Trong quý I/2014, Việt Nam đã xuất khẩu được 500.000 tấn cà phê. Tính từ đầu vụ (tháng 10/2013) đến nay, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt kim ngạch 1 tỷ USD. Ngay từ đầu vụ 2013/14, doanh nghiệp và chuyên gia nhận định được mùa nhưng giá sẽ giảm. Tuy nhiên, từ đầu vụ đến nay, giá xuất khẩu bình quân đạt 2.000 USD/tấn. Dự báo quý II xuất khẩu tiếp tục thuận lợi và cả năm 2014 vẫn ở mức này.
Dự báo niên vụ tới, do khô hạn mất mùa ở một số vùng cà phê trên thế giới, nhu cầu thị trường ngày càng tăng và cà phê Việt Nam ngày càng uy tín trên thế giới nên xuất khẩu sẽ thuận lợi. Theo đó, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo, số lượng xuất khẩu năm 2014 đạt trên 1,5 triệu tấn, kim ngạch không dưới 3 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước. Giá xuất khẩu cà phê vẫn ở mức cao kéo theo giá thu mua trong nước không dưới 40.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được ngành cà phê đang đứng trước một số thách thức. Như quy hoạch sản xuất cà phê, sản xuất bao nhiêu cà phê cho phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới hiện nay và trong tương lại. Thứ hai là trong số 622.167 ha cà phê đang sản xuất của cả nước, hiện có khoảng 86 ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%); khoảng 140.000 ha từ 15 – 20 năm tuổi, chiếm 25%. Trong vòng 10 năm nữa, sẽ lên đến 160.000 ha làm giảm sản lượng lớn, ảnh hưởng đến kim ngạch. Bên cạnh đó, còn có các thách thức kế tiếp liên quan đến chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị cà phê. Môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, cạnh tranh trong chế biến và tiêu thụ cà phê hòa tan, rang xay gay gắt hơn …
Nhiệm vụ và kiến nghị
Trước thách thức này, VICOFA đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới 2014 – 2017. Gồm tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án phát triển cà phê bền vững cho ngành cà phê Việt Nam. Trong đó, diện tích khai thác ổn định ở mức 570.000 ha, nâng cao năng suất để giữ sản lượng khoảng 1,3 – 1,4 triệu tấn, xuất khẩu trên 1 triệu tấn/năm. Giữ thị phần xuất khẩu cà phê nhân khoảng 17% so với thế giới. Đề xuất các phương án tổ chức lại ngành cà phê để khắc phục 3 đặc điểm: sản xuất quá nhiều hộ nhỏ, kinh doanh quá nhiều doanh nghiệp, xuất khẩu chủ yếu cà phê nhân.
Thứ hai là triển khai chương trình tái canh cây cà phê. Về chất lượng, tăng cường tuyên truyền và khuyến khích người trồng hái cà phê chín trên 80%. Đồng thời hướng các doanh nghiệp đưa ra mức giá thu mua cao hơn đối với loại cà phê có tỷ lệ chín cao để hỗ trợ và thay đổi thói quen không phù hợp làm giảm giá trị cà phê. Hướng người trồng cà phê và doanh nghiệp tập trung vào quy trình đầu tư thâm canh vườn cà phê kết hợp với trồng cây che bóng và sản xuất cà phê chất lượng cao thực hiện quy trình sản xuất theo chứng chỉ cà phê 4C, UTZ, R.A. Dự kiến năm 2014, cà phê có chứng chỉ tăng lên 25% so với hiện nay là 20%. Đẩy mạnh đầu tư chế biến cà phê rang xay, hòa tan để xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê. Về thương mại, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường nhằm vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Đông Âu. Đầy mạnh việc tiếp thị và mở rộng tiêu thụ trong nước nâng mức tiêu thụ lên 15% tổng lượng cà phê trong 5 năm tới. VICOFA cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm trình Chính phủ đưa chương trình tạm trữ cà phê trở thành chính sách thường xuyên của ngành. Kiến nghị Bộ Tài chính thành lập Quỹ Phát triển Cà phê Việt Nam thay cho Quỹ Bảo hiểm Xuất khẩu Cà phê.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam (15/4/2014)
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.