Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đặc biệt chú trọng đến rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lần 2 các mức lãi suất điều hành lên 1%, ngay lập tức tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt, tuy nhiên hiện vẫn ở mức cao. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Để hạn chế phần nào những thiệt hại do tỷ giá gây ra, bên cạnh các giải pháp điều hành của cơ quan quản lý, các chuyên gia cho rằng bản thân các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị ứng phó trước như lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá và hạn chế việc vay bằng ngoại tệ khi không có đủ nguồn trả.
Tiền đồng mất giá 4,1% trong 1 tháng
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ dao động tỷ giá quy đổi USD/VND từ +/-3% theo tỷ giá trung tâm lên +/-5% (ngày 17/10) giá mua - bán ngoại tệ này tại hầu hết kênh giao dịch bên ngoài thị trường đều ghi nhận xu hướng tăng vọt.
Theo đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng theo chiều thẳng đứng, tính từ ngày đầu điều chỉnh biên độ là 17/10 đến ngày 26/10 đã tăng 117 đồng. Tuy nhiên, sau khi các mức lãi suất điều hành tăng thêm 1% thì tỷ giá trung tâm đã giảm nhẹ 10 đồng trong 3 phiên và hiện đang niêm yết ở mức 23.695 đồng/USD.
[Tăng lãi suất điều hành: Giảm áp lực lên tỷ giá và lạm phát]
Tương tự, tỷ giá USD tại các ngân hàng cũng đã tăng mạnh, có phiên tăng tới 190 đồng/USD, phiên tăng cao nhất của chiều bán ra là 24.888 đồng/USD được niêm yết tại Vietcombank. Tổng cộng tính từ ngày 17-26/10, tỷ giá tại các ngân hàng đã tăng khoảng trên 600 đồng.
Dù 3 phiên gần đây có xu hướng hạ nhiệt nhưng nhỏ giọt và chỉ giảm 11 đồng và hiện đang giao dịch quanh mức 24.567-24.877 đồng/USD.
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, từ đầu tháng Mười đến nay, tiền đồng đã mất giá 4,1% so cuối tháng Chín, gần bằng mức mất giá trong suốt 9 tháng.
Cụ thể, theo tính toán của VDSC tỷ giá trung tâm đã có bước điều chỉnh nhanh và mạnh trong tháng Mười, tăng 1,3% so với cuối tháng Chín, cao hơn mức điều chỉnh 1,1% trong suốt chín tháng đầu năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 8,8% trên thị trường chính thức, diễn biến đang có xu hướng rơi vào kịch bản mà VDSC kỳ vọng là mức mất giá 10% cho cả năm 2022.
“Biến động mạnh của tỷ giá trong một thời gian ngắn đã tạo ra tâm lý găm giữ đồng USD. Với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, chúng tôi không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá từ 10% đến 15% trong năm 2022,” các chuyên gia phân tích từ VDSC nhận định.
Phân tích về triển vọng tỷ giá, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng biến động của tỷ giá trong nước vẫn theo chiều hướng tăng nhiều hơn bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng tiếp tục lộ trình thắt chặt mạnh mẽ, nâng lãi suất điều hành thêm khoảng 125 điểm, lên quanh mức 4,4%.
Ngoài ra, cung cầu trong nước khó có thể sớm cải thiện do nhu cầu ngoại tệ chuyển lợi nhuận về nước, trả nợ vay thường có xu hướng gia tăng trong giai đoạn cuối năm và rủi ro từ môi trường quốc tế vẫn lớn tác động đến kỳ vọng, tâm lý găm giữ USD của doanh nghiệp, cá nhân.
Mặc dù vậy, vị lãnh đạo ngân hàng cũng vẫn kỳ vọng đà tăng của tỷ giá trong nước sẽ chậm lại với điểm tựa lớn đến từ những chính sách điều tiết linh hoạt của cơ quan quản lý thông qua việc phối hợp đồng bộ điều hành tỷ giá linh hoạt với điều tiết lãi suất phù hợp, đồng thời Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán can thiệp khi cần thiết.
Cần phòng ngừa rủi ro
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc USD tăng giá gây sức ép khá lớn đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ bị tăng chi phí đáng kể do tỷ giá nhích lên theo diễn biến thị trường.
Bà Nguyễn Thị Vân-Phó Giám đốc Công ty Tân Thành Long (Hà Nội) cho biết, công ty chuyên sản xuất mặt hàng gỗ tự nhiên, ván công nghiệp hiện đang gặp không ít khó khăn bởi sự tăng giá của đồng USD. Nguyên nhân do chủ yếu công ty nhập hàng từ Mỹ và châu Âu nên việc tỷ giá chênh lệch đã tác động tương đối tới doanh nghiệp, khiến chi phí "đội" lên khoảng 10%.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Hồng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (Hà Nội) cũng chia sẻ, tỷ giá tăng thì đối với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi, nhưng với điều kiện nguyên liệu sản xuất phải là từ trong nước. Còn với doanh nghiệp xuất khẩu nhưng vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu, thì tỷ giá tăng cũng gây không ít áp lực.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam khuyến nghị, không chỉ trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh, mà ngay cả trong thời điểm bình thường, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần đặc biệt chú trọng đến rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm phòng ngừa biến động tỷ giá xảy ra.
Theo một chuyên gia tài chính, khi doanh nghiệp mua hợp đồng kỳ hạn, họ phải mua USD với giá cao hơn nhiều so với giá hiện tại. Trong khi đó, chênh lệch giá USD giữa hiện tại và tương lai dựa trên chênh lệch về lãi suất giữa VND và USD. Hiện lãi suất huy động USD bằng 0%, lãi suất VND đang dần tăng lên, do vậy giá USD mua theo kỳ hạn trong tương lai sẽ khá cao.
Theo tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, về nguyên tắc, số ngoại tệ thu được của doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sau khi xuất hàng hóa đều chuyển về Việt Nam. Việc doanh nghiệp bán ngoại tệ khi nào tuỳ thuộc lựa chọn của mỗi doanh nghiệp. Vòng quay kinh doanh khiến doanh nghiệp không thể giữ mãi USD, họ cũng cần bán để mua nguyên vật liệu sản xuất tiếp theo.
Ông Nghĩa lưu ý doanh nghiệp có thể ký hợp đồng quyền chọn mua USD với Ngân hàng Nhà nước vào tháng 12/2022 với tỷ giá khoảng 24.500 đồng/USD. Đến ngày thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp có thể mua USD với giá thấp hơn. Hiện đa số các nhà xuất khẩu nước ngoài đều lựa chọn hợp đồng quyền chọn mua ngoại tệ, nhằm hạn chế tối đa rủi ro tỷ giá hối đoái.
Cuối tuần qua, trả lời các đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ giá biến động mạnh do tác động bởi tâm lý kỳ vọng, đặc biệt là các thông tin không đúng sự thật ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như thị trường ngoại tệ.
“Ngân hàng Nhà nước đã phải chủ động cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn. Bởi nếu ổn định lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối mà ổn định thị trường này rất quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam,” Thống đốc nhấn mạnh.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường./.
Theo Thúy Hà
https://www.vietnamplus.vn/ty-gia-giua-muon-trung-vay-doanh-nghiep-lam-gi-de-ngua-rui-ro/826434.vnp
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.