Theo đại diện Kênh truyền hình kinh tế tài chính VITV, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng, chiến sự Nga – Ukraine diễn biến ngoài dự đoán.
Bà Bùi Thị Phương Chi – Giám đốc Kênh truyền hình kinh tế Tài chính VITV. Ảnh: Hà Anh.
Tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm của cả nước có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ 2022, song vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn rất nhiều so với 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới).
Như vậy, số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2023 là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tất cả những yếu tố này đều báo hiệu khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông thường, sau Tết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phục hồi và tăng tốc, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn nhiều con số rút lui khỏi thị trường là vấn đề đáng lưu tâm.
Phát biểu tại buổi đối thoại, TS Vũ Tiến Lộc - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đang “chạm đáy”.
“Lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp phá sản và giải thể nên hy vọng quý I/2023 là “điểm đáy” của sự phục hồi doanh nghiệp. Hiện tín hiệu của sự hồi phục đã xuất hiện dù rất yếu, nên quý III/2023 sẽ cho tín hiệu tích cực hơn”, ông Lộc nói.
TS Vũ Tiến Lộc (thứ 4 từ phải sang) cho rằng, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đang “chạm đáy”. Ảnh: Hoài Anh.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn chia sẻ, doanh nghiệp đang gặp khó về vay vốn trong bối cảnh giá cả tăng, cạnh tranh giữa các các doanh nghiệp lớn hơn.
“Khả năng quản trị của các doanh nghiệp Việt cũng bắt đầu đuối sức và không kém phần bi quan. Bởi vậy, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp cần sát thực tế hơn để nhanh gọn, kịp thời”, ông Đoàn cho biết.
Theo ông Nguyễn Thế Việt - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành còn nhiều khó khăn cho dù công tác kiểm tra đã được thực hiện trên hệ thống điện tử.
Công tác kiểm tra chuyên ngành chưa áp dụng quản lý rủi ro một cách triệt để. Sự chồng chéo trong danh mục kiểm tra chuyên ngành – một mặt hàng cũng có thể kiểm tra bởi nhiều bộ ngành khác nhau - nên trong quá trình thực hiện pháp luật về hải quan còn nhiều vướng mắc.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Cần thực hiện cải cách môi trường kinh doanh để tạo ra bước ngoặt của sự thay đổi.
Mật khẩu | |
Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu | Đăng ký | |
HIỆP HỘI CÀ PHÊ - CA CAO VIỆT NAM (VICOFA)
Người đại diện: Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội
Địa chỉ: Số 5 Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
VP Đại diện VICOFA tại TP. HCM: 135A Pasteur (lầu 5), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
Tel: 024 3733 6520 - 3845 2818
E-mail: info.vicofa@gmail.com
Website: www.vicofa.org.vn
Ghi rõ nguồn "www.vicofa.org.vn" khi bạn sử dụng lại thông tin từ website này.