Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định số 1186 ký ngày 10/4, về việc loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất Glyphosate khỏi danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa hoạt chất Glyphosate khỏi danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate sẽ bị xoá khỏi danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Loại bỏ thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate  

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV, hiện nay nước ta còn có 5 triệu lít thành phẩm thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate. Ngay sau khi Quyết định 1186 được ký, việc nhập khẩu Glyphosate vào Việt Nam sẽ bị cấm hoàn toàn, còn việc sử dụng sẽ được kéo dài thêm 1 năm.

“Theo thông lệ quốc tế và Luật thương mại WTO, quyết định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày”, ông Trung giải thích thêm. 

Quyết định được đưa ra sau khi, tòa án tại Mỹ đã có phán quyết lần thứ 2 về một loại thuốc diệt cỏ do Tập đoàn Monsanto (Mỹ) sản xuất từ hoạt chất Glyphosate là thủ phạm gây ung thư cho một người làm vườn ở Mỹ mới đây.

Trên thực tế, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp của Việt Nam đã nhập khẩu về một trữ lượng khổng lồ các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ từ hoạt chất này.

Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật, các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Glyphosate tại Việt Nam hầu hết đều do Monsanto (hiện đã thuộc về Tập đoàn Bayer của Đức) phân phối. Trong những năm qua, lượng Glyphosate sử dụng tại Việt Nam là rất lớn, mỗi năm khoảng 30.000 tấn, chiếm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật nói chung và chiếm 60% trong nhóm thuốc trừ cỏ. 

Glyphosate chủ yếu sử dụng cho cây trồng trên cạn, Chính phủ và Bộ NN-PTNT không khuyến khích người dân sử dụng hay quá lạm dụng các biện pháp hóa học mà khuyến khích sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.

Trước đó, Bộ NN-PTNT đã từng có quyết định loại bỏ 6 hoạt chất ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, với số lượng tên thương phẩm lên tới 1.024 nhãn thuốc.

Có hoạt chất thay thế

Đặc biệt, trả lời về phương án thay thế sau khi cấm Glyphosate, ông Hoàng Trung cho biết: “Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật có tới 54 hoạt chất trừ cỏ hiệu quả và an toàn thay thế. Trước khi loại bỏ khỏi danh mục hoạt chất Glyphosate, Bộ NN&PTNT đã có các giải pháp tổng thể để không ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân và việc tăng năng suất cây trồng”.

Đặc biệt, theo Cục BVTV, hiện các tổ chức cá nhân cũng đã chủ động đăng ký các loại thuốc trừ cỏ chứa các hoạt chất thế hệ mới, có nguồn gốc sinh học hiệu quả, an toàn để thay thế Glyphosate.

“Các tiến bộ về quản lý dịch hại trong đó có cỏ dại cũng đã phát triển với nhiều phương thức, hướng tới nền công nghiệp sạch phải đảm bảo được môi trường”,ông Trung nhấn mạnh.

Cũng theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung, hiện chúng ta tạm loại bỏ thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục, chứ không phải cấm. Còn sau này, nếu thế giới chứng minh glyphosate không gây ung thư, thì sẽ đưa trở lại vào danh mục.

Glyphosate là hoạt chất có tác dụng diệt cỏ hiệu quả cao và được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng mức độc hại của nó đã được cảnh báo từ lâu. Cục BVTV khẳng định, việc loại bỏ hoạt chất Glyphosate là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật hiện hành, hài hòa với quy định quốc tế.

Năm 1994, Glyphosate đã được đăng ký vào Danh mục Thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và đến nay, đã có tới 104 tên thương mại chứa Glyphosate được đăng ký (Ban hành theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 9/2/2018 và Thông tư số 13/2018/TT-BNNPTNT ngày 8/10/2018).

Trên thực tế, các nghiên cứu về mức độc hại của thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate đã được cảnh báo từ lâu. Việc lạm dụng các loại hóa chất diệt cỏ, trừ sâu bệnh trong thời gian dài không những gây ảnh hưởng môi trường mà còn để lại hậu quả nặng nề trước hết với sức khỏe của người dân - những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất này và cả những người tiêu dùng.

Ngay từ năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC (International Agency for Research on Cancer) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả đánh giá khả năng gây ung thư nhóm 2A đối với thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate có nguy cơ cao gây các bệnh ung thư máu, phổi, tiền liệt tuyến. 

Ngày 12/4/2016, Cục BVTV đã tạm dừng đăng ký mới đối với tất cả sản phẩm có chứa chất Glyphosate, đồng thời tiếp tục rà soát và thu thập thông tin, bằng chứng khoa học liên quan ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. 

Ngày 10/8/2018, bồi thẩm đoàn tại bang California đã phán quyết thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto gây ung thư giai đoạn cuối cho công dân Mỹ Dewayne Johnson và yêu cầu Monsanto bồi thường cho nguyên đơn. 

Ngày 19/3/2019, bồi thẩm đoàn 6 người tại Tòa sơ thẩm liên bang ở thành phố San Francisco, bang California kết luận thuốc diệt cỏ Roundup của Công ty Mosanto, là tác nhân quan trọng gây ung thư cho cho ông Edwin Hardeman, 70 tuổi ở California, người đã thường xuyên sử dụng thuốc diệt cỏ từ năm 1980-2012, sau đó ông bị chẩn đoán mắc ung thư hạch không Hodgkin (NHL) sau một thời gian sử dụng hóa chất này. 

Tính đến tháng 2/2019, đã có hơn 11.200 đơn kiện nhằm vào Monsanto vì thuốc diệt cỏ Roundup.