Ngày 12/3, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, cho biết, cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam với diện tích cả nước hơn 710 ngàn ha, sản lượng hơn 1,8 triệu tấn. Cây cà phê được trồng tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, chiếm 91% về diện tích và 93% sản lượng cà phê của cả nước.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 sau Braxin và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới. Trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, năm 2022 xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới.
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Việc sản xuất tập trung vào khai thác tối đa tiềm năng năng suất của cây cà phê mà chưa chú trọng nhiều vào phát triển xanh và bền vững.
Đây rõ ràng là thách thức lớn nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận như là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê thay đổi cách nhìn về một nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) cho biết, từ năm 2002 tỉnh Đăk Lăk đã bắt đầu triển khai chương trình cà phê bền vững có chứng nhận UTZ và sau đó lần lượt là 4C, RFA, FLO, gần đây là cà phê hữu cơ, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường cà phê thế giới.
Ông Minh cũng cho biết, để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng chất lượng, chúng ta cần khai thác phân khúc cà phê đặc sản. Tại thị trường nước ngoài, cà phê đặc sản Việt Nam được giới thiệu tại các hội chợ cà phê đặc sản danh tiếng tại Mỹ, Ý, Hàn Quốc, Nhật thu hút được sự quan tâm của các nhà rang và bước đầu có những giao dịch thương mại thực tế.
Đã có lô hàng cà phê nhân đặc sản Robusta 20 tấn từ Đăk Lăk được xuất khẩu sang Vương quốc Anh với giá gần gấp 3 lần giá cà phê thương mại. Đây được xem là dấu ấn đáng ghi nhận của những nỗ lực từ người sản xuất đến nhà xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, bên cạnh những cơ hội đã thấy, ngành cà phê cũng đặt ra nhiều thách thức khi cán cân cung cầu cà phê ngày càng thay đổi, sự thịnh vượng của người trồng cà phê bị giảm sút. Cùng với đó là biến đổi khí hậu cũng như các quy định khắt khe của các nước nhập khẩu.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trong sản xuất cà phê chất lượng cao. Cụ thể, về sản xuất, chế biến, cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả như đẩy mạnh tái canh, tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu.
Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận, hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật để họ yên tâm trồng trọt. Đặc biệt, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà phê.
Bên cạnh tập trung duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, cần nhanh chóng phát triển các thị trường tiềm năng nhất là EU và các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, các nước ASEAN...
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu một thành viên 2-9 Đăk Lăk, cho biết, hiện nay tỷ lệ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong sản lượng lớn của cà phê Việt Nam. Trong khi, đây là một hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta hãy bắt tay ngay vào việc xây dựng lộ trình dài hạn để phát triển cà phê theo hướng chất lượng cao, cà phê đặc sản.
Để đạt được mục tiêu này, ông Huy đưa ra nhiều giải pháp như cần quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn như giảm thiểu sử dụng nước, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Nâng cao chất lượng chế biến sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khâu sản xuất và tiêu thụ.
Đặc biệt, cần tập trung chế biến sâu để biến Tây Nguyên trở thành trung tâm cà phê của thế giới. Muốn vậy, cần phải xây dựng các cụm công nghiệp theo hướng liên kết, công nghiệp phụ trợ để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hệ thống chế biến sâu từ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Chính sách ưu đãi thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị… Khai thông và nâng cấp hệ thống giao thông, đường cao tốc nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền trung, tiếp cận với cảng biển gần hơn như: Cảng Quy Nhơn, cảng Nam Vân Phong…
Cần tổ chức các cuộc thi cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao Việt Nam tầm quốc tế. Đồng thời, xây dựng ngay một trung tâm đào tạo đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị cà phê từ khâu chọn giống, đào tạo canh tác, sơ chế, chế biến, rang xay, pha chế, logistic và các nghiệp vụ xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tại sao thương hiệu Starbucks đã biến ly cà phê giá chỉ có 2,3 xu thành sản phẩm cà phê 5 - 10 USD? Trong những thành công của thương hiệu Starbucks thì việc ứng dụng công nghệ cũng chỉ là 1 yếu tố trong việc tạo ra giá trị cho cà phê. Ngoài ra, còn các yếu tố khác về văn hóa, xã hội, trải nghiệm, cảm xúc… cũng mang lại nhiều thú vị cho cà phê.
Ngành cà phê Việt Nam đang trên đà phát triển, vậy làm sao chúng ta tăng giá trị chất lượng cà phê, không chỉ ở chế biến tinh mà đó là ở giá trị văn hóa tiêu dùng để đi vào đúng cảm xúc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, sau hội thảo này, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc chính thức với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xây dựng câu chuyện về văn hóa cà phê Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
“Tôi đề nghị Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cùng với Bộ NN-PTNT tìm hiểu thị trường để hướng tới một viễn cảnh trong 5-10 năm nữa sẽ chuyển hóa tạo ra dòng cảm xúc, nét văn hóa cho cà phê Việt Nam. Để từ đó, chúng ta đưa được sản phẩm cà phê đi khắp thế giới với giá trị tối ưu nhất”, Bộ trưởng cho biết.
“Chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ giá trị nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng này. Nhìn từ câu chuyện của Starbucks, thị trường đón nhận cà phê không chỉ ở câu chuyện chất lượng mà còn quá nhiều việc khác phải làm. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các Hiệp hội, ngành hàng cà phê cần suy nghĩ thêm về câu chuyện văn hóa cà phê”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Theo Tuấn Anh - Minh Quý
Nguồn: https://nongnghiep.vn/mang-ve-hon-4-ty-usd-nhung-ca-phe-viet-chu-yeu-xuat-khau-tho-d345741.html
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.