa/c/44653278.epi
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.